Không. Chỉ là ghi âm lại những câu cửa miệng phẫn uất, bức xúc, chửi đổng, thương vay, khóc mướn làm bộ cả thôi. Thực tình nhiều người rất sợ viết, sợ phải lập ngôn mà đối diện với chân lí để bộc lộ cái chính kiến rỗng tuếch của mình.
Chắc ai cũng nhớ câu chuyện về em bé đạo dàn bài văn mẫu tả lợn để tả ông nội say sưa cho đến lúc: "Không biết đến khi nào ông xuất chuồng". Kế đến là những lời thừa khôn ngoan nhưng lại thiếu hồn nhiên, kiểu như: Hàng ngày em thường ngồi dưới bóng mát cây ớt, ông em có hai cái râu vểnh lên. Để rồi đến khi trưởng thành là "Tô Hoài giết Mỵ".
Điều đáng nói ở đây là vấn nạn đó lại được nhìn nhận như những cái lỗi rất nhỏ mà chúng ta quên mất một điều văn chương sẽ là cầu nối đưa các em bước vào xã hội, văn chương phản ánh lập trường và nhân cách.
Hẳn là, ngay cả đến không ít thầy cô giáo dạy văn ở phổ thông cũng coi dạy văn ngày nay là một nghề khổ sai, một môn học sắp biến thành môn phụ. Họ cũng lơ mơ chẳng rõ bắt tất cả học sinh học văn để làm gì. Ngành nghệ thuật đòi bỏ môn văn để tuyển những sinh viên có giọng nhưng vô cảm vào đào tạo ở một lĩnh vực mà nhạc cảm mới là tiên quyết.
Người lớn nên uốn nắn nhân cách cho con trẻ từ những câu văn đầu tiên
Học văn, không nhất thiết để giúp học sinh vào đời theo nghề và làm nghề. Văn chương cũng không dừng lại ở chuyện của mấy tác phẩm lay động tâm hồn. Điều cốt yếu còn đọng lại là giúp người học có thể nói được suy nghĩ của mình bằng lời văn, bằng một phát ngôn trên trang giấy và trực diện với chân lí và đạo lí. Trước ngọn đèn, trang giấy, lòng thành thực của con người được lộ diện. Qua những câu chữ ấy, nhân cách và nhân sinh quan được phác thảo, giúp cho các thầy cô - những kĩ sư tâm hồn, có cách định hướng và điều chỉnh.
Vậy, những câu văn ngây ngô của học sinh ngày nay đang nói lên điều gì? Các em thực sự ngây ngô như cách đánh giá của chúng ta ư? Hay đó là sự giễu cợt, chế nhạo với giấy mực? Là sự "ăn vụng không biết chùi mép", sự đạo văn từ tấm bé? Hình như câu trả lời nào cũng có lí và khiến những ai đang tâm huyết với sự phát triển của thượng tầng kiến trúc lo sợ.
Trước khi làm được những điều lớn lao, con người ta phải học cách bộc lộ suy nghĩ và quan điểm trước cuộc sống. Điều đó cần phải thành thực trên từng câu chữ. Từng lời ấy sẽ gắn chặt với con đường lập thân, lập nghiệp của mỗi con người.
Chắc chắn nhiều người sẽ cho rằng không phải lúc nào lời nói cũng đồng hành với việc làm. Đã từng có rất nhiều trường hợp lặng lẽ mà vẫn làm nên sự nghiệp. Nói như thế không hẳn đúng bởi đã thấy ai thành công mà không nói được về triết lí sống của mình một cách rành rọt. Việc xuất hiện rất nhiều cá nhân chập chờn trong nhận thức, lủng củng trong lập ngôn sẽ báo động đến sự suy thoái văn hóa. Khi còn trên ghế nhà trường, còn cầm bút viết những câu văn trong trẻo nhất, các em đã nhiễm sự gian dối, giả tạo trong suy nghĩ và học đòi trong quan niệm thì đến khi lập nghiệp, chúng ta sẽ hi vọng gì ở sự trung thực.
Đã vậy những chủ trương trấn hưng theo kiểu hình thức chủ nghĩa của vở sạch, chữ đẹp lại trở thành đồng lõa cho sự sai lệch ấy. Một khi bản thân người cầm bút không có nổi một câu nói cho ra hồn thì chữ đẹp, vở sạch, laptop, Ipad kia để làm gì hay chỉ là lớp vỏ ngụy tạo. Họ sẽ viết gì trên những thiết bị láng coóng ấy, ứng xử ra sao với xã hội bằng thứ lời lẽ rác rưởi ô nhiễm của một xu thế công nghệ a dua?
Một bài văn có thể gây xôn xao dư luận trong khi giá xăng dầu, tỉ giá vàng, đô la đang biến động chóng mặt hẳn vẫn nói lên sự quan tâm của xã hội với hàn thử biểu tâm hồn. Nhưng sự quan tâm ấy dường như mới dừng ở mức ngỡ ngàng, bực bội, lo âu với sự quái lạ mà chưa biến thành những hành động cụ thể. Người ta đọc được ở đâu đó, truyền tai nhau thông tin ấy mà quên mất hàng ngày vẫn tiếp tay cho con em mình lâm vào hoàn cảnh tương tự bằng những cuốn sách văn mẫu, bằng học thêm vô tội vạ, bằng truyện tranh, phim hoạt hình...
Bởi thế, mỗi người, từ trong ý thức hãy tự biết giật mình mà nghĩ đến tương lai của con em bằng sự tận tình dạy bảo và định hướng đúng đắn.
Bảo Vy