Clip: Bệnh nhân Đàm Văn Thủy (57 tuổi, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ về thời gian uống rượu của bản thân.
Theo thông tin từ bác sĩ khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai, 10 năm trở lại đây tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh xơ gan do uống rượu lên tới 60%, trong đó 20–30% xơ gan là do viêm gan B, tỉ lệ tử vong cũng khá cao.
Dịp Tết Nguyên đán, bệnh nhân nhập viện vì rượu gia tăng, trung bình khoảng 2–3 người/ngày. Còn ngày thường, gần như trung bình ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện do rượu.
Tại thời điểm phóng viên có mặt ở khoa Tiêu hóa vào ngày 7/3, có 6 bệnh nhân xơ gan do rượu, trong đó 3 bệnh nhân bị sảng rượu và đang phải cố định chân tay vào thành giường.
Sảng rượu xuất hiện ở những bệnh nhân nghiện rượu sau khi đã ngừng uống rượu (ngừng nhiễm độc rượu) một thời gian. Hình ảnh lâm sàng của nó được biểu hiện bằng hội chứng mê sảng, bằng các ảo thị giác giống sân khấu rực rỡ, hưng phấn vận động và tăng thân nhiệt.
Bệnh nhân Đàm Văn Thủy (57 tuổi, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) có tiền sử 23 năm uống rượu và gần 10 lần nhập viện điều trị. Lần này, bệnh nhân Thủy nhập viện trong tình trạng hôn mê gan, đi ngoài phân đen và run tay.
Sau 4 ngày điều trị tại khoa Tiêu hóa, bệnh nhân đã ổn định, đi phân vàng, không rơi vào tình trạng sảng rượu, tỉnh táo hơn nhưng xơ gan giai đoạn cuối nên tiên lượng khó.
“Tôi bỏ rượu được một năm nay rồi, lúc đó sức khỏe đã yếu nhiều. Thời điểm bỏ rượu khó khăn vô cùng vì nhiều lúc lên cơn thèm rượu như người nghiện thèm ma túy. Trước đây mỗi ngày tôi uống gần 650ml rượu trắng do người ở quê tự nấu. Tôi uống vì nghĩ mình còn khỏe và mỗi lần đi chợ, ngồi với anh em, bạn bè vui vẻ uống chứ không nghĩ tới hậu quả như thế này”, ông Thủy nói.
Còn với ông Ngô Duy Mùi (Vụ Bản, Nam Định), 50 tuổi nhưng có tiền sử 25 năm uống rượu, nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, tay run. Trong quá trình bệnh nhân nằm điều trị tại khoa Tiêu hóa có rơi vào tình trạng sảng rượu và các bác sĩ phải cố định chân tay vào thành giường.
Chia sẻ với phóng viên, bà Đinh Thị Huệ (SN 1977, vợ bệnh nhân Mùi – PV) cho biết, khoảng 5h sáng ngày 3/3 ông Mùi nôn ra máu 2–3 lần. Người nhà đưa ông lên bệnh viện Đa khoa huyện Vụ Bản thăm khám nhưng vì tình trạng bệnh nặng nên các bác sĩ ở đây cho chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Tại đây các bác sĩ nghi ông Mùi bị xuất huyết thành thực quản nên yêu cầu chuyển tuyến lên bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
“Chồng tôi uống rượu từ nhiều năm nay rồi nhưng không thành bữa, lúc nào cũng uống, uống lai rai và 5 năm nay không lao động được gì. Ngày 6/3, chồng tôi cứ mê mê, sảng sảng, nói linh tinh. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông ấy bị mất phương hướng như thế”, bà Huệ tâm sự.
Được biết, bà Huệ một mình đi làm công nhân may với mức thu nhập 4–5 triệu đồng/tháng nhưng phải một nách nuôi hai con ăn học (đứa lớn đang học đại học, đứa bé học lớp 9 – PV), và thêm mẹ chồng đã lớn tuổi cùng người chồng nhiều năm nay không làm được việc nặng.
Trước thực trạng thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các ca ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, bà Huệ cũng đã tỏ ra khá lo lắng cho chồng nhưng vì miếng cơm manh áo bà phải đi lao động không kể thời gian sớm khuya, không có thời gian “quản lý” chồng nên bà cũng đành ngậm ngùi: “Lo thì lo đấy nhưng không biết làm sao, chồng tôi cũng bảo đã hối hận khi uống rượu, dù muộn còn hơn không”.
Hay trường hợp bệnh nhân Đỗ Văn Tuyến (34 tuổi) nhập viện trong tình trạng sảng rượu, đi ngoài phân đen, vật vã kích thích, la hét. Bệnh nhân trẻ nhưng đã uống rượu nhiều năm với số lượng 500ml rượu trắng/ngày.
Sau 4 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân đã ổn định hơn nhưng vẫn còn tình trạng run tay, kích thích nhẹ. Bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối nên tiên lượng sau này khó.
Theo chuyên gia tâm thần và tâm lý học, một trong những dấu hiệu sớm nhất khi xảy ra sảng rượu là mất ngủ, sau đó là ảo tưởng (tri giác nhầm) thị giác và thính giác cùng với các hoang tưởng và trạng thái hoảng sợ. Những ảo thính giác và ảo thị giác thật, giống sân khấu thường xuất hiện trong bảng lâm sàng của sảng rượu. Phản ứng của bệnh nhân trong trạng thái đầy xúc cảm, lo âu, sợ hãi, chờ đợi sự sụp đổ, sự chết chóc làm cho họ rất dễ bị ám thị. Đôi khi ảo giác mang nội dung nghề nghiệp. Điều trị sảng rượu cần phải sử dụng các biện pháp tổng hợp, đặc biệt là các bệnh nhân có rối loạn cơ thể nặng. Nguyên tắc chung là giải độc, sử dụng vitamin liều cao, nhất là vitamin nhóm B và thuốc hướng thần. |
Nguyễn Huệ