Thích ở nhà "bắt" vợ hơn đi học
Từ TP. Điện Biên, vượt qua quãng đường ngoằn ngoèo hơn 60km nhưng phải mất gần nửa ngày đường chúng tôi mới đến được trung tâm thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên).
Được sự chỉ dẫn của người bản địa, chúng tôi tìm đến bản Trung Sua, xã Keo Lôm, nơi được mệnh danh là "bản chết". Tại đây, đã có bao nhiêu chàng trai cô gái trẻ tự sát, bao gia đình vỡ tan hạnh phúc sau những vụ tự tử bằng lá ngón hết sức thương tâm.
Ông Mùa A Văn, Bí thư Đoàn xã Keo Lôm chỉ về một gia đình có người tự tử vì lá ngón.
Ông Mùa A Văn, Bí thư Đoàn xã Keo Lôm đưa chúng tôi đi thăm bản Trung Sua. Trên đường đi, ông Văn cho biết: "Bản Trung Sua có 80 hộ dân, với gần 500 nhân khẩu. Trong đó hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Mông, tỉ lệ hộ nghèo trên 80%. Thú thật, do nhận thức, tập tục lạc hậu nên nạn tảo hôn còn rất phổ biến. Bản thân tôi cũng là người Mông nên tôi hiểu rất rõ về phong tục tập quán của dân tộc mình".
Ông Văn kể về tục "bắt" vợ kỳ lạ ở nơi đây. Chỉ tính từ đầu năm đến nay theo thống kê có đến gần chục trường hợp trai làng bắt vợ khi chưa đủ tuổi. Như Mùa A Trống sinh năm 1996, Giàng A Trống sinh năm 1998, cả hai đều mới bắt vợ đầu năm nay. Hiện hai thanh niên trẻ tuổi này chuẩn bị lên chức bố.
Cũng theo lời ông Văn, sau tết âm lịch, trai gái người Mông bỏ ra cả tháng trời đi giao du giữa trai bản này với gái bản kia. Sau những cuộc vui chơi như vậy, đôi nào ưng nhau thì về thưa chuyện với gia đình. Tục "bắt" vợ của người Mông ở Điện Biên Đông ngày nay đã khác xưa, chàng trai chỉ "bắt" cô gái về nhà mình khi đã được sự đồng ý của cả hai bên gia đình.
Như trường hợp của Mùa A Dơ đang học lớp 10 nhưng "lỡ" đem lòng yêu một cô gái bản bên nên nằng nặc đòi lấy vợ. Hỏi ra thì được biết do đi học xa nhà, sợ ở nhà người yêu lại bị trai bản khác bắt mất nên Mùa A Dơ bỏ học về "bắt" vợ cho yên tâm.
Giận cha mẹ không cho bắt vợ, một câu nói gây mâu thuẫn với bạn tình... thanh niên nơi đây sẵn sàng tìm đến lá ngón. Với người Mông, lá ngón là thứ họ tìm đến khi có chuyện không bằng lòng. Ông Mùa Xìa Xình bố của Mùa A Dơ cho biết: "Vợ chồng mình có được 10 người con, trong đó thằng A Dơ là con thứ 8 trong gia đình, nó đang theo học ở ngoài trường huyện. Đợt nghỉ hè vừa rồi về nhà đi chơi cùng bạn trong bản nên phải lòng cô gái ở bản bên, kém nó một tuổi nên nó về nhà đòi bắt vợ. Ban đầu mình không đồng ý thì nó nói là đi ăn lá ngón tự tử nên đành phải bắt vợ cho nó thôi".
Cụ Mùa Ba Quan, một cao niên trong bản kể, lâu nay người Mông ở đây quan niệm chỉ cần học cho biết mặt con chữ là ở nhà lấy vợ sinh con. Đa số chỉ học hết lớp 2, lớp 3 ở các điểm trường đặt trong bản, còn số ra trường xã, huyện theo học thường rất ít. Trẻ con bây giờ cứ nghĩ đi học khó lắm nên rủ nhau ở nhà bắt vợ và đi làm rẫy sướng hơn. Chính vì vậy, nhiều trường hợp do gia đình cấm, trai gái không đến được với nhau nên lũ trẻ tìm đến lá ngón để tự tử.
Không ai biết lá ngón, loài cây độc chết người được phát hiện ra "công dụng" ở bản làng này từ bao giờ. Chỉ biết trước đây nó là cách nhanh nhất để tự tử của người Mông rồi dần trở nên phổ biến. Người Mông gọi lá ngón là "cua tùa nhủ", nghĩa là thuốc giết ruột bởi khi ăn lá ngón vào bị đứt ruột mà chết. Người tự tử vào tháng một thì ăn một lá, tháng 12 thì ăn 12 lá. Độc ở chỗ, dù chỉ một hay 12 lá, người ăn đều chết cả. Người Mông tính tự ái cao độ, chỉ cần tức nhau câu nói là họ tìm đến lá ngón ngay. Thành thử số người tự tử bằng lá ngón ở Điện Biên Đông năm nào cũng tăng.
Cây "ma lá ngón" đã cướp đi mạng sống của nhiều người dân tộc Mông.
Những cái chết lãng xẹt
Theo ông Mùa A Văn, năm ngoái xã Keo Lôm và các xã bên cạnh có bảy vụ ăn lá ngón tự tử đa số liên quan đến chuyện tình cảm. Tháng 5/2012, Sùng A Tùng, học sinh lớp 8A1, trường THCS dân tộc bán trú Sa Dung (huyện Điện Biên Đông) do thất vọng vì không yêu được bạn học sinh lớp 6 nên đã ăn lá ngón. Khi thầy cô giáo phát hiện và đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã nhưng Tùng đã tử vong.
Trường hợp đau lòng hơn ở gia đình chị Vừ Thị Dung (25 tuổi). Chị có bốn đứa con, cả bốn đứa trẻ đều ăn nhầm lá ngón khi đi nhặt củi ở vạt rừng đồi phía sau nhà. Thấy một búi dây leo lá xanh nõn, bóng loáng, hoa vàng tươi vẫn còn ngậm nụ, bốn đứa trẻ thi nhau bứt lá ngón cho vào miệng. Thấy vị lá ngón "khó nuốt" nên chúng chỉ nhấm một vài lá rồi nhổ ra. Tối đến, bốn chị em dắt nhau băng đồi về nhà và đột nhiên bị chóng mặt. Chị Dung thấy hiện tượng lạ đoán các con ăn nhầm lá ngón nên vội đưa con đi cấp cứu. Đau đớn thay, hai đứa con đầu của chị đã bỏ mạng ngay tại trạm y tế, còn hai cháu nhỏ thì may mắn sống sót do chưa nuốt lá ngón.
Ông Bùi Xuân Thức, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Điện Biên Đông tâm sự: Trẻ con dại dột nhưng người lớn cũng chẳng chín chắn gì hơn. Đi khắp vùng Điện Biên Đông, từ thị trấn huyện cho đến những bản, xã xa xôi như Háng Lìa, Phì Nhừ, Keo Lôm, Mường Luân... đâu đâu cũng nghe chuyện ăn lá ngón tự tử. Bị chồng đánh, giận cũng ăn lá ngón để "đi chết". Trai gái yêu nhau bố mẹ không đồng tình cũng chọn đêm trăng thanh gió mát, ra suối vắng ngồi ôm nhau với nắm lá ngón trên tay. Cả những con nghiện oặt xà lai, bị địa phương đem ra kiểm điểm, buộc đi cai nghiện nhiều lần nhưng không bỏ được thuốc, không có tiền hút chích cũng chọn cách tránh xa ma túy vĩnh viễn bằng lá ngón...
Người Mông ở Điện Biên Đông và nhiều địa phương khác, năm nào cũng có người chết vì lá ngón, chủ yếu đều là các trường hợp cố ý tự tử. Đa số nạn nhân dại dột đều đang ở độ tuổi thanh - thiếu niên. Tất cả đều vì những lý do rất không đâu. Như hai chị em Vừ Thị Cá, sinh năm 1988 và Vừ Thí Pà, sinh năm 1990 ở Mường Tỉnh B, xã Xa Dung, Điện Biên Đông do từ chối cuộc đi chơi mà gia đình tổ chức, vậy là cả nhà cãi nhau. Thấy bố mẹ nói nặng lời, Cá và Pà bèn rủ nhau ra rừng ăn lá ngón, tự kết liễu đời mình.
Vấn nạn người dân tộc Mông tự tử ở Điện Biên Đông đang là một bài toán khó đã tồn tại từ lâu. Họ bị tác động bên ngoài cộng với mặc cảm ở trong lòng, nhưng không nói ra mà tự giải quyết theo hướng tiêu cực, có rất nhiều trường hợp nhờ đến hơi men để tìm đến cái chết.
Đứng trước tình trạng đó, UBND huyện Điện Biên Đông đã phối hợp với các ban ngành trong huyện lập cả một "Chương trình phòng chống nạn tự tử bằng lá ngón" trên địa bàn. Lãnh đạo huyện Điện Biên Đông cũng cho biết, tập tục ăn lá ngón tự tử xuất phát từ trình độ dân trí thấp của người dân địa phương. Bởi lẽ người dân tộc thiểu số sống rất thẳng thắn, bộc trực, lòng tự trọng cao, khi bị xúc phạm, có thể họ không nói năng gì mà tìm đến lá ngón tự tử. Hiện tại, huyện đang từng bước loại bỏ cây lá ngón và tăng cường biện pháp tuyên truyền đến người dân, dần loại bỏ "con ma ngón" ra khỏi bản làng.
Hơn 80 vụ tự tử bằng lá ngón Theo thống kê của trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, một huyện có đa phần là người Mông sinh sống, tính đến năm 2012, trên địa bàn xảy ra khoảng 80 vụ tự tử liên quan đến cây lá ngón và khoảng gần 70 người chết trong đó đa số là người trẻ tuổi, nguyên nhân chết do khúc mắc về chuyện tình cảm. |
Nhật Tân