Tuy nhiên, đặt hàng trên mạng hay mua tại các cửa hàng xách tay, giới xài hàng hiệu đều lo bị trà trộn hàng nhái của Trung Quốc. Thậm chí ngay cả mua tại các trung tâm thương mại, cửa hàng phân phối chính hãng, thượng đế cũng khó lòng mua được hàng chuẩn.
Ảnh minh họa
Nắm bắt được tâm lí "sính ngoại" của người tiêu dùng trong nước, nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hoá xách tay mọc lên như nấm tại các con phố chuyên về các mặt hàng thời trang như Nguyễn Sơn, Hàng Da, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học (Hà Nội)… Khi được hỏi về nguồn gốc hàng xách tay, hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết, hàng hoá do nguồn từ các tiếp viên hàng không cung cấp hoặc do người nhà ở nước ngoài gửi về.
Phần lớn các tiếp viên mua hàng ở các cửa hàng miễn thuế hoặc bán giảm giá ở nước ngoài sau đó giao cho các cửa hàng có kinh doanh hàng hoá xách tay. Theo bật mí của một tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines, theo qui định, tiếp viên hàng không được mang khoảng 30kg hành lí tất cả, ngoài ra còn được mang theo một túi áo khoác và một vali bé. Như vậy nếu tận dụng tối đa để đựng hàng mang về, mỗi chuyến bay, một tiếp viên được mang theo khoảng 50kg.
Ngoài ra, có thể mang nhiều hơn bằng cách gửi bạn bè hoặc "làm luật" cùng với một số nhân viên khác để tăng được số lượng hàng mang về và hai bên cùng ăn chia với tỉ lệ nhất định. Hàng về đến đâu, các chủ cửa hàng sẽ móc nối thu mua ngay đến đó. Các mặt hàng có thương hiệu như mĩ phẩm Chanel, Mac, Dior hay kính Raybay, nước hoa…, túi LV, Hermes, tỉ lệ hoa hồng mà các chủ cửa hàng trả cho các tiếp viên rất cao. Do đó, việc xách tay hàng hoá từ lâu đã được xem là "cần câu cơm" của không ít tiếp viên hàng không.
Không chỉ hoạt động mạnh tại các con phố thương mại sầm uất, lãnh địa kinh doanh hàng xách tay còn phát triển rầm rộ trên các chợ mạng, chợ ảo online. Chỉ cần gõ lên công cụ tìm kiếm dòng chữ hàng xách tay, hơn 34 triệu kết quả về loại hàng này đủ khiến người tiêu dùng hoa mắt. Bên cạnh các mặt hàng mĩ phẩm, thời trang là vô số các loại đồ điện tử như điện thoại, laptop với đủ loại nhãn hiệu nước ngoài…
Đối với các mặt hàng thời trang, mĩ phẩm ngoại bán trên chợ ảo, khách hàng có thể đặt hàng theo catalogue giới thiệu sản phẩm của hãng. Sau đó, họ sẽ phải trả thêm tiền phí từ 5 - 10% sản phẩm cho chủ cửa hàng ngoài số tiền món hàng mà hãng công bố giá trên trang web hay tại showroom. Khoảng một tuần sau, khi hàng về, nhân viên cửa hàng sẽ giao tận tay cho khách. Dù vậy, mức giá này vẫn mềm hơn khá nhiều so với các cửa hàng, siêu thị có nhập khẩu các mặt hàng cùng thương hiệu.
Tuy nhiên, khi mua hàng tại các chợ ảo hay các cửa hàng xách tay, hàng fake đều là tên gọi để chỉ các loại hàng nhái, bắt chước các thương hiệu nổi tiếng, cũng thường được trà trộn vào bán cùng với hàng xịn. Thực tế, không phải bất cứ mặt hàng ngoại nào bày bán trong các cửa hàng xách tay trên đều là hàng nước ngoài cao cấp theo đường mua lẻ từ các tiếp viên hàng không.
Đỗ Huệ