Fidel Castro có lẽ là nguyên thủ quốc gia có uy tín và gây tranh cãi nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Trong mắt một số người, ông bị coi là một nhà độc tài tách biệt, nhưng Fidel đã trở thành một người anh hùng, một nguồn cổ vũ tinh thần của những dân tộc nghèo đói và bị áp bức trên thế giới. Cho đến bây giờ, ông vẫn là người có uy tín tuyệt đối, mặc dù từ năm 2006, sau 48 năm liên tục lãnh đạo cách mạng Cuba, “tổng tư lệnh” đã từ bỏ các công việc và chỉ hoạt động với tư cách “guru” (theo kiểu của mình).
“Dị tướng” từ lúc mới sinh
Cho đến tận ngày nay, dù được đánh giá là nhân vật huyền thoại làm khuynh đảo chính trường thế giới nhưng những tài liệu viết về tuổi thơ của Fidel Castro gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, ông có một tuổi thơ khá sống động và đầy bão táp. Theo những tài liệu ghi chép lại, lãnh đạo tối cao của xứ sở xì gà cất tiếng khóc chào đời vào ngày 13/8/1926 tại thị trấn nhỏ Biran, Mayari, thuộc tỉnh Oriente. Gia đình Fidel có tới 7 người con (3 trai, 4 gái), ông là người thứ ba. Fidel được coi là người khá “dị tướng”, lúc mới sinh ra, ông đã cân nặng gần 6kg, to khỏe nhất nhà.
Bố của Fidel là ông Angel, người gốc Tây Ban Nha, sang Cuba lập nghiệp, nhập quốc tịch Cuba vào năm 1946. Từ một người lao động làm thuê cần cù, chịu khó dành dụm, chẳng bao lâu, Angel trở thành một ông chủ điền trang giàu có và đầy lòng nhân ái. Mẹ của Fidel là một phụ nữ đôn hậu, năng động và đầy nghị lực. Bà luôn luôn vun vén cho hạnh phúc gia đình, chăm sóc chu đáo cho tổ ấm yêu thương. Theo lời tâm sự của Fidel, cha mẹ chính là điểm tựa để anh em ông “bay cao và vươn xa”.
Ngay từ thủa cắp sách đến trường, Fidel đã thuộc lòng các truyền thuyết về José Martí – vị thánh chính trị được tôn kính nhất ở đất nước Cuba, vị anh hùng dân tộc vĩ đại trong cuộc chiến giành độc lập và là một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của châu Mỹ La tinh. Cậu bé cũng bộc lộ tài năng thiên bẩm khiến thầy cô và bạn bè trong lớp phải mắt tròn mắt dẹt. Lúc mới lên 5, Fidel đã biết đọc, biết viết và đọc bảng cửu chương vanh vách như cháo chảy. Ở trường, ông luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, bỏ qua lớp 4, vào thẳng lớp 5 mà vẫn được công nhận học sinh giỏi, nổi trội về môn toán, nhất là hình học. Không giống đám trẻ cùng trang lứa, Fidel chẳng bao giờ hoảng sợ khi nghe tiếng gà gáy, ngựa hý hoặc tiếng chó sủa. Cậu bé coi đó như những âm thanh quen thuộc trong thiên nhiên, và thường ngồi hàng giờ ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, muốn biết mọi chuyện trên đời.
Nhớ về quãng đời tuổi thơ, Fidel tâm sự: “Tôi nhớ năm tôi học lớp sáu hay lớp bảy gì đó. Khi ấy tôi mới 12 hay 13 tuổi. Tại ngôi làng nơi tôi sinh ra không có điện nên chỉ có thể cưỡi xe ngựa tới đó trên những con đường đầy bụi. Khi học ở trường nội trú tại Santiago de Cuba, tôi cảm thấy trên mình là cả một chủ nghĩa phân biệt sắc dục. Chúng tôi bị đưa vào những căn phòng ở hai đầu chái nhà, nơi các cậu bé và cô bé có một khoảng cách xa nhất có thể. Nhẫn nhịn việc này hoàn toàn không dễ dàng gì”.
Ở tuổi 16, ngoài những thành tích tối ưu trong học tập, Fidel còn đam mê những cuộc phiêu lưu thám hiểm, leo núi, cưỡi ngựa, chọi gà. Fidel cũng được mệnh danh là kiện tướng bóng rổ, bóng chày... thường mang về niềm vinh quang cho nhà trường qua các trận thi đấu. “Fidel là học sinh xuất sắc về các môn học và là một vận động viên đích thực, biết cách thu hút sự mến mộ của mọi người. Nếu theo học khoa Luật, chúng tôi tin rằng: Fidel sẽ có đầy đủ bản lĩnh và tài năng ghi những trang sáng ngời trong cuốn sổ cuộc đời mình”, thầy Hiệu trưởng của ông nhận xét.
Chủ tịch Fidel và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“Lịch sử sẽ minh oan cho tôi”
Cuối năm 1945, lúc bước vào tuổi trưởng thành, Fidel trúng tuyển vào Trường đại học La Habana. Ông luôn tỏa sáng như một thủ lĩnh xuất chúng trong phong trào đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của sinh viên. Ông cũng thường xuyên phải đương đầu với bọn mafia, được cảnh sát và các nhà chức trách đương thời bảo hộ. Họ tìm mọi cách đòi Fidel phải từ bỏ mọi chống đối chính trị hoặc rời khỏi trường đại học.
Trước tình hình đó, Fidel buộc phải trang bị cho mình khẩu súng ngắn Browning để tự vệ. Một hôm, viên Trung úy Quesado, cảnh sát nhà trường, đồng mưu với các nhóm chuyên dọa nạt và đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên, chúng dự định cướp vũ khí của Fidel, nhưng chỉ nhận được câu trả lời đầy thách thức: “Không, ta không nộp cho người khẩu súng này. Nếu ngươi muốn lấy, hãy nắm lấy mũi súng”. Với ý chí kiên cường và sách lược đấu tranh khôn khéo, Fidel đã tranh thủ được sự đồng tình của đa số sinh viên, và được họ tôn vinh là “chàng hiệp sĩ Đông Kihôtê”, của trường đại học.
Fidel được thiên phú cho sức mạnh của ý chí phi thường và lòng dũng cảm vô bờ bến. Nhờ những phẩm chất này ông như cơn bão nhiệt đới lao vào đời sống chính trị của Cuba không mệt mỏi. Năm 1951, đại tá Fulhensio Batista, thủ hạ của Mỹ tiến hành đảo chính nhà nước và xác lập chế độ độc tài quân sự. Luật sư trẻ mới hành nghề Fidel Castro lúc bấy giờ đã công khai gửi đến Tòa án Tối cao của đất nước văn kiện cáo buộc nhà độc tài vi phạm Hiến pháp và các đạo luật của đất nước. Vì thế, ông bị đưa ra tòa và bị kết án tổng cộng hơn 100 năm tù giam.
Hiểu rằng bằng con đường hòa bình, Cuba sẽ không tiến lên con đường phát triển dân chủ, Fidel quyết tâm bắt đầu chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Thể hiện mình như nhà tổ chức lỗi lạc và bậc thầy phương pháp hoạt động bí mật, ngày 26/7/1953, ông đã tổ chức tấn công táo bạo pháo đài, trại lính Moncada. Hơn 80 chiến binh tử trận, Fidel bị bắt. Sự thất bại của cuộc tấn công chỉ củng cố thêm quyết tâm của Fidel tiếp tục cuộc đấu tranh.
Trong bài phát biểu “lịch sử sẽ minh oan cho tôi” đọc tại phiên tòa, Fidel đã trình bày quan điểm chính trị xã hội của cuộc cách mạng. Cuộc tấn công pháo đài Moncada và phát biểu đã khiến ông được tung hô như một nhà lãnh đạo của toàn thể dân tộc. Do áp lực của dư luận xã hội, Batista buộc trả tự do cho Fidel. Ngay sau đó Castro đã đến Mexico. Tại đo,á ông bắt đầu chuẩn bị cuộc viễn chinh vũ trang vào Cuba. Ở đó ông đã làm quen với Che Gevara và luôn luôn cuốn hút Che theo các kế hoạch của mình.
Ngày 2/12/1956, từ con tàu “Granma” đoàn viễn chinh của Fidel với 82 người đã đổ bộ lên bờ biển dưới chân núi Serry Maestra. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày, đội quân đã bị binh lính Batista bao vây, tấn công. Fidel, em trai của ông Raul, Che Gevara và gần một chục đồng chí thoát được vòng vây. Họ là hạt nhân của quân đội cách mạng tương lai. Fidel không bao giờ cam chịu thất bại, ông luôn luôn xa lạ với sự buồn chán và chủ nghĩa bi quan.
Và ngày 1/1/1959 đến như một định mệnh, Fidel đã lãnh đạo thành công cách mạng Cuba sau thời gian đấu tranh không mệt mỏi và xây dựng thành trì vững chắc cho đến tận ngày nay. “Tôi đã bắt đầu cuộc cách mạng khi chỉ có 82 người theo mình. Nếu tôi phải bắt đầu lại, tôi chỉ cần15 người hoặc thậm chí chỉ 10 người. 10 người và một niềm tin tuyệt đối. Không quan trọng là ta có bao nhiêu người, quan trọng là phải tin và phải có một kế hoạch mạch lạc. Đất nước của chúng tôi - đó là một thiên đường theo đúng ý nghĩa tinh thần của từ này. Tôi đã nhiều lần nói, thà chết trong thiên đường chứ không cần sống sót trong địa ngục. Cách mạng - đó không phải là cái giường rải đầy cánh hoa hồng. Đó là cuộc đấu tranh một mất một còn giữa quá khứ và tương lai.”, ông nhớ lại thời khắc đó.
Anh Văn