Không ít thiếu gia nhà giàu đã lựa chọn tự mình lao vào thử thách để tạo lập sự nghiệp, thay vì hồn nhiên thừa hưởng những gì có được từ cha mẹ.
Trước hết, phải kể đến thiếu gia Đặng Hồng Anh, con của một trong những đại gia ngân hàng hàng đầu Việt Nam, ông Đặng Văn Thành, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Sacombank. Không giống những thiếu gia con nhà giàu khác chọn con đường học vấn trước khi tham gia thương trường, Đặng Hồng Anh đã sớm bươn chải tích lũy kinh nghiệm với số vốn vỏn vẹn chỉ có 5 triệu đồng.
Doanh nhân Đặng Hồng Anh (ngoài cùng bên phải) cùng vợ con |
Tuy chỉ tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân của Đại học Hùng Vương, nhưng Hồng Anh lại có rất nhiều năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh. Từ khi mới 18 tuổi, anh đã khởi nghiệp với một cửa hàng bánh canh. Số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn có 5 triệu đồng. Sau đó “cậu ấm nhà họ Đặng” đã chuyển sang buôn bán cây cảnh, sắt thép. Dù là thiếu gia ngàn tỷ, nhưng Hồng Anh không nề hà bất cứ việc gì. Khi buôn bán, anh tự mình thực hiện công việc của cả ông chủ và nhân viên, như bưng bê đồ ăn cho khách,... Hồng Anh cho rằng chính những ngày tháng bươn chải đã giúp anh tích lũy cho mình một kho trải nghiệm và những đức tính cần thiết cho những dự án lớn sau này.
Ngoài 20 tuổi, Hồng Anh mới thực sự bước vào con đường kinh doanh chuyên nghiệp. Tuy nhiên, anh nhanh chóng chuyển ngành nghề từ mía đường sang bất động sản. Năm 2004, Hồng Anh rời bỏ ghế Phó Giám đốc công ty Thành Thành Công sang giữ chức tổng giám đốc công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal). Từ năm 2008 cho tới nay, Hồng Anh giữ chức chủ tịch HĐQT Sacomreal. Ngoài ra Hồng Anh cũng có chân trong hội đồng quản trị của ngân hàng Sacombank.
Dù giữ cương vị nào Hồng Anh cũng đều để lại nhiều dấu ấn. Nhưng có lẽ dấu ấn lớn nhất vẫn ở Sacomreal. Chỉ sau ít năm điều hành, Hồng Anh đã biến Sacomreal nhỏ bé với số vốn 11 tỷ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Chính Hồng Anh có công lớn biến Sacomreal trở thành một thế lực lớn trong làng bất động sản. Thậm chí khi bắt đầu chào sàn, Sacomreal được đánh giá là cổ phiếu “khủng”. Mặc dù hiện tại thiếu gia Hồng Anh đang gặp phải một số vấn đề khó khăn nhưng rõ ràng khó có thể phủ nhận được khả năng kinh doanh của người đàn ông này.
Tiếp đến là anh Đỗ Quang Vinh, con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển. Hiện ông Hiển đang là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như: Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn T&T và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Đỗ Quang Vình (ngoài cùng bên phải) cùng bố mẹ và em trai |
Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính - ngân hàng ở Anh. Theo lẽ thường tình thì con cái sẽ phải kế tục sự nghiệp của cha, trước những lời khen rằng anh thật may mắn và có diễm phúc mới được là con của một người thành đạt như bầu Hiển, tuy vậy mọi chuyện đối với anh hoàn toàn không hẳn như thế. Anh Vinh lại cho rằng “làm con của đại gia khổ lắm”, theo anh nếu là con của một người bình thường, anh chỉ có một cơ hội để lựa chọn. Khi cơ hội đến, bằng mọi giá, anh phải nắm thật chặt, cố gắng hết mình để nó không tuột khỏi tầm tay. Nhiều người đã thành công vì họ biết nâng niu những gì mình có, làm việc bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm của mình. Nhưng, là con của đại gia thì khác. Họ có quá nhiều lựa chọn và cũng có muôn vàn những cám dỗ.
Chính vì thế, anh Vinh đã lựa chọn việc nộp hồ sơ làm việc cho một ngân hàng nước ngoài để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm ở một môi trường có tính cạnh tranh cao. Anh muốn đi lên từ con số 0 và phải tách dần khỏi sự bao bọc của bố mẹ. Luôn tự nhủ bản thân phải là một nhân viên có thể làm tốt công việc, chứ quyết không thể là gánh nặng cho bố mình.
Không dựa dẫm vào vỏ bọc hoàn hảo, không lựa chọn con đường trải thảm, anh Vinh đã tự bước đi bằng chính đôi chân của mình. Anh thoát ra khỏi những vỏ bọc ấm êm để đối diện với những hiện thực, dù khắc nghiệt thế nào.
Tiếp đến là anh Đoàn Quốc Huy, đã bỏ ngoài tai biệt danh “cậu ấm” mà giới truyền thông đặt cho mình, Đoàn Quốc Huy đang nỗ lực để khẳng định, anh không phải là người chỉ biết thừa hưởng những thành quả mà cha mẹ để lại. Ngay từ nhỏ đã được người cha truyền cho nhiệt huyết kinh doanh, chính vì thế sau khi lấy được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi về tài chính bất động sản tại Trường đại học Nam California (Mỹ), Đoàn Quốc Huy tự tin khi bắt tay vào công việc tại BIM khi trở về nước.
Đoàn Quốc Huy - phó chủ tịch HĐQT, kiêm phó tổng giám đốc Tập đoàn BIM |
Tiếp nhận trách nhiệm dẫn dắt và phát triển công ty này với vai trò Chủ tịch HĐQT từ năm 2008, đúng trong giai đoạn thị trường bất động sản chuyển xấu nhanh chóng, tuy nhiên, Đoàn Quốc Huy đã đưa Syrena Việt Nam trở thành một trong 3 công ty bất động sản có tiếng ở Việt Nam, với tổng vốn điều lệ hơn 2000 tỷ đồng. Hiện tại, tuy mới chỉ 29 tuổi nhưng Huy đã làm chủ hai mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản và chế biến thực phẩm (muối và thủy sản) của BIM, tập đoàn danh tiếng, đa lĩnh vực, với hơn 3.000 cán bộ, công nhân viên, hoạt động trải khắp cả nước.
Tập đoàn BIM vẫn được biết đến là một công ty gia đình, được dẫn dắt bởi 3 thành phần chủ chốt là ông Đoàn Quốc Việt, chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc; ông Đoàn Quốc Huy, phó chủ tịch HĐQT, kiêm phó tổng giám đốc và bà Khổng Thị Hiền, phó tổng giám đốc. Tuy nhiên, ông Việt dường như đang dần lui về hậu trường, khi ông hầu như vắng mặt trong các hoạt động truyền thông của Tập đoàn.
Hiện Huy – với tư cách phó chủ tịch HĐQT - đang ấp ủ nhiều dự định về việc tận dụng vị thế kinh doanh đã có được của BIM để tác động đến sự đổi thay trong từng lĩnh vực mà BIM hoạt động. Chẳng hạn, anh đang muốn thay đổi diện mạo ngành công nghiệp du lịch, giải trí tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) để thu hút thêm khách du lịch. Anh cũng đang cố gắng thay đổi diện mạo của ngành muối Việt Nam, đưa ra những dòng sản phẩm muối tinh cho người tiêu dùng Việt Nam…
Anh Thi (tổng hợp)