Không được làm gì
Điều ngăn cấm này thường xảy ra ở bậc cha mẹ quản giáo con cái chặt chẽ, bảo vệ quá mức, quá chi tiết.
“Con không được trèo cây, rất nguy hiểm!”
“Con không nên đá bóng, rất dễ bị chấn thương!”
“Con không được chơi với bạn đó nhé!”
Các loại phép tắc khuôn mẫu phải theo như vậy sẽ khiến con trẻ hình thành quan niệm “Tốt nhất là không nên làm gì”. Từ đó khiến con bạn luôn là đứa trẻ biết vâng lời nhưng khi trưởng thành lại thiếu tính tích cực và chủ động, dễ dàng nghe theo ý kiến của người khác.
Không được thể hiện đúng độ tuổi
“Con là anh trai, phải nhường nhịn em!”
“Con đã là chị rồi, không được khóc nhè!”
Những đứa trẻ là anh trai, chị gái ngay từ nhỏ đã nghe những điều răn bảo này mà hình thành một lệnh cấm trong tâm trí.
Trong bữa tiệc, có những người luôn cố gắng giúp mọi người tiếp đồ ăn, rót rượu, luôn bận rộn để ý đến tất cả mọi người, họ dường như không hề để ý đến sự tận hưởng bữa ăn của họ, có thể họ là kết quả của lệnh cấm này.
Người chịu nhận tác động bởi lệnh ngăn cấm này bị thúc đẩy trưởng thành sớm hơn, tuổi thơ mất đi sự hồn nhiên, tính cách dễ bị già trước tuổi.
“Bản thân không làm không được”, quá ý thức về tính trách nhiệm như vậy cũng sẽ tạo thêm gánh nặng cho cuộc sống.
Không được khóc!
Đứa trẻ bị ngã, vì đau quá nên thút thít khóc nhưng lại bị cha mẹ nạt: “Không được khóc!”, những giọt nước mắt đành phải kìm nén lại trong lòng.
Vô hình trung, đứa trẻ hình thành nên một lệnh cấm đối với bản thân, không được thể hiện nhu cầu và cảm xúc của mình một cách tự nhiên.
Lệnh cấm này đã buộc bản thân chúng kiềm chế cảm xúc của mình. Lâu dần, đối với sự vật sẽ sinh thái độ thờ ơ, lãnh cảm. Trước những sự việc đau lòng không thể thống khổ khóc than. Trước mâu thuẫn không thể bừng bừng tức giận. Giọng nói thiếu trầm bổng, du dương, dần dần trở thành người thiếu biểu cảm.
Không được nêu ý kiến
“Đừng có cãi lời cha mẹ!”
“Hãy nghe lời cha mẹ!”
Nhiều bậc cha mẹ thường răn đe con bằng những lời lẽ như trên, đứa trẻ trưởng thành trong sự quát mắng răn dạy của cha mẹ như vậy mà hình thành một lệnh ngăn cấm không cho phép mình suy nghĩ, không thể suy nghĩ vấn đề một cách logic và bình tĩnh phán xét.
Những người dễ mê muội mù quáng có một phần do lệnh ngăn cấm này tạo nên.
Không được tâm sự với cha mẹ
Cha mẹ thường nói:
“Cha/mẹ đang rất bận, lúc khác hãy nói!”
“Yên lặng nào!”
Con cái có rất ít cơ hội gần gũi với cha mẹ và thường phải giữ một khoảng cách với cha mẹ. Điều này có khả năng tạo thành một lệnh cấm “không được gần gũi” trong lòng con trẻ. Chúng sẽ dần trốn tránh nói chuyện với cha mẹ, không tâm sự với cha mẹ những vấn đề cần thiết.
Khi trưởng thành, chúng cũng sẽ không thể nói với người khác về những suy nghĩ thật của mình. Ngay cả khi công việc gặp rắc rối cũng không trao đổi, bàn bạc với cấp quản lý, đồng nghiệp, cứ một mình cắm cúi làm việc. Thậm chí, dù có gặp sự việc khó chịu thì vẫn cứ “chỉ cần bản thân nhẫn nại chịu đựng thì mọi chuyện rồi cũng qua”. Những biểu hiện này là do bản thân đã phải chịu nhận lệnh ngăn cấm “không được gần gũi”.
Không được thừa nhận
Bài thi của con đạt điểm cao và được giáo viên khen ngợi, đứa trẻ mừng rỡ khoe với cha mẹ, nhưng lại chỉ nhận được câu trả lời ngắn ngủn “ừm”. Cha mẹ phản ứng lạnh lùng, không có biểu hiện công nhận thành thích của con, đứa trẻ cảm thấy hụt hẫng và lâu dần sẽ hình thành lệnh cấm “bản thân không được xem trọng”.
Người chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm này thường lo lắng bản thân không thể nổi trội, không thích phải chịu trách nhiệm về việc nào đó, thích ăn mặc những trang phục giản dị, ít nói, tiếng nói cũng rất nhỏ.
Một số người rất xuất sắc khi họ là nhân viên cấp dưới hoặc là thành viên thông thường trong một đội nhóm, tổ chức. Nhưng khi được đề bạt lên cấp quản lý, nhóm trưởng thì lại không thể hiện được thực lực của mình.
Khi có cơ hội thăng tiến, thì cũng vì quan niệm “bản thân không được trở thành người quan trọng” mà dừng lại và không chịu nỗ lực hết mình.
Áp đặt ý kiến
Một số bậc cha mẹ thường hay can thiệp vào các mối quan hệ bạn bè của con cái như giúp chúng lựa chọn bạn bè: “Hãy chơi với bạn này” hay “đừng chơi với bạn kia”; thậm chí còn giúp trẻ nhận xét, áp đặt suy nghĩ của mình vào con: “Bạn này thật nhút nhát”, “Bạn kia thật khôn ngoan” v.v.
Những ví dụ nêu trên không phải là hiếm. Sự can thiệp này của cha mẹ sẽ làm con cái giảm cơ hội được tiếp xúc với các bạn cùng lứa tuổi. Người bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp này thường cảm thấy đơn thương độc mã, khó hòa nhập với môi trường đội nhóm hay môi trường làm việc tập thể.
Khi đi chơi cùng nhóm bạn hay đi du lịch cùng công ty, những người này vẫn luôn giữ những hành động cá nhân độc lập mà không tự nhận biết, thậm chí còn luôn từ chối lời mời tham gia các buổi liên hoan của bạn bè. Điều này phần nào do ảnh hưởng bởi sự can thiệp của cha mẹ mà dẫn đến “không thể có cảm giác thân thuộc”.
H.A (tổng hợp)