Ông Zhao Benyi, 87 tuổi, một trong những diễn viên quần chúng luôn chầu chực bên ngoài các trường quay lớn tại Bắc Kinh để được thuê đóng vai phụ.
Trong cuộc đời của ông cụ Zhao Benyi, ông cho rằng mình đã trải qua hai cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất là khi toàn Trung Quốc chống Nhật, cuộc chiến này gian khổ và cay đắng. Khi đó ông tham gia kháng chiến bởi nhà nghèo, chẳng có gì ăn.
Cuộc chiến thứ hai, đối với ông đơn giản và an toàn hơn, đó là cuộc chiến với cơm áo gạo tiền trong những năm tháng tuổi già. Hiện tại, nghề của ông là làm diễn viên quần chúng. Nói thế cho “oai”, thực ra, những người như ông Zhao đều là dân lao động, không kiếm được việc ngoài chợ lao động, họ đành đứng bu quanh những trường quay lớn để khi đạo diễn cần diễn viên quần chúng là chen nhau nhận vai, kiếm chút tiền lẻ sống qua ngày. Ở một thị trường điện ảnh rộng lớn như Trung Quốc, ngày nào mà chẳng có phim bấm máy, lo gì không kiếm được vai phụ lướt qua màn ảnh.
Vì đã già yếu, ông Zhao thường vào vai người nông dân lam lũ, khốn khổ, sống trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Trung - Nhật. Trong gần chục năm qua, nhờ có bộ râu bạc lưa thưa và gò má nhăn nheo mà ông được các đạo diễn thường xuyên lựa chọn.
Nhờ vậy mà ông kiếm được khoản tiền nhỏ để sống qua ngày. “Tôi làm nghề này để có cái mà ăn. Tôi già rồi, chẳng làm được việc nặng nhọc nữa, nhưng còn chút sức mọn này có thể đóng phim. Đóng phim không có gì nguy hiểm, cũng chẳng cần vốn liếng đầu tư.”
“Chợ diễn viên quần chúng”
Mỗi buổi sáng ông Zhao lại hòa vào đám đông “diễn viên quần chúng” bu quanh phim trường ở thành phố Bắc Kinh, hy vọng sẽ kiếm được một vai trong ngày. Họ đến với nghề diễn trước tiên là để kiếm kế sinh nhai, thứ đến là có được niềm vui trong cuộc sống và đôi khi, có người còn mong tìm được danh tiếng từ nghề này.
Để thúc đẩy thị trường phim nội địa trong nước phát triển, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã cho xây dựng một xưởng phim lớn ở quận Hoài Nhu, một quận thuộc ngoại thành Bắc Kinh. Tuy vậy, rất nhiều diễn viên do không có điều kiện đi xa, vẫn ngày ngày tới chờ ở xưởng phim cũ, nay đã đóng cửa, hy vọng các đoàn làm phim sẽ ghé qua để tìm diễn viên phụ.
Suốt cả ngày, gần trăm con người đứng ngồi vạ vật, ăn uống qua loa, có những người quen nhau, tụ họp lại ngồi thành một nhóm, có những người mới đến nhìn quanh ngơ ngác.
Quả thực, cũng có những người từ đoàn làm phim ghé qua tuyển chọn diễn viên quần chúng. Mỗi khi có giọng dõng dạc vang lên: “Tôi cần 10 người… Thêm 2 người nữa…” là cả “chợ diễn viên” lại xôn xao vây quanh vị “thần tài”.
Tuy vậy, ngày càng có ít đoàn làm phim bỏ công đến tìm diễn viên phụ ở đây. Đa số chỉ là những chương trình truyền hình thiếu người xem, phải đi thuê thêm “khán giả” ngồi vào lấp ghế trống. Họ cần “khán giả” biết diễn một chút để máy quay ghi lại cho chương trình thêm sống động.
Những diễn viên quần chúng cũng được thuê để làm “khán giả” khi cần thiết
Mức cát-xê trả cho một lần xuất hiện như vậy là vào khoảng 40 tệ (tương đương 130.000 VND). Nếu được đóng vai phụ trong phim, mức thù lao có thể lên tới 60 tệ (tương đương 200.000 VND). Nếu vai phụ có lời thoại, số tiền có thể gấp 2-3 lần.
Một cuộc điều tra thực tế gần đây do hãng thông tấn Xinhua thực hiện cho biết nếu đóng đạt vai xác chết, diễn viên sẽ nhận được 100 tệ (gần 340.000 VND) và nếu vào vai bị đánh, diễn viên có thể nhận tới 500 tệ (gần 1,7 triệu VND).
Tuy vậy, nghề này cũng rất nghiệt ngã bởi thường xuyên diễn viên bị bóc lột, phải ở trên phim trường từ sáng sớm lúc bắt đầu bấm máy tới đêm khuya khi đóng máy, nhiều người còn bị cắt bớt tiền thù lao và nếu không may, họ còn có thể bị quỵt tiền.
Một thanh niên trẻ tham gia “chợ diễn viên” chia sẻ: “Đây không phải một nghề đúng nghĩa, nó chỉ dành để người ta tranh thủ kiếm cơm khi chưa tìm được việc ổn định. Những người sống dựa hoàn toàn vào nghề này thường là vì đã quá già yếu. Ở chỗ này, môi trường cũng rất phức tạp”, vừa nói anh vừa nhìn người đàn ông nồng nặc mùi rượu, bước đi lảo đảo ngang qua.
“Đa số những người đến đây tìm việc đều là dân lao động ít học. Tựa như một đám đông vô tổ chức vậy, chẳng có tôn ti trật tự gì cả”, người thanh niên nhấn mạnh thêm.
Theo anh, công việc trong những năm gần đây khá khan hiếm, tuy vậy, nó không làm giảm bớt số lượng những người mới đến. Ngày ngày vẫn có những gương mặt mới tiếp tục hòa vào đoàn người đứng chờ trước trường quay.
Ông Chen Jinxiang là một công nhân đã về hưu, hiện giờ ông cũng gia nhập đội quân diễn viên quần chúng: “Tôi đã diễn hơn 30 vai phụ rồi và mới chỉ được nói hai câu thoại thôi. Đó là: "Đừng giết tôi! Đừng giết tôi!". Khi xuất hiện trong những bộ phim làm về thời chiến, đạo diễn bắt phải khóc nhưng tôi không khóc được, không khóc được thì không có vai, thế là tôi nghĩ đến mẹ và bắt đầu khóc. Được như vậy, đạo diễn rất hài lòng. Dù chỉ diễn những vai phụ nhưng tôi rất vui vì đôi khi được mặc những bộ quần áo đẹp và tưởng tượng mình là người giàu có”, ông Chen chia sẻ chân thành.
Rất nhiều người giống như ông Chen, đến đây để có thể tìm những giây phút thoát ly thực tế. Không ít người trong số họ, đa số là người trẻ tìm tới nghề diễn viên quần chúng với ước mơ sẽ trở thành một Vương Bảo Cường thứ hai của Trung Quốc.
Nam diễn viên nổi tiếng Vương Bảo Cường vốn cũng xuất thân từ nghề diễn viên quần chúng. Anh đã trở thành diễn viên nổi tiếng tại Trung Quốc sau khi đạo diễn bất ngờ cho đóng một vai quan trọng trong phim “Blind Shaft” (Hầm lò tối đen).
Vương Bảo Cường đã diễn xuất sắc và đoạt danh hiệu Diễn viên mới xuất sắc nhất tại giải thưởng điện ảnh Kim Mã 2003. Sự thành công bất ngờ của anh đã khiến rất nhiều người nuôi hy vọng khi tìm tới “chợ diễn viên quần chúng”. Tuy vậy, sau 10 năm, vẫn chưa có một Vương Bảo Cường thứ hai.
Một cảnh trong “Blind Shaft”. Rất nhiều diễn viên phụ ở Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được thành công giống như Vương Bảo Cường (ngoài cùng bên phải).
Một trong những người theo đuổi giấc mơ này là Fu Shengli, một thanh niên 32 tuổi đến từ tỉnh Sơn Tây, trước đây, anh Fu chỉ làm công việc lao động thuần túy nhưng vẫn luôn khao khát được đóng phim hành động giống Lý Tiểu Long.
Ở tuổi 32, Fu Shengli quyết định theo đuổi ước mơ, bỏ việc ở quê để lên thành phố tìm cơ hội trở thành diễn viên phim hành động. Anh Fu chia sẻ: “Lương nhận được như vậy là cao hơn làm bảo vệ ở công trường xây dựng. Bố mẹ muốn tôi tìm việc ổn định rồi lấy vợ nhưng tôi muốn theo đuổi ước mơ làm diễn viên.”
Những diễn viên quần chúng- dù sự cát-xê nhận được rất ít ỏi và chỉ được xuất hiện thoáng qua trên màn ảnh, nhưng chẳng ai trong số họ muốn bỏ nghề này.