Trong những trang thư đó không chỉ có tình yêu, nỗi nhớ mà có cả bão đạn mưa bom, có lý tưởng, hoài bão của cả một thế hệ và tình yêu nồng nàn cháy bỏng của những người đã mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi.
Tình yêu vượt bom đạn
Chúng tôi tới thăm nhà bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) vợ của liệt sỹ Hồ Hoài Nam (hy sinh ngày 3/11/1972 tại Quảng Ngãi) vào những ngày tháng Tư lịch sử. May mắn, tôi không chỉ được xem những kỷ vật, những dòng thư... mà còn được nghe kể về câu chuyện tình của vợ chồng bà. Ngày ấy, anh là sỹ quan lục quân, chị là nhân viên kế toán. Hai người cùng đơn vị. Sự giản dị, thùy mị của người con gái xuất thân nền nếp khiến anh chọn chị làm bạn đời. Tình bạn, tình đồng chí, tình yêu như hòa thành một. Trong bức thư gửi người yêu, anh Hồ Hoài Nam viết: "Chúng ta yêu nhau, hiểu biết thông cảm nhau, chúng ta đều là những thanh niên tự nguyện hiến trọn đời theo lý tưởng của Đảng. Không bao giờ chúng ta phải lo những chuyện vụn vặt, tầm thường như hờn dỗi, thử thách, sợ điều này điều nọ. Chúng ta bảo đảm có tình yêu vững chắc và đẹp đẽ nhất".
Đặt xuống bàn chiếc đồng hồ cũ, chiếc la bàn và chiếc đồng hồ đo nhiệt độ nước của chồng, bà Thủy khẽ khàng mân mê từng thứ, tập thư chữ đã nhòe, tấm vải dù đã sờn... Bà kể, hai người yêu nhau bằng một tình yêu tha thiết và thiêng liêng như bất cứ đôi trẻ nào thời đó. Thế nhưng, người đàn ông yêu bà hơn cả mạng sống của mình, đã ra đi khi bà vừa tròn 33 tuổi, để lại người vợ trẻ và hai cô con gái tuổi còn quá nhỏ.
Tình sử thời chiến còn được dệt nên bằng những linh cảm, giao cảm với người vợ, người yêu. Hồ Hoài Nam viết: "Hôm nay tự nhiên anh cảm thấy nhất định sẽ được đọc thư em. Đi thư viện về anh vui mừng không sao tả xiết khi cầm thư em. Tất cả mệt mỏi tiêu tan hết, tất cả chỉ còn mỗi việc đọc lại từng lời từng chữ thư em". Tình yêu lên tới tột đỉnh của nỗi khát khao, mong chờ: "Em yêu quý! Tình yêu của em lúc nào cũng cháy bỏng trong lòng anh. Nhất định em và chỉ có em mới là vợ của anh. Anh rất tự hào về em, rất tự hào về sự khéo léo của em. Rất thỏa mãn với cả biển yêu thương không bờ mà anh sẽ được tắm mình trong đó".
Những lá thư bất tử vượt thời gian.
Những lá thư không gửi
Tình yêu thời chiến luôn mang theo hơi thở của cả thời đại. Trong phơi phới lạc quan chiến thắng ngoài mặt trận, hạnh phúc lứa đôi của người lính, dù xa xôi vẫn được nhân lên ngàn lần. Người chiến sỹ luôn mong thống nhất đất nước để gia đình được sum họp: "Anh ao ước ngày thắng lợi được sống gần nhau, được thương chiều chuộng và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong sự sum họp của gia đình, sự thống nhất của Tổ quốc! ". Lần thứ hai ra chiến trường, anh chiến sỹ Phạm Đăng Nuôi (Thanh Hà, Hà Tĩnh) tâm sự với vợ hết sức giản dị: "Anh chỉ lo khi em và con mệt nhọc, ai trông nom, ai đỡ đần. Nhưng anh tin vào nghị lực của em. Em sẽ thay anh làm tất cả, không những vậy mà thắng tất cả những khó khăn, ví dụ như tình cảm chẳng hạn. Anh nhớ em bằng cách say mê công tác, để khỏi phụ lòng của em và sự tin cậy của Đảng".
Có một tình yêu không có lời hẹn ước. Đó là câu chuyện tình yêu của liệt sỹ Trần Đô (trung tá, phó ban Binh vận mặt trận Bình Trị Thiên, hy sinh 15/2/1968). Ra mặt trận, ông giấu bao nỗi niềm chất chứa trong tim, nhưng những trang thư vẫn chứa chan niềm nhung nhớ: "Nếu có phải vĩnh biệt, anh sẽ thương nhớ em và con vô cùng... Chúng ta là người cộng sản, người theo chủ nghĩa duy vật, ta không hẹn... nhưng sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp cách mạng, khi cần thiết và trong ký ức của chúng ta không bao giờ phai mờ những gì yêu quý thiêng liêng của những ngày chung sống".
Xúc động nhất là những bức thư tình không bao giờ gửi. Hai mối tình của anh lính trẻ Nguyễn Sỹ Quế (Nam Đàn - Nghệ An) đều không có ngày hạnh phúc, song trong nỗi niềm buồn thương vẫn chan chứa tình yêu, tự hào. Lá thư viết từ chiến trường cho người yêu đầu tiên chưa kịp gửi thì cô gái vá áo cho thương binh (Hoài Liên - Viện Quân y 43) đã hy sinh vì bom Mỹ: "Liên ơi, anh viết thư trả lời em nhưng chưa kịp gởi thì được tin em mất làm tê tái lòng anh. Giặc Mỹ đã cướp em rồi sau trận bom vào đơn vị. Em mất đi để lại trong lòng anh sự trống trải, có ai viết thư động viên anh trong công tác, chiến đấu ở giai đoạn này... Rồi đây đất nước mình sạch bóng quân thù, ngày ấy anh sẽ trở về thành phố Vinh thân yêu và anh sẽ vào nhà nói rõ thành tích dũng cảm của em ở chiến trường".
Mối tình thứ hai, lá thư thứ hai nằm lại trong ba lô anh bộ đội trẻ, Nguyễn Sỹ Quế viết cho người yêu tên Hiền Lương. Cô là dân công hỏa tuyến ngày đêm trên mọi tuyến đường nên không có địa chỉ nhận thư: "Em thân mến của anh! Vì em đã bắt đầu yêu anh, chỉ ý nghĩ đó đã làm anh sung sướng. Nếu anh không trở lại em cứ lấy chồng, lấy ai thì tùy ý và thế nào cũng được, miễn là người đó biết thương em, thương lẽ sống ở đời".
Vẫn viết thư vào ngày giỗ của chồng
40 năm liệt sỹ Trần Minh Tiến nằm lại chiến trường, 40 năm bà Lui bao lần đi đến những vùng đất đơn vị anh đã đi qua, cũng ngần ấy năm bà viết những lá thư tình không gửi: "Tiến ơi! Em đã đến vùng đất anh chiến đấu và hy sinh. Em đang ở đây, làng Cát 1, cách ba quả đồi nữa là đến sân bay Tà Cơn. Trên tay em là 24 bông hồng đỏ thắm. Em bần thần, xúc động tự hỏi: Chỗ nào Tiến của em đã đi qua? Chỗ nào lòng đất ấp ủ anh ngần ấy năm? Tiến đang nằm ở đâu? Ở đâu hả anh?".
Câu chuyện giấc mơ của chị Lui thật đáng trân trọng. Gần bốn năm sau mới tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, khi đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận nhưng Liệt sỹ Trần Minh Tiến như được hồi sinh. Trong tình yêu của chị Lui, đêm đêm người chiến sỹ ấy vẫn hiện diện bên chị, báo tin ngày toàn thắng. Nhờ đâu mà anh có được lời hẹn với người bạn gái của mình chính xác như vậy? Đó là tiên cảm kỳ diệu chăng? Sau mỗi ngày làm việc bận rộn, đêm về chị Vũ Thị Lui (người yêu liệt sỹ Trần Minh Tiến - sinh năm 1945, hy sinh tại Khe Sanh ngày 31/5/1968) lại gặp người yêu trong những giấc mơ, đồng hành cùng anh trên từng cung đường hành quân gian nan, lội suối, băng rừng, bom đạn. 42 năm sau ngày liệt sỹ Tiến hy sinh, bà Lui vẫn nhớ như in giấc mơ đêm 31/5/1968, đúng ngày liệt sỹ Tiến hy sinh: "Tôi thấy anh Tiến cùng đơn vị vào tới Khe Sanh, trận đánh ác liệt diễn ra, anh bị trọng thương, rồi hy sinh. Khi tôi kể lại, mọi người đều an ủi, động viên đừng tin vào ác mộng". Vài tháng sau, chị Lui lại nằm mơ thấy đơn vị liệt sỹ Tiến hành quân ra Bắc, liệt sỹ buồn rầu chỉ đường cho chị về Thạch Thất để nhận di vật anh gửi lại với chỉ dẫn chi tiết: Đến ngã ba nào rẽ trái... gặp cây cầu nào rẽ phải... qua cánh đồng rộng bao xa để đến quê anh.
Thương nhớ người yêu, tin vào mối liên hệ giao cảm giữa hai người, chị Lui vẫn viết thư và đốt vào ngày giỗ anh hàng năm. Chị tin rằng anh vẫn cảm nhận được tình cảm của chị giống như trong giấc mơ hạnh phúc. "Tiến thân thương! Đã bao năm rồi, không bao giờ em ngủ vào đêm nay. Đêm nay, gần 40 năm trước Tiến của em đã đi vào cõi vĩnh hằng. Em cứ luôn tự hỏi, trước lúc hy sinh Tiến của em bị thương có đau lắm không? Các bạn anh nói rằng anh bị thương ngay loạt đạn đầu, có hai đồng chí dìu ra... Nhưng ai là người dìu anh ra thì đến lúc này, em vẫn chưa được biết".
Vượt bao trắc trở, bằng tình yêu bất diệt không mệt mỏi, chị Lui đã đưa được hài cốt anh Tiến về nơi quy tập. Những cánh thư của chị giờ đây đã không còn khắc khoải: "Nơi nào anh nằm xuống?". Hơn 40 năm trước, anh "dẫn" chị đi nhận lại di vật, cũng ngần ấy năm sau khi hy sinh, anh lại "chỉ đường" cho chị đi đón anh về. Phải chăng hồn thiêng sông núi, dân tộc đã ẩn vào trong mỗi người con đã ngã xuống vì Tổ quốc, để hôm nay, dù không trở về, các anh vẫn ở bên người thân, trong lòng đất mẹ.
Tình yêu bất tử Tình yêu vẫn "cháy" trong tim người đàn bà đã ngoài 60 (bà Vũ Thị Lui, người yêu liệt sỹ Trần Minh Tiến). Bà đi và viết, những lá thư gửi cho người đã nằm xuống trong lòng đất mẹ. Tình yêu mãnh liệt của bà vượt qua thời gian, không gian, vượt qua cả âm dương cách biệt, cháy lên mỗi dịp 1/6 hằng năm - ngày ghi trên giấy báo tử của liệt sỹ Trần Minh Tiến. Không chỉ đối với bà Lui mà với nhiều trái tim Việt Nam khác đã từng được yêu trong thời hoa lửa đó, tình yêu của họ là bất tử. |
Anh Đức - Hồng Bùi