Ngày xưa muốn về vùng này chỉ có hai cách, một là đi đò dọc, xuất phát từ bến chợ Đông Ba, đò lạch bạch chạy trên sông khoảng bốn tới năm tiếng, giờ là cái thú du lịch nhưng thời ấy là cực hình bởi chậm, chật và... hôi (mùi cá và thuốc rê), và hai là phải chạy ra tận Mỹ Chánh, Quảng Trị rồi quay lại nhờ cây cầu Vân Trình, quãng đường dài thêm gần trăm cây số nữa.
Nhưng chuyện cây cầu với giá trị đổi đời, với công năng kinh tế, người ta nói nhiều rồi, tôi quan tâm chuyện khác, chuyện cái tên cầu.
Khi làm xong người ta đã mặc định tên nó là cầu Tam Giang, cũng có thể là do nó bắc qua phá Tam Giang, tất nhiên là đoạn hẹp nhất có thể.
Nhưng té ra, trước ở đây đã có một cái bến đò, gọi là đò Ca Cút. Và trong dự án người ta cũng gọi nó là Ca Cút.
Tôi nhớ nhà văn nữ xinh đẹp người Quảng Trị nhưng giờ đang là công dân HCM thì phải, thời sung sức của chị, có cái truyện ngắn cực hay: “Ơi đò Ca Cút”. Nghe cái tên đã thấy thân phận, đã hình dung thân phận nhân vật.
Hình như chị lấy bối cảnh là cái bến đò này dù chị ở Quảng Trị và cầu thì ở Thừa Thiên. Cũng có thể là tôi nhận vơ, nhưng khả năng này thấp.
Ở những đoạn như thế này của vùng này, những bến đò ngang thường là... không thấy bờ bên kia, vì nó không phải là sông thông thường, mà nó là phá, lại là cái phá Tam Giang nổi tiếng, tới mức ngày xưa yêu nhau không dám vô. Sau 1975 tôi về quê thì đò ngang đã là đò máy. Cái bến đò Vĩnh Tu nối từ Sịa sang Quảng Ngạn, nếu tôi không nhầm, nó rộng cả cây số, đò máy mà phải đi gần tiếng đồng hồ mới tới bờ bên kia.
Giờ có cây cầu này, về quê tôi chạy từ Huế tới nhà mất khoảng bốn mươi phút, xe đậu trước cổng. Từ cầu Tam Giang về nhà tôi khoảng mười hai cây số.
Thích vô cùng, lợi vô cùng, mê vô cùng. Quê như gần lại. Khi khánh thành (năm 2010), cây cầu này là công trình giao thông đường bộ có quy mô lớn nhất tỉnh TT-Huế.
Nhưng, té ra lại có cái gì đấy xa.
Chính là cái tên.
Trước đấy, khi khánh thành nó mặc định có tên là Tam Giang như đã nói. Mặc dù quá trình lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng giao thông, công trình có tên là cầu Ca Cút; tuy nhiên, đến thời điểm khánh thành, cầu lại được Sở GTVT tỉnh TT-Huế gắn biển là cầu Tam Giang. Nhưng dân hai xã Hương Phong và Hải Dương là nơi thụ hưởng cây cầu gần nhất, trực tiếp nhất, lại cho rằng, Ca Cút mới là tên đúng.
Và họ kiến nghị nhà nước đổi tên từ Tam Giang thành Ca Cút.
Tôi thích vô cùng cái tên Ca Cút này.
Đang có một hiện tượng là một số cán bộ trẻ thích... đổi tên mới cho hoành tráng, trong khi những cái tên cũ, tên nôm, tên dân gian hay vô cùng thì họ lại bỏ.
Tên làng tên xã giờ cũng hay được đổi theo hướng, hoặc là Quyết Tiến, Thành Công, Xung Phong, Cách Mạng, Giải Phóng... hoặc là theo số, những con số vô cảm vô hồn vô tăm vô tích vô ký ức... trong khi những cái tên nôm của làng hay vô cùng, ý nghĩa vô cùng, gợi vô cùng lại bị thay.
Nếu cần chấn hưng, có lẽ bộ Văn hóa chấn hưng ngay việc này, tức là trả lại tên cũ cho các làng, thôn, xã...
Và xây dựng nông thôn mới, theo tôi, nên có mục, tìm lại các tên cũ cho làng.
Lấy ý kiến chính thức thì đại đa số nhân dân 2 xã trực tiếp của cầu này đã đồng ý và kiến nghị nhà nước... trả lại tên cầu.
Được biết tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho thành phố Huế làm các thủ tục để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết “trả lại tên cho cầu” trong quý III năm 2023.
Vầng, hy vọng lần sau về quê, tôi sẽ lái xe trên cầu Ca Cút, cây cầu ban đầu có tên Tam Giang bởi ý chí một một số cán bộ. Nhưng với nhân dân, nó mãi là Ca Cút.
Cũng như tôi, đi đâu thì đi, làm gì thì làm, vẫn chỉ ghi trong hồ sơ tên làng là Thế Chí Tây. Trong quy hoạch, làng tôi (nằm trong xã Điền Hòa) sẽ là một phường của thị xã Phong Điền trong nay mai.
Vâng, quê tôi là làng Thế Chí Tây, (sắp) thuộc thị xã Phong Điền, cách cầu Ca Cút (thuộc thành phố Huế) khoảng mười hai cây số.
*Bài viết thế hiện quan điểm riêng của tác giả.