Khi cơn bão... đổi hướng
Nếu ai đó còn cho rằng, dân chơi phải là "ai đó" xa lạ, chứ không phải "chú sinh viên, hay cô sinh viên" đầu ngõ. Họ nhầm. Bây giờ "đẳng cấp" của dân chơi chính hiệu lại chính là không ít các... sinh viên.
Dạo quanh một vòng tại những làng sinh viên tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... trong những ngày diễn ra các trận bóng, mới thấy được không khí hào hứng, nhộn nhịp cùng trái bóng. Sinh viên thường tập trung tại các quán cafe, quán nước từ rất sớm. Bình luận, bàn tán thôi chưa đủ, mục đích cho trận cầu sắp diễn là cùng nhau cá độ.
Đà Nẵng vào buổi tối hai ngày cuối tuần, tại các quán cà phê quanh những trường đại học Sư phạm, Bách khoa luôn đông đúc sinh viên tới xem bóng đá và tham gia trò cá độ. Tạt vào quán "cà phê bóng đá" trên đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu).
Mới 7h tối, phải hai tiếng nữa mới tới trận đấu của hai câu lạc bộ Manchester United và Chelsea, song quán đã rất đông khách, chủ yếu là sinh viên. Họ bàn tán về kèo chấp, tiền ăn, "tài - xỉu"... khá rôm rả. Một cậu sinh viên có nước da ngăm đen ngồi bàn bên cạnh nói với đám bạn: "Tao cá MU chấp nửa trái thằng nào dám không?". Mấy cậu khác ngồi cùng bàn cho rằng Chelsea sẽ "ăn".
Không khí bóng đá tại các quán cà phê trong khu Ngô Sĩ Liên, gần trường đại học Bách khoa cũng "xôm" không kém... Ở đây không ai xa lạ với H.V.A., sinh viên năm thứ 7, trường đại học Bách khoa. Cậu là một tay cá độ thuộc hàng chuyên nghiệp, mọi ngõ ngách cá cược, các chủ bóng ở khu vực Hòa Khánh A. đều nắm rõ. Hành trình chính của A. là: "Sáng ra quán cà phê phì phèo thuốc lá, đọc báo, ngồi mạng phân tích trận đấu.
Chiều về làm một giấc. Tối thì mang tiền ra quán cá độ". Có lần A. "đánh" 10 "chai", thua đứt 10 triệu đồng. Cay cú, bí tiền, A. "cắm" cả xe máy, máy tính, CPU... Ngờ đâu, tài sản cứ lần lượt đội nón ra đi theo những kèo độ.
Số tiền A. nợ "chủ bóng" lên đến 100 triệu đồng. Không đủ khả năng để trả khoản nợ lớn như thế, nên A. đã thông báo cho bố mẹ cậu biết. Gia đình A. cũng không khá giả cho lắm, nhưng vì thương con, muốn cứu "quý tử" nên ba mẹ cậu phải cố gắng vay mượn mới đủ để trả nợ số tiền đó. Không riêng A. sa đà, nhiều bạn sinh viên đã dùng hết số tiền mà cha mẹ phải còng lưng làm lụng gửi lên để "nướng" vào bóng đá!
Có trường hợp "mượn" cả tiền vay ngân hàng đóng học phí để cá cược. Các cuộc chơi cứ nâng cấp dần dần từ chiến bé, đến chiến lớn và cuối cùng là "đại chiến" được ăn cả, ngã về... âm. Thua nhiều, có người còn vay "nóng" tiền của bạn, hay của dân xã hội đến khi không có tiền trả bạn, trả "xã hội" nên phải trốn như phạm trốn nã, học hành lúc đó là... chuyện nhỏ. Có một sự thật, không ít dân cá độ xịn lại là những "kiều nữ" xinh đẹp. Họ cũng ham hố như ai, thậm chí nếu "xanh chín" còn sát ván hơn cả các "nam tử".
Ảnh chỉ có giá trị minh họa.
Bán cả đất của tổ tiên để tham gia"đại chiến"
“Lính mới”, thủ đoạn mới Thời gian gần đây, thị trường cá cược trực tuyến có sự tham gia của rất nhiều nhà cái quốc tế. Thị trường lâu nay của các chủ bóng đã bị "lính mới" thâu tóm hơn 2/3 mà số lượng chân rết thì ngày một mọc ra nhiều hơn. Dân độ chuyển qua chơi trả trước ngày càng nhiều, các khách hàng tiềm năng lâu nay dần mất đi nên để "giành giật" khách hàng các chủ bóng đều tìm thủ đoạn chơi bẩn lẫn nhau. Trong 10 vụ bắt quả tang cá độ bóng đá thì có đến phân nửa nguồn tin đến từ những chủ bóng đang cạnh tranh với chủ bóng bị bắt. |
Công việc chính hàng ngày của chủ bóng là ngồi trên máy vi tính, xem các tài khoản con trong trang tổng của mình đánh âm - dương như thế nào, rồi chiết khấu thành tiền. Trừ ngày thứ 2 hàng tuần tương đối bận rộn, còn lại thời gian trong tuần đều rảnh rỗi, dân gian có câu "nhàn cư vi bất thiện" thật đúng trong trường hợp này.
Ngồi trên mạng riết "ngứa tay" nên cứ mạng tổng của ta, ta gõ (nhập kèo), kèo thắng thì ít mà kèo thua thì nhiều, nên cuối cùng không chỉ thua tiền của mình mà còn thâm vào tiền chung chi của dân độ.
"Say đòn" nhà cái thua nhiều quá nên cố đâm ăn xôi, liều mạng xông vào hòng gỡ gạc lại khoản tiền đã mất nên chính những chủ bóng lại vướng vào vòng luẩn quẩn mà dân "nghiền" cá độ dính phải.
Gặp phải khách "sộp" chung chi sòng phẳng thì được chứ gặp phải loại "cù nhầy" thì chủ bóng chỉ có nước khóc ròng. Bởi dù thắng hay thua, đến thứ hai hàng tuần đều phải thanh toán cho đại lý cấp trên không thiếu một xu. Nếu không thu được tiền từ dân độ thì chủ bóng chỉ còn cách tự móc tiền túi ra chung chi cho chủ bóng cấp cao hơn. Nên nhớ đại lý cấp càng cao thì "độ lì" và khả năng "sát thủ" càng "đẳng cấp" gấp bội.
Một hai lần còn có thể chạy vạy ngược xuôi cứu vãn nổi, chứ liên tục hàng tuần liền thì sớm muộn những chủ bóng kiểu này cũng về "chầu diêm vương". L.T. từng là một chủ bóng tầm cỡ nổi tiếng tiêu tiền như nước ở Việt Nam, nhưng hiện tại phải chạy xe ôm kiếm cơm từng bữa. L.T. từng là chủ nhân của trang mạng tổng 100.000 đô nhưng sau khoảng thời gian đầu phất lên nhanh chóng. Nhưng cách đây ba năm, từ khi "biết đánh" banh thì nhà cửa, xe cộ đều lần lượt đội nón ra đi. Đến ô đất rộng hơn 3000 m2 do tổ tiên để lại cũng phải bán tống, bán tháo để kịp chung chi cho đại lí cấp cao hơn.
Bạn thân của L.T., H.T.S. cũng là một chủ bóng ở quận Hải Châu (TP.HCM) còn thê thảm hơn. Cầm mạng tổng mà lại liên tục đánh "quả liều" đến nỗi nhà cửa thì bị xiết, vợ chồng chia ly, ngay cả nơi trú thân cũng chẳng có, lò mặt ra ở đâu là bị đàn em của chủ bóng lớn "dí" cho chạy mất dép. L.T. cho biết: "Thằng S. giờ nó hết đường sống ở cái đất này rồi, nó nợ chủ bóng ở bến xe hơn 3 tỷ, tài sản chẳng còn gì đáng giá để mà xiết nợ, chỉ còn cách trốn biệt xứ mới mong sống sót...".
Những cái chết “thẳng cẳng”của dân bét banh
Cơn lốc banh bóng không chừa một ai, đến cả phái nữ vốn quen liễu yếu đào tơ cũng chẳng phải là ngoại lệ. Nhờ nhan sắc mặn mà, ăn nói lại có duyên nên quán cà phê bóng đá nhưng kỳ thực lại là một ổ cá độ bóng đá trá hình luôn luôn đông nghẹt dân "nghiện độ". Rất nhiều mối khách béo bở tìm đến quán của thị, đánh miết quen mặt nên khách chuyển dần sang đánh alo. Số tiền đánh ngày càng lớn mà giao dịch toàn trên "sóng", chẳng có một đồng một cắc tiền mặt nào. Thắng thì tới lấy tiền ngay trong đêm thua thì lặn mất tăm suốt cả tháng, có khi xù luôn.
Cũng có những vụ đòi được tiền về nhưng phần nhiều là mất trắng, vốn cứ thâm dần nhưng nhờ đông khách nên cầm cự được. Cuộc chơi từ vài nghìn, đến vài chục nghìn "đô" đã "quét" sạch tài sản từ nhà "mỹ nhân" này... lên mạng và cuối cùng là ra đứng đường.
Không có đồng ra đồng vào, đến tiền thuê mặt bằng cũng phải "khất" tháng này qua tháng khác, rốt cuộc không cầm cự nổi nữa đành phải bán sới đi nơi khác sinh sống. Thậm chí có người đã tự tử vì thua độ. Dân chơi gọi đó là “chết thẳng cẳng” theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.
Phương Hưng