Đã từng sống chết bên nhau, chưa có thói quen nào, cách ứng xử nào của Lý Đại Bàng mà trung tá Hữu Toàn không hiểu rõ.
Thu phục nhân tâm
"Làm việc dưới sự quản lý của anh Bàng hệt như diều gặp gió, thoải mái và dân chủ, anh Bàng đi đến đâu nơi đó đầy ắp tiếng cười. Sếp mà ngủ với lính, ăn dưới bếp, đi xe cà tàng...", trung tá Toàn chia sẻ.
Có thể nói, Lý Đại Bàng đi đến đâu được lòng quần chúng và đồng nghiệp nơi đó. Nghiệp cầm súng không thể thành công nếu không có sự đóng góp chung của nhiều anh em, sự tương trợ lẫn nhau trong chiến đấu lẫn sinh hoạt đơn vị. Để có được sự công nhận của nhân dân thông qua danh hiệu AHLLVTND, Lý Đại Bàng đã dùng cả tài năng lẫn đức độ để thu phục nhân tâm của từng thuộc cấp và quần chúng. Ở môi trường nào, cương vị nào, Lý Đại Bàng cũng tạo điều kiện cho cấp dưới làm việc thuận lợi. Thuộc cấp nào chẳng phấn chấn khi có được một người chỉ huy tâm lý, hiền từ và tạo một không gian sạch để họ nỗ lực và ra sức làm việc.
"Anh Bàng từng khẳng định: "Gặp chùa thì tu, gặp giặc phải đánh, hiền lễ phép với nhân dân, anh em đồng nghiệp nhưng không hiền với tội phạm", trung tá Hữu Toàn vẫn nhớ như in câu nói đó. Tính quyết liệt với tội phạm đã ăn sâu vào cách làm việc của anh. Anh luôn xác định "nó tà mình chính", không có chuyện lẫn lộn mềm yếu với tội phạm. Quyết liệt nhưng không hề nóng vội, anh luôn nắm bắt được tình hình, nhìn rõ được cục diện của từng vụ việc. Anh từng thả tội phạm đi, để sau đó tên này quay về với chiếc xe đã cướp trước đó. Có lẽ, anh hiểu được tâm lý của từng đối tượng, biết tên nào có thể phục thiện, tên nào hết thuốc chữa.
Từ khi Lý Đại Bàng đảm nhiệm trọng trách ở đội SBC, anh đã biết tạo mối quan hệ như cá với nước cùng nhân dân trên địa bàn quận 5. Ngày nào anh cũng rảo xe khắp địa bàn, chào hỏi, trò chuyện thân tình với bà con và không quên nhắc nhở bà con nên cẩn thận, thấy đối tượng nào khả nghi phải báo ngay cho lực lượng trinh sát. Mấy ngày đầu, người dân còn hoài nghi nhưng cứ đều đặn ngày này qua tháng khác, không cần hỏi quần chúng cũng tự giác cung cấp thông tin tội phạm với "cậu Bàng SBC". Anh tổ chức mô hình quản lý địa bàn chặt chẽ đến độ giới giang hồ Sài thành đi đâu quậy chứ về quận 5 là phải né.
Đến khi chuyển sang làm việc bên phòng Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm ma túy (PC17), anh phải nghĩ ra cách làm mới để đối phó với loại tội phạm còn khá mới mẻ, tội phạm ma túy. Nếu như, tội phạm cướp giật chỉ liều lĩnh, manh động thì tội phạm ma túy khó đối phó hơn khi chúng sở hữu những cái đầu xảo quyệt, mưu mô, chống trả quyết liệt và hung bạo nhất. Tuy nhiên, hai lĩnh vực khó khăn này chưa bao giờ làm khó được Lý Đại Bàng, đơn giản vì lúc nào anh cũng được đồng đội và quần chúng giúp sức.
Đồng đội khóc thương huyền thoại Lý Đại Bàng.
"Đối với quần chúng hết sức lễ phép, với thuộc cấp và đồng đội, anh hòa đồng, hài hước. Anh đi đến đâu ở đó vang lên tiếng cười, đồng đội tập hợp lại nghe anh trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm. Anh Bàng cái gì cũng biết, chỉ là không biết giận. Ai làm gì sai quấy, anh nhỏ nhẹ chỉ bảo, sao đó vui vẻ và đánh giá họ không hề thiên vị, tư thù. Đi đâu tìm được người cấp trên biết và hiểu chuyện như vậy, thời này quả là hiếm hoi", những thuộc cấp từng làm việc với anh khẳng định như vậy.
Dù ở cương vị lãnh đạo nhưng Lý Đại Bàng vẫn thực hiện chế độ ăn tập thể, ngủ tập thể. Nhiều khi đi họp về, qua giờ cơm, anh Bàng lặng lẽ xuống nhà bếp nhờ chị bếp "còn gì chị cứ mang ra tôi ăn cũng được", đến giờ ăn cơm thường ngày, anh cũng hòa vào bàn ăn cùng các đồng chí khác. Tắm giặt xong, anh cũng tự giặt giũ quần áo, không phiền đến ai cũng không nhờ ai làm giúp. Có lẽ, xuất thân từ nông dân nên anh có lối sống ôn hòa, tự chủ không vướng bận đến người khác.
Có những đêm giữa khuya, thuộc cấp đến gõ cửa phòng xin lệnh hoặc họp bàn kế hoạch tấn công tội phạm, anh mở cửa ra, mắt tỉnh táo nhìn thuộc cấp cười hiền, không một lời cáu gắt, rồi nhẹ nhàng kéo ghế bàn bạc, đưa ra quyết sách. Không ít lần, anh cùng các trinh sát ăn sương nằm gió, chịu cái bức bí của nhiều ngày không tắm, cắn răng nuốt cái cồn cào vì đói rã rời vào bụng để mai phục bắt gọn tội phạm. Tiền trong túi anh không nhiều, nhưng cái tình thì bao la như biển cả.
Chính cách sống hy sinh và sự chăm lo cho cuộc sống của đồng đội nên lúc nào anh Bàng cũng được anh em quý trọng và hết lòng hết sức khi cần. Nhưng anh cũng chỉ cần họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, sống trong sạch và vì dân. Bạn bè anh từ Bắc vào Nam ở đâu cũng xem anh như ruột thịt; ma chay, cưới hỏi xa cách mấy, anh Bàng cũng tìm đến chia sẻ vui buồn.
Danh thơm còn mãi
Người ta đinh ninh rằng cuộc đời anh rồi phải chết trong khi làm nhiệm vụ nhưng không ai ngờ anh lại ra đi đột ngột và bất ngờ ngay trên bàn làm việc. Anh bị đột qụy do nhồi máu cơ tim và ra đi ở tuổi 50. Không ai tin một con người luôn đối đầu với cái ác và gom vào mình những vòng nguy hiểm như anh lại nằm gục trên chồng hồ sơ đánh án lặng lẽ ra đi mãi mãi. Anh là người trong đội SBC giữ kỷ lục người cận kề cái chết nhiều nhất mà rốt cuộc anh thoát ra mà không sứt một miếng da. Vậy mà anh chết, chết ở cái tuổi chín muồi của trí tuệ, của nghề nghiệp, chết khi những đứa con còn thơ dại, khi mẹ già sớm tối vẫn ngóng đợi anh về.
Sự ra đi đột ngột của anh để trong lòng những người ở lại một nỗi tiếc thương vô hạn. Những chiến sĩ công an hàng ngày đối mặt với súng đạn, với những kẻ tội phạm ranh ma, xảo quyệt để giành sự bình yên trên từng thước đất nay cũng phải rơi lệ khi đối mặt với di ảnh của người anh hùng huyền thoại. Không chỉ thế, những tên cướp khét tiếng, sau khi mãn hạn tù về với cuộc sống lương thiện, đã mạnh dạn đến bên hương án người đã khuất thắp lên một nén nhang và nghẹn ngào cảm ơn người đã bắt mình. Nạn nhân của những vụ cướp táo tợn nhờ Lý Đại Bàng mà của về với chủ cũng đến để cảm ơn cái ơn trả hoài không hết với người đã dùng tính mạng để lấy về vật chất vô tri.
Ngày anh về nơi an nghỉ cuối cùng, nhân dân TP.HCM nói chung, người dân Củ Chi nói riêng không thể yên giấc. Người nào đã biết đến danh anh thì không thể không đến tiễn đưa anh về đất mẹ an lành. Kẻ võng, người ô, thức thâu đêm để canh cho anh giấc ngủ ngàn thu. Đồng đội, đồng chí của anh từ khắp nơi tìm về chỉ mong gặp người anh hùng một lần sau cuối, để ngồi bên nhau nhắc nhớ những câu chuyện, những tình huống chỉ có Lý Đại Bàng mới dễ dàng vượt qua được.
Anh Bàng ra đi mà chưa kịp nhìn con thơ khôn lớn, để lại gánh nặng nuôi nấng con cái thành người cho người vợ quanh năm chỉ biết đồng ruộng, chưa làm tròn chữ hiếu với người mẹ già hay ốm đau. Những người phụ nữ vì anh hy sinh tuổi xuân nay đối mặt với nỗi đau quá lớn. Nỗi đau về thể xác khiến họ ngất lịm rồi tỉnh lại nhưng vết thương tinh thần còn mãi một vết sẹo đã hằn sâu.
"Cả đời Lý Đại Bàng đi lên bằng tài năng và đức độ, chưa từng xích mích với bất kỳ ai, ngoài việc tận diệt bọn tội phạm. Con người có nhân cách lớn ấy hội đủ các yếu tố tâm, trí, đức, dũng. Một tấm gương sáng thức tỉnh người dân, thức tỉnh cái ác, thức tỉnh những con người khoác chiếc áo công an nhân dân mà làm việc một cách hời hợt, chỉ biết tư lợi, sợ khó sợ khổ", nhắc đến người anh, người đồng chí của mình, nước mắt lại chảy tràn trên khuôn mặt của trung tá Toàn.
Lý Đại Bàng đã trừng trị không biết bao nhiêu tên cướp, “giẫm” lên chúng để giành lại bình yên và lòng tin trong nhân dân. Cánh đại bàng đã mãi bay xa, nhưng cuộc đời anh vẫn là tiếng ca vang mãi trong lòng người yêu chuộng Chân - Thiện- Mỹ.
Nhạc sĩ sáng tác nhạc vinh danh anh hùng Lý Đại Bàng Trung tá Nguyễn Hữu Toàn cho biết: "Mến mộ, yêu thương AHLLVTND Lý Đại Bàng, một nhạc sĩ người miền Trung đã sáng tác "Khúc ca Lý Đại Bàng" nói về những chiến công cũng như tài đức của anh. Với âm hưởng hào hùng, khúc ca có đoạn: "Đại Bàng, Đại Bàng, Lý Đại Bàng lập bao kỳ tích chiến công lừng vang. Từ trái tim là cánh chim bay giữa trời bão tố. Vượt hiểm nguy, vượt chông gai, đạp qua mọi gian khổ. Người chiến sĩ công an TP.HCM chiến đấu hi sinh vì dân quên mình...". Tất cả đều nói lên cuộc đời, sự nghiệp của anh. Và như bài ca đã viết: "Đại Bàng, Đại Bàng với cánh chim đầu đàn vẫn hiên ngang vẫn bay cao với chúng tôi, anh còn sống mãi..."”. |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn