Nhu cầu chạy thận ngày càng nhiều
Hiện nay, tại tỉnh Đắk Lắk, có 3 đơn vị thận nhân tạo công lập gồm: Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các bệnh viện này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận hiện nay.
Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 550 trường hợp bị suy thận mạn tính. Bác sĩ Hoàng Thị Thủy Tiên, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho hay, số bệnh nhân có nhu cầu chạy thận trên địa bàn ngày càng nhiều.
Trong đó, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện có 24 máy chạy thận chia làm 4 ca làm việc mỗi ngày, với gần 200 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo định kỳ. Tuy nhiên, số lượng máy chạy thận không tăng nên không đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận nhân tạo định kỳ cho bệnh nhân mới mắc.
Còn tại theo BS.CKI Trần Thanh Quý, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột thông tin, năm 2010, bệnh viện bắt đầu triển khai đơn vị thận nhân tạo tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức chống độc, với 10 máy hoạt động.
Đến thời điểm hiện nay, bệnh viện có 25 máy chạy thận đang hoạt động liên tục để giải quyết nhu cầu cho khoảng 170 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.
Thế nhưng, vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh. Theo đó, trong 1-2 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân đăng ký chạy thận với Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột còn khoảng 100-200 bệnh nhân nhưng chưa giải quyết được vì không có máy.
Không chỉ thiếu thốn về trang thiết bị, máy móc, bác sĩ Quý còn cho biết, số lượng bác sĩ, điều dưỡng để phục vụ công tác chạy thận nhân tạo của bệnh viện cũng chưa đáp ứng đủ.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột có 12 điều dưỡng có chứng chỉ lọc thận nhân tạo và đang hoạt động.
Đồng thời, có 4 bác sĩ của Khoa Hồi sức cấp cứu tham gia lọc thận nhân tạo. Các bác sĩ này vừa làm công tác hồi sức, vừa triển khai chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
Cuối năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh thành lập đơn vị thận nhân tạo, với mục đích giảm thiểu tình trạng quá tải chạy thận định kỳ tại Đắk Lắk và các tỉnh lân cận. Đến nay, sau khoảng 9 tháng hoạt động, bệnh viện có 19 máy chạy thận nhân tạo, chạy 3 ca/ngày, đáp ứng điều trị cho 109 bệnh nhân. Tuy nhiên, số máy này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chạy thận hiện nay.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Đơn vị thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, hiện nhân lực tại đơn vị thận nhân tạo có 3 bác sĩ, 7 điều dưỡng. Lượng bệnh nhân tăng nên nhân lực bị quá tải, phải làm việc liên tục từ 7h sáng đến 10h đêm.
Trước tình trạng này, bệnh viện phải cử 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng đi học thêm để bổ sung nguồn lực còn thiếu.
Để góp phần giảm tải bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bác sĩ Hà cho rằng, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý sớm, từ đó giảm thiểu lượng bệnh nhân suy thận mạn.
Khi đã mắc suy thận mạn, bệnh nhân phải an tâm điều trị, tin tưởng vào bác sĩ, nhân viên y tế, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định điều trị của bác sĩ, chạy thận đều đặn và chế độ ăn uống hợp lý... Từ đó, đảm bảo hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống và giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.
"Tôi hay nói với bệnh nhân của mình là suy thận mạn giai đoạn cuối không là bước đường cùng, không phải phút cuối cùng của cuộc đời. Nếu như tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì bệnh nhân vẫn sống, sinh hoạt, làm việc bình thường, tự kiếm ra tiền và không phải là gánh nặng của gia đình", bác sĩ Hà cho hay.
Giải pháp nào để tháo gỡ?
Để giải "bài toán" quá tải bệnh nhân chạy thận nhân tạo, BS.CKI Trần Thanh Quý, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, nhân lực để trung tâm y tế các huyện triển khai đơn vị thận nhân tạo phục vụ cho nhu cầu cho bệnh nhân tại chỗ.
Qua đó, giúp bệnh nhân giảm bớt nhiều chi phí, không phải đi lại xa xôi trong quá trình chạy thận, vơi bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Theo bác sĩ Quý, có 3 phương pháp điều trị thay thế thận cho bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối gồm: chạy thận nhân tạo, ghép thận, lọc màng bụng để giảm bớt số lượng bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới chỉ triển khai được phương pháp chạy thận nhân tạo.
Để tạm thời đáp ứng nhu cầu bệnh nhận chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột trong thời gian tới sẽ lên kế hoạch tiếp tục cử nhân lực đi đào tạo, học tập.
Đồng thời, các y bác sĩ đã làm việc hết công suất để tăng số lượt chạy thận lên 3 ca mỗi ngày, thay vì 2 ca như trước đây. Bệnh viện cũng đã làm quy trình để triển khai lọc máu cấp cứu nhằm giải áp cho bệnh nhân suy thận mạn trong thời gian tới.
Cùng với việc tăng lượt chạy lên 4 lần/ngày, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã triển khai phương pháp điều trị thay thế thận khác là phương pháp lọc màng bụng để thêm sự lựa chọn cho bệnh nhân cần điều trị thay thế thận định kỳ.
Có thể thấy, các bệnh viện nói trên đã hết sức nỗ lực, nhưng số lượng bệnh nhân chờ lọc máu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay vẫn còn rất đông.
Thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 14/8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính về việc đề nghị đánh giá khả năng ngân sách địa phương có thể bố trí để đầu tư, mua sắm thiết bị đối với Trung tâm huyết học máu và các đơn nguyên thận nhân tạo.
Ngày 15/8/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk có công văn trả lời và nêu rõ: "Hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ và giao hết cho các cơ quan, đơn vị, địa phương ngay từ đầu giai đoạn để thực hiện các chương trình, dự án.
Ngoài ra, nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện đầu tư các dự án cấp tỉnh quản lý trong 3 năm (2021, 2022, 2023) bị hụt thu và kế hoạch thu trong năm 2024 còn chậm nên không có nguồn để đầu tư mua sắm trang thiết bị đối với Trung tâm huyết học truyền máu và các đơn nguyên thận nhân tạo trong giai đoạn 2021-2025".
Ngày 28/8, Sở Tài chính cũng có công văn gửi Sở Y tế. Sở Tài chính cho biết, hàng năm trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế và khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính đã phối hợp với đơn vị tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk trình HĐND bố trí dự toán cho ngành y tế để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân theo quy định.
Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk là địa phương chưa tự cân đối được nguồn kinh phí, hàng năm vẫn phải nhận cân đối từ nguồn ngân sách trung ương khoảng 60%.
Trong khi đó, nhu cầu chi cho ngành y tế là rất lớn, nhất là mua sắm trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
Vì vậy, việc Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh đề nghị các Bộ, ngành trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí cho địa phương để mua sắm trang thiết bị huyết học truyền máu và thận nhân tạo phục vụ khám, chữa bệnh cho dân là cần thiết.
Trên cơ sở đó, ngành 29/8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản tổng hợp ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, Sở Tài chính tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã dự thảo văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk gửi các cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Hội đồng dân tộc Quốc hội và Ủy ban Dân tộc về việc đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí dữ trữ cấp bách trong kế hoạch 2024-2025 của Chính phủ để đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm huyết học truyền máu và các đơn nguyên thận nhân tạo cho địa phương với tổng số tiền hơn 85 tỉ đồng.
Trong đó, mua sắm hệ thống máy xét nghiệm miễn dịch điện hóa phát quang, máy tách chiết và Real Time PCR tự động, số tiền là hơn 18,7 tỷ đồng; trang bị thêm 50 máy thận nhân tạo và 1 hệ thống RO tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và phát triển 4 đơn nguyên thận nhân tạo theo 4 hướng của tỉnh gồm Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, Trung tâm Y tế huyện Cư Mgar, Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333, với tổng số tiền hơn 66,4 tỷ đồng.
Hiện, Sở Y tế vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Khánh Ngọc