Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Anh, thế giới đã ghi nhận hơn 200 ca nhiễm tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, lần đầu tiên đậu mùa khỉ xuất hiện tại khu vực Nam Mỹ là Argentina.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chuỗi lây nhiễm này được ghi nhận tại châu Âu, vốn không có nhiều mối liên quan dịch tễ đến khu vực Tây hoặc Trung Phi, nơi đậu mùa khỉ là căn bệnh truyền nhiễm đặc hữu.
Theo nhận định của WHO, trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ nữa tại những quốc gia thường không ghi nhận các ca mắc bệnh này, nhất là khi người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Dù nhận định ít khả năng xảy ra đại dịch giống như Covid-19 hiện nay, nhưng giới chuyên gia vẫn cảnh báo các nước cần cảnh giác và thận trọng theo dõi virus gây bệnh này.
Trước đó, một số nhà khoa học từng bày tỏ lo ngại về virus đậu mùa khỉ, trong nhiều năm đã có nhiều cảnh báo quan trọng về bệnh đậu mùa khỉ những không mấy được quan tâm. Cụ thể:
Tháng 9/2018: Một nhà khoa học người Anh là Allen Roberts tại phòng thí nghiệm an toàn sinh học Porton Down cảnh báo về hậu quả tiềm tàng của bệnh đậu mùa khỉ.
Vào thời điểm đó, Allen Roberts đang nghiên cứu các “mầm bệnh hậu quả cao”. Ông nhận định, tỷ lệ tiêm phòng đậu mùa giảm đã khiến phần lớn dân số thế giới có nguy cơ cao.
“Do đó, nguy cơ cố ý tái sinh bệnh đậu mùa với mục đích khủng bố sinh học, cũng như sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ, sẽ có những hậu quả tiềm ẩn”, ông Robert nói.
Tháng 6/2019: Một nhóm các chuyên gia gặp nhau ở London (Anh) để thảo luận về cách thức bệnh đậu mùa khỉ có thể chiếm khoảng trống do bệnh đậu mùa để lại. Họ cảnh báo 70% dân số thế giới có nguy cơ bị đậu mùa khỉ.
Thành viên của cuộc họp bao gồm các nhà virus học Anh, Nigeria, Mỹ và nhà sản xuất vắc-xin đậu mùa Bavarian Nordic.
Các chuyên gia nhận định, vắc-xin đậu mùa cung cấp 85% khả năng bảo vệ chống lại đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, với việc đậu mùa đã bị tiêu diệt hơn 40 năm trước, việc tiêm chủng thông thường đã kết thúc ngay sau đó. Ở Anh, đợt tiêm vắc xin đậu mùa cuối cùng diễn ra vào năm 1971.
Điều này có nghĩa, 70% dân số thế giới không còn được bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ.
Các chuyên gia nhận định, đậu mùa khỉ hiện là một căn bệnh đang bùng phát trở lại.
Tháng 9/2020: Chính WHO đã cảnh báo khả năng gây dịch của đậu mùa khỉ đang gia tăng.
WHO cho biết: “Khi miễn dịch cộng đồng đang giảm dần, khả năng xảy ra dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục tăng lên”.
Các đợt bùng phát trước đó ở Anh ghi nhận đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ người sang người, như đã xảy ra với một nhân viên y tế vào năm 2018.
Du lịch quốc tế phát triển có thể làm cho việc đối phó với các đợt bùng phát đậu mùa khỉ ngày càng tốn kém.
Quốc Tiệp (t/h)