Phí chồng phí
Chị Nguyễn Thị Phượng vừa nhăn nhó, vừa chìa cái áo vàng đang cầm trên tay: “May cả cái áo này chắc chỉ ba chục ngàn/cái, vậy mà bệnh viện thu tiền thuê áo 10.000 đồng/ngày. Như thế thì chỉ 3 ngày là thu hồi vốn. Cái áo này quay vòng hàng nghìn lượt, bệnh viện thế thì “lời” quá, khác gì kinh doanh áo đâu”.
Một bác cao niên nói thêm: "Người nhà bệnh nhân bị “đè” ra thu đủ loại tiền. Tôi mất 10 nghìn thuê áo vàng/ngày rồi, cứ nghĩ thôi thì đó là người ta “đánh” phí người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân, ấy thế mà khi đi thang máy, mặc áo vàng vẫn bị thu tiếp 1.000đ/lượt. Tôi già thế này, lại đau khớp, một ngày đi lên đi xuống cả chục lần, không thể đi thang bộ được, nên đành mất tiền cho xong. Hôm đầu tiên vợ tôi vào viện này, riêng tiền thang máy tôi phải trả 30.000 đồng".
Mặc áo vàng cũng phải trả tiền
Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí được đưa vào sử dụng từ năm 1981 theo Quyết định số 57/QĐ-BYT, ngày 24.1.1981 của Bộ trưởng Bộ Y tế, là bệnh viện đa khoa loại 1, trực thuộc Bộ Y tế. Bệnh viện có ít nhất hai dãy nhà cao tầng, trong đó có một dãy mới xây khang trang, hai dãy này được trang bị thang máy để di chuyển.
Tại hai thang máy này liên tục có 2 nhân viên túc trực để thu tiền. Thang máy toà nhà trong cùng có một cô gái kê chiếc ghế nhựa xanh ngồi trong thang máy, tay cầm một xấp tiền, trước mặt có 1 túi nylon cũng đầy ắp tiền. Khi chúng tôi (mặc áo vàng để khảo sát) lơ đi không tự động trả tiền liền bị nhắc nhở. Thắc mắc: “Áo vàng cũng bị thu tiền à?”, cô gái trả lời: “Thu tất”.
Khu vực thang máy không treo bảng thông báo thu phí, mức phí. Tiền phí thang máy cũng không có vé thu, cô gái thu tiền tay phải, ập vào tay trái rồi ấn nút, thang máy lừ đừ chuyển động.
Thang máy toà nhà có khoa sản tấp nập hơn, hoạt động liên tục, nam nhân viên ở đây rất nhanh nhẹn “khắc nhập” phí đi thang máy, trả lời chúng tôi “có 1.000 đồng thôi mà” khi chúng tôi hỏi “áo vàng có mất tiền đi thang không?”.
Đi thang máy cũng phải trả tiền.
Anh Hà Tuấn Tú - một người nhà bệnh nhân - phàn nàn: “Đã thu phí áo vàng, lại còn thu phí áo vàng đi thang máy. Vậy là phí chồng phí. Theo tôi biết, bệnh viện này trực thuộc Bộ Y tế, mà Bộ Y tế không hề có bất cứ một quy định nào về việc thu phí người nhà chăm sóc bệnh nhân cả. Sự việc này kéo dài đã quá lâu, đề nghị lãnh đạo bệnh viện có câu trả lời thoả đáng. Tôi chắc chắn rằng ông giám đốc bệnh viện chẳng thể biết chính xác được một ngày số tiền thu của chúng tôi là bao nhiêu đâu, vì làm gì có chứng từ gì. Đã thế, nhân viên thu tiền lại không phải là người bệnh viện. Sao các ông ấy lại cho người ngoài vào bệnh viện “làm tiền” bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như thế?".
UBND tỉnh đồng tình với việc thu phí
Cũng trên địa bàn tỉnh này, chúng tôi nhận được phản ánh về 2 bệnh viện khác cũng thu tiền áo vàng và phí đi thang máy.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cùng là nhà cao tầng, nhưng toà nhà khoa ngoại có một nữ nhân viên mặc trang phục bảo vệ ngồi thu phí thang máy. Người nhà chăm bệnh nhân mặc áo vàng không bị thu tiền.
Tuy nhiên ở toà nhà khoa nội, thang máy lại được đi tự do, không phải trả phí. Anh K - người nhà chăm bệnh tại khoa nội- cho biết anh đã chăm bệnh ở khoa này 1 tuần rồi và không thấy ai thu phí thang máy như bên khoa ngoại. Anh K nói: “Cùng một bệnh viện, nhưng chỗ thu phí thang máy, chỗ không, không hiểu toà nhà bên kia “có cái gì” mà người ta lại thu phí.
Còn tại Bệnh viện Bãi Cháy, rất nhiều người chăm bệnh phàn nàn chất lượng áo vàng của bệnh viện quá tệ. Áo mỏng, màu sắc lờ nhờ, đường may sổ chỉ lem nhem. Thang máy ở đây cũng thu phí 1.000 đồng, nhưng người mặc áo vàng thì không bị thu.
Ông Bùi Văn Quế - Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy và ông Nguyễn Quốc Hùng - PGĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cho biết, UBND tỉnh cho phép bệnh viện thu phí thang máy. Chỉ bệnh nhân mới được miễn phí vì đã tính vào viện phí. Người nhà chăm sóc bệnh nhân có áo vàng thuê 15.000 đồng/ngày cũng được miễn phí. Còn lại phải trả tiền khi sử dụng thang máy của bệnh viện.
Theo Lao Động