Và thật kỳ lạ, không ít lời tiên đoán về đời tư của bạn mà bà Vanga đã ngẫu hứng nói ra khi gặp bạn về sau lại trở thành sự thật. Hoặc giả bà đã đoán cả được những chuyện đã xảy ra với bạn mà bà không hề được chứng kiến.
Sau đây là những câu chuyện của một số văn nghệ sĩ Nga nổi tiếng, đăng trên tờ Luận chứng và sự kiện.
Nam diễn viên điện ảnh lừng danh Xôviết Vyacheslav Tikhonov (1928-2009), rất quen thuộc với khán giả cả ở Việt Nam ta qua vai điệp viên Stirlits trong phim truyền hình nhiều tập "17 khoảnh khắc của mùa xuân", được làm quen với bà Vanga vào năm 1979. Đã có nhiều người viết về cuộc gặp đó vì sau đấy, Tikhonov đã bị sốc mạnh tới mức phải dùng thuốc an thần, mặc dù những gì mà bà Vanga đã nói với ông nhìn chung là rất mù mờ và huyễn tưởng. Bà Vanga bảo rằng, nhà du hành vũ trụ đầu tiên Yuri Gagarin, một người mà ông Tikhonov rất thân, không bị chết mà bị "đưa lên giời".
Khi Tikhonov vừa bước vào ngưỡng cửa nhà bà Vanga, bà đã nói ngay: "Sao anh không thực hiện ước muốn của người bạn tốt nhất Yuri Gagarin? Trước khi thực hiện chuyến bay cuối cùng, Yuri đã tới nhà anh và bảo: Mình không có thì giờ, cậu hãy mua một cái đồng hồ báo thức thay mình và đặt nó lên bàn viết. Hãy để cho cái đồng hồ báo thức đó gợi cho cậu nhớ tới mình!". Nghe thấy thế, Tikhonov cảm thấy tim ông như bị thắt lại và ông đã phải uống thuốc an thần ngay.
Bởi lẽ, Tikhonov và Gagarin đã chơi rất thân với nhau. Khi Gagarin bị tử nạn trong một chuyến bay tập, Tikhonov rất đau đớn và đã quên mất việc mua đồng hồ báo thức như bạn đã dặn lúc còn sống.
Làm sao bà Vanga biết được chuyện đó khi bà ở cách xa Moskva cả nghìn cây số như thế và không hề được chứng kiến cuộc trò chuyện giữa Tikhonov và Gagarin?
Nhà thơ Sergey Mikhalkov (1913-2009), tác giả của phần lời Quốc ca Liên Xô trước kia và Quốc ca Nga hiện nay, cũng đã gặp bà Vanga năm 1979. Dù chỉ "kỳ thanh" nhưng ông rất thích và phục tài linh cảm của người đàn bà khiếm thị này. Trong một buổi gặp các biên tập viên của tạp chí "Hữu nghị", ông Sergey Mikhalkov đã trầm trồ: "Bà ấy có một khả năng linh cảm hiếm có và cực kỳ khó giải thích. Nhưng mọi người sẽ luôn biết ơn và khâm phục bà ấy!".
Bà Vanga đã nói trước, với vẻ vu vơ, với ông Sergey Mikhalkov ba chuyện mà về sau đã xảy ra đúng y như thế: "Cô bạn gái vàng của anh đang mắc một căn bệnh nặng ở tim nhưng rồi sẽ bình phục và sau đó sẽ lấy nhà phẫu thuật đã chữa chạy cho mình. Khi trở về Moskva, anh sẽ được trực tiếp gặp Tổng bí thư Leonid Brezhniev. Cậu con trai cả của anh sẽ cưới một phụ nữ nước ngoài làm vợ và ra sống ở hải ngoại để làm phim".
Tất cả những gì mà bà Vanga đã nói trước về sau đều trở thành chuyện thực.
Trở về Moskva, ông Sergey Mikhalkov được mời lên gặp Tổng bí thư Brezhniev, một việc hoàn toàn không dễ xảy ra trong thời Xôviết. Cô bạn gái Natasha của ông cũng đã được phẫu thuật tim rồi trở thành vợ của nhà phẫu thuật đã chữa lành cho chị căn bệnh hiểm.
Một năm sau đó, năm 1980, đạo diễn Andrey Mikhalkov - Kalchalovsky, người con cả của nhà thơ, đã rời khỏi Liên Xô tới Hollywood. Tại kinh đô điện ảnh Mỹ, anh đã làm được khá nhiều bộ phim và trở nên nổi tiếng thế giới…
Nhà văn Leonid Leonov (1899-1994), tác giả của tiểu thuyết "Rừng Nga" từng được dịch ra tiếng Việt, và nhiều tác phẩm xuất sắc, đã gặp bà Vanga không chỉ một lần. Ông rất hâm mộ năng khiếu bất thường ở người đàn bà khiếm thị này của đất nước Bulgaria. Ông Leonov thường kể rằng, ông đã được làm quen với nhiều nhân vật xuất chúng trong cả làng văn lẫn chính giới nhưng chính bà Vanga đã gây cho ông ấn tượng mạnh mẽ nhất. Ông Leonov hay trao đổi với bà Vanga về những dự định sáng tác và bà bằng linh cảm tự nhiên của mình thường nói cho ông biết những lời khuyên hữu ích nhất về tương lai.
Một lần, bà Vanga đã báo cho nhà văn biết trước về một vụ hỏa hoạn sẽ xảy ra với các tập bản thảo của ông Leonov. Và để phòng xa, nhà văn đã chuyển các tập bản thảo đó từ trại nghỉ, nơi ông vẫn hay ngồi viết, về căn hộ trong thành phố của mình. Nhưng mọi hành vi cẩn tắc đó đều trở thành công dã tràng - các tập bản thảo ấy về sau vẫn bị cháy sạch. Đúng là chạy trời không khỏi nắng!
Năm 1980, khi nhà văn sang Bulgaria công tác, ông đã tới thăm bà Vanga tại nhà bà ở Petrich và đã nói chuyện với bà về hoa.
Bà Vanga luôn coi hoa cũng là những sinh vật sống và rất chăm sóc những khóm hoa mà bà đã trồng ở hai ngôi nhà tại Petrich và Rupit. Theo bà nói, chính những bông hoa ấy luôn thầm thì với bà về những bí mật mà chưa từng ai biết và giúp bà thấu hiểu số phận của những người khác. Bà Vanga rất thích những khóm hoa mà ông Leonov đã trồng tại trại nghỉ của ông ở Liên Xô mặc dù bà chưa bao giờ trông thấy chúng. Bà nói với nhà văn: "Tôi biết là anh hiểu ngôn ngữ của hoa, ngôn ngữ đó trung thực và tuyệt vời lắm".
Bà Vanga đã nhắc nhà văn lấy lại về nhà mình cụm hoa ráy thơm tuyệt diệu mà ông đã tặng cho Hội Nhà văn Liên Xô vì chính loài hoa này bảo trợ cho những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn học và gợi lên cảm hứng viết những chủ đề mới và những tác phẩm mới. Ông Leonov khi trở về Moskva đã làm theo lời khuyên này của bà Vanga…
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Leonov muốn đốt đi tập bản thảo tiểu thuyết "Kim tự tháp" mà tự ông không thấy hài lòng dù đã bắt tay vào viết nó từ năm 1938. Nhà văn đã ở tuổi cửu thập khi đọc lại tác phẩm đó cảm thấy thất vọng tràn trề. Nhưng bà Vanga đã ngăn không cho ông làm việc này và bảo, không được đốt một tác phẩm đã gần như được viết xong như thế. Việc mà ông cần làm là ngồi trong yên tĩnh và viết nốt phần còn lại. Bà Vanga khuyên ông Leonov hãy tự "giam mình" ở trại nghỉ 40 ngày và hoàn thành nốt tiểu thuyết "Kim tự tháp".
Theo bà Vanga, tại trại nghỉ, giữa mùi hương của các loài hoa, chắc chắn nhà văn sẽ tìm lại được niềm cảm hứng cao cả và thiêng liêng: "Cuốn sách cần phải được hoàn thành sau 3 năm (câu chuyện giữa hai người xảy ra vào năm 1989 - NN). Trong tiểu thuyết có bốn hình ảnh: con người, vũ trụ, chúa trời và ác quỷ. Trong đó còn có cả một số điều về con người thời cổ đại. Cuốn sách sẽ rất thành công và sẽ được đón nhận tốt, kể cả với giới trẻ!" - bà Vanga động viên nhà văn.
Có lần bà Vanga nhận xét về ông Leonov: "Số phận nhà văn này trong văn học rất phức tạp nhưng nhìn chung là hạnh phúc. Người ta sẽ phải nói tới ông ấy nhiều kể cả sau khi ông ấy đã khuất. Đương thời ông ấy cũng được đánh giá cao nhưng vẫn còn nhiều kẻ đố kị với tài năng và khả năng chọn đúng chủ đề của ông ấy. Tiểu thuyết "Kim tự tháp" sẽ được dịch ra các thứ tiếng khác ở Đức, Ấn Độ, Brazil, Mỹ và nhiều nhiều nơi nữa… Leonov là người được đấng tối cao lựa chọn và được thiên phú khả năng dự báo cho nhân loại nhiều điều qua những gì mà ông ấy viết. Ông ấy có một tinh thần rất vững chãi. Thật tiếc là không có ai trong gia đình ông ấy thừa hưởng được tài năng và trí tuệ của ông ấy…".
Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn lớn "Kim tự tháp" được in năm 1994, khi Leonov đã 95 tuổi. Ông cũng vẫn còn sống khi tác phẩm đó của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đánh giá rất cao…
Là một người thẳng tính, bà Vanga không hề giữ kẽ trong lời nói với bất kỳ ai tới gặp bà, kể cả những danh nhân thời thượng ngạo nghễ nhất. Bà không bao giờ phân tách những người đang tiếp xúc với bà thành người sang hay kẻ hèn. Tất cả họ đều được bình đẳng trong cách bà đối xử. Bà luôn nói những gì mà bà cảm thấy trong tim mình, dù khách có thích nghe hay không.
Một lần vào năm 1980, nhà thơ Nga danh giá Evgueni Evtushenko từ Nga tới thăm bà Vanga. Ông vừa xuất hiện đã bị bà Vanga la ngay: "Nhà văn gì anh khi anh bốc mùi như một thùng rượu để lâu ngày như thế. Anh biết nhiều, không ai bảo anh không có tài năng cả nhưng tại sao anh lại uống rượu và hút thuốc nhiều như thế?". Evtushenko, như bất cứ một "thi sĩ xịn" nào, rất mê phụ nữ nên đến xin bà Vanga lời khuyên: phải làm gì để "cừu no mà cỏ vẫn nguyên" khi quan hệ với các mỹ nhân? Và bà Vanga đã nói: "Phải biết tự hạn chế mình, trong tình yêu và hôn nhân đều cần phải biết tự hạn chế mình!".
Bà Vanga còn khuyên nhà thơ: "Anh hãy đi chữa răng và dạ dày! Đừng viết vào ban đêm nữa! Hãy dậy sớm và làm việc vào buổi sáng. Hãy viết từ 3h tới 7h sáng, đó là lúc cảm hứng lớn nhất xuất hiện!". Khi Evtushenko tiết lộ: "Tôi đang viết một cuốn sách…", bà Vanga hỏi luôn: "Về phụ nữ?". "Vâng, cả về phụ nữ nữa…" - nhà thơ đáp. "Về chiến tranh?". "Vâng!". "Thế thì anh cứ viết, nhưng hãy cố gắng đi sâu vào chủ đề. Chứ không anh sẽ nhảy nhót như chim sẻ đó, hết cành này sang cành khác…"
Theo An ninh Thế giới