Những cái tên "quen" bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 7, 31/08/2024 08:00

HAGL hay HAGL Agri đều là những cái tên thường xuyên bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục vì vẫn duy trì khoản lỗ lũy kế "khổng lồ".

Kết thúc nửa đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp đang rục rịch công bố báo cáo tài chính soát xét sau khi hoàn thành báo cáo tài chính tự lập. Việc công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán giúp khẳng định tính chính xác của các số liệu trong bản báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Trong số đó, HAGL hay HAGL Agrico là những cái tên nhận được nhiều sự quan tâm bởi nhiều kỳ liên tục bị các đơn vị kiểm toán "réo tên".

Những băn khoăn của kiểm toán với HAGL

Mới đây Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024.

Theo đó, đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh khoản lỗ lũy kế 957 tỷ đồng tại ngày 30/6/2024 của HAGL. Đồng thời, nợ ngắn hạn của công ty tính đến cuối tháng 6/2024 là hơn 9.058 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn (8.707 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tính đến ngày 30/6/2024, công ty chưa thanh toán hơn 789 tỷ đồng nợ gốc, 7,7 tỷ đồng lãi vay, và khoảng 3.277 tỷ đồng lãi trái phiếu đến hạn, do chưa thu được khoản nợ từ Công ty Cổ Phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG).

Do đó, kiểm toán nhấn mạnh "sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn".

Trước những lo ngại của kiểm toán, Hoàng Anh Gia Lai cho biết tại thời điểm 30/6/2024, công ty đã lập kế hoạch kinh doanh cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ các đối tác, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền hoạt động tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan, đồng thời đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn. Trong đó, hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2024.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 2.762 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 500,2 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nghi ngờ hoạt động với khoản lỗ lũy kế gần 8.500 tỷ đồng

Một doanh nghiệp nữa cũng nhiều năm nằm trong nhóm nghi ngờ hoạt động của kiểm toán là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico; HoSE: HNG).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024. doanh thu thuần của HAGL Agrico đạt 147 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế 363 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 247 tỷ đồng cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024, kiểm toán viên có nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục, nguyên nhân do Công ty đã phát sinh khoản lỗ thuần là 363 tỷ đồng; lỗ lũy kế là 8.466 tỷ đồng; nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 10.345 tỷ đồng và vi phạm một số điều khoản của các khoản vay.

HAGL Agrico cho biết đang tiếp tục triển khai các dự án để đảm bảo dòng tiền hoạt động kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu một số khoản nợ và làm việc với các bên liên quan giải quyết công nợ và nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia, để triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động nguồn vốn để có dòng tiền đầu tư. Trên cơ sở này, HAGL Agrico đã lập và trình bày báo cáo tài chính 6 tháng năm 2024 đáp ứng giả định hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng tới.

Và nhiều cái tên trong diện nghi ngờ

Không chỉ HAGL hay HAGL Agrico, vừa qua cũng có nhiều doanh nghiệp bị đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục.

Cụ thể, dưới sức ép của khoản lỗ lũy kế hơn 2.400 tỷ đồng và có một số khoản nợ quá hạn thanh toán, kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty Cồ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC).

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 3.606 tỷ đồng, tăng 6%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 897 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 643 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.

Trước nghi ngờ của đơn vị kiểm toán, đại diện Xây dựng Hòa Bình cho biết, chiến lược kinh doanh của công ty trong thời gian tới là là tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tại Hoa Kỳ, công ty đã khởi công dự án The Grove Apartments tại California vào tháng 4/2024 và sắp tới đây sẽ triển khai thi công hai dự án hạ tầng lớn ở Campuchia.

Công ty cũng có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi nợ phải thu, đặc biệt là nợ phải thu tồn đọng, bằng nhiều biện pháp hiệu quả bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, trọng tài.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HoSE: LDG) và Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) cũng bị các đơn vị kiểm toán chỉ ra các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.