Hoàng Văn Ân dù bị bại liệt, quê ở Thanh Hóa nhưng vẫn quyết tâm ra Hà Nội học với mong muốn trở thành kỹ sư thiết kế đồ họa. Đinh Đức Cảnh quê ở Thái Bình dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng không từ bỏ con đường trở thành kiến trúc sư.
Nghịch cảnh không làm hai chàng sinh viên ấy chùn bước mà ngược lại tiếp thêm sức mạnh giúp họ đương đầu với những khó khăn phía trước.
Học đại học để theo đuổi ước mơ
Trời chiều mùa đông vừa ảm đạm vừa mang theo những cơn gió lạnh đến se sắt lòng. Trong dòng người qua lại tấp nập tại bến xe Mỹ Đình, không khó để tôi nhận ra bóng dáng của Ân và Cảnh.
Hai chàng trai đón tôi bằng nụ cười niềm nở. Ân ngồi trên xe lăn, mặc chiếc áo khoác đơn giản màu xanh thẫm, hai chân đã teo lại ẩn nấp sau chiếc quần tối màu. Em không tự ti trước ánh nhìn của mọi người mà tỏ ra rất thoải mái và hòa đồng. Còn Cảnh chỉ khoác hờ một cái áo khoác mỏng, vừa đẩy xe cho bạn vừa nở nụ cười sáng lạn.
Ân sinh ra ở Quý Xá (Nghi Lộc, Nghệ An), một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng của chất độc da cam điôxin.
Em kể lại: "Trước đây, bố em tham gia chiến tranh nên bị nhiễm điôxin. Đáng nhẽ, em có 6 anh chị em nhưng em út vừa sinh ra đã mất. Trong 5 người còn lại chỉ có em bị liệt và anh trai đầu hơi trầm một chút. Chị gái thứ ba của em lúc sinh cháu đầu không có mật nên chỉ được hơn 2 tháng là mất.
Lúc mới sinh, Ân khỏe mạnh bình thường nhưng được 4 tháng thì em bị lồng ruột. Trải qua phẫu thuật, Ân bị cắt gần một mét ruột.
Năm tháng sau, em hồi phục và dần khỏe mạnh hơn thì không may đến tháng thứ 6 em bị bại não. Bệnh nặng đến mức khó có hy vọng sẽ qua khỏi nhưng điều thần kỳ vẫn xảy ra. Ân sống sót nhưng nhận thức có chậm hơn bạn bè cùng lứa.
Đến lúc 7 tuổi, em mới biết bò. Vì sức khỏe yếu nên bố mẹ cho em đi học muộn 3 năm. Ân sinh năm 1987 nhưng học cùng với các bạn sinh năm 1990. Trong suốt những năm học từ lớp 1 đến lớp 8, em đều là học sinh xuất sắc. Đến năm lớp 9 thì Ân có tâm lý chán nản và chểnh mảng học hành.
Em tâm sự: "Lúc còn nhỏ, em vô tư không nghĩ ngợi gì, chỉ tập trung học cho tốt nhưng đến năm lớp 9 em nghĩ rằng mình có học giỏi thì cũng chẳng làm được gì. Các bạn có thể đi lại còn em lại chỉ có thể ngồi một chỗ, đi đâu cũng cần người giúp đỡ.
Tâm lý bi quan, tự ti khiến Ân bỏ học hai tháng. Thấy em học giỏi mà lại bỏ ngang, cô chủ nhiệm cùng các bạn của Ân đến tận nhà động viên em đi học. Cô giáo còn nhiệt tình không quản khó nhọc trong hai tháng ngày nào cũng đến dạy kèm để giúp em theo kịp chương trình.
Đôi bạn Ân và Cảnh.
Lên lớp 10, Ân bỏ không đi thi vì nghĩ sẽ không có người đưa đi học, em lại không muốn bố mẹ vất vả vì mình thêm nữa. Biết chuyện nhà Ân ở xa, bố mẹ lại già nên em có phần do dự nhà trường bảo sẽ lo một tổ học sinh đưa em đến trường trong ba năm học cấp ba. Cô giáo lại động viên vì thấy em học giỏi mà lại không đi học. Nhận được sự quan tâm của bố mẹ, thầy cô nên em quyết học hành thật tốt.
Còn đối với Minh Đức Cảnh thì lại có hoàn cảnh khác. Cảnh là con thứ hai trong một gia đình có 3 anh chị em ở vùng đất Quỳnh Côi (Thái Bình). Nhà Cảnh là gia đình thuần nông lại lo cho hai con học đại học nên gặp nhiều khó khăn.
Tốt nghiệp cấp III vì say mê thiết kế nên em đăng ký thi vào trường đại học Kiến trúc. Vừa đi học, Cảnh vừa đi làm thêm để tự trang trải cho cuộc sống của mình.
Em tâm sự: "Em muốn kiếm ra tiền để bớt cho bố mẹ phần nào vất vả. Thấy hoàn cảnh của anh Ân, em càng có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn".
Dù gian nan vẫn không lùi bước
Một ngày của Cảnh rất bận rộn, em dành một buổi đi học, một buổi đi làm. Tâm sự về công việc của mình Cảnh bảo em thấy công việc không vất vả mà lại rất có ý nghĩa. Nhưng điều quan trọng nhất là phải vượt qua được mặc cảm.
Nhiều người gọi công việc Cảnh đang làm là ôsin cao cấp, nếu có tâm lý ngại ngùng thì sẽ không làm được. Mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng trung tâm trả, đủ để Cảnh lo cho cuộc sống của một sinh viên mà không phải xin thêm trợ cấp từ gia đình.
Mặc dù vừa học vừa làm, nhưng Cảnh vẫn giành được học bổng của trường. Em không để việc làm thêm ảnh hưởng đến học hành. Cứ thời gian rỗi là em lại dành tất cả cho việc học. Trong khi đó, Ân cũng là người ham học không kém.
Ân chọn thiết kế đồ họa vì cảm thấy mình hợp với ngành này. Em đam mê tự mày mò và tự học qua mạng. Ân bảo mình may mắn vì cả xóm chỉ có mình em đi học đại học dù em bị khuyết tật. Trong gia đình, bố rất thương Ân nhưng không thể hiện còn mẹ lại đặc biệt gần gũi với em.
Em chia sẻ: "Em rất thương bố mẹ nên phải cố gắng học hành cho tốt. Em chỉ chậm nhớ hơn các bạn một chút nhưng đã nhớ được là nhớ rất lâu. Em tiếp thu chậm hơn các bạn nên phải dành nhiều thời gian xem lại bài".
Ân ham học đến mức học từ 7h tối đến 5h sáng mới đi ngủ. Em chỉ ngủ hai tiếng rồi lại học tiếp. Ngoài thời gian dành cho việc đến giảng đường và sinh hoạt cá nhân, còn lại em dành tất cả cho việc học.
Bước đầu theo học em không nhận thức được bằng các bạn, mắt lại cận nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình học. Thầy cô trong trường biết hoàn cảnh của Ân nên tạo điều kiện ưu tiên cho em nhưng Ân không nhận.
Em tâm sự: "Em muốn bình đẳng như các bạn chứ không muốn được châm chước gì. Em kém hơn các bạn thì càng phải cố gắng nhiều hơn chứ không thể ỷ lại. Bố mẹ em đã có tuổi cũng không thể lo cho em mãi được nên em phải tự lực cánh sinh".
Khoản tiền sinh hoạt bố mẹ cho mỗi tháng, Ân cố chi tiêu thật tiết kiệm. Em không muốn xin thêm vì không muốn bố mẹ lo nghĩ nhiều về mặt tiền nong. Còn Cảnh cũng rất tự hào vì có thể tự lo chi phí sinh hoạt cho mình.
Chia sẻ về dự định của mình, hai em đều vui vẻ thổ lộ. Ân tốt nghiệp dự định sẽ lập nghiệp tại Hà Nội, có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Ân bảo em thích ra xã hội để học hỏi kiến thức và tích lũy thêm kinh nghiệm cho mình.
Cảnh thì cười rất tươi: "Em sẽ cố gắng học thật tốt và tìm một công việc phù hợp với chuyên ngành. Trong tương lai em muốn trở thành một kiến trúc sư thật giỏi".
Gặp nhau ở tinh thần lạc quan với cuộc đời Dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng đôi bạn Ân và Cảnh vẫn luôn có một niềm tin lạc quan về tương lai phía trước. Ân chia sẻ: "Nếu người bình thường cố gắng một thì em phải cố gắng gấp đôi, gấp ba. Em tin mình sẽ làm được những gì mình muốn để không phụ lòng bố mẹ và chính bản thân mình”. Và Cảnh cũng khẳng định thêm: "Nhiều người còn kém may mắn hơn mình rất nhiều họ vẫn có thể sống tốt thì em là người bình thường càng phải làm tốt hơn”. |
Thanh Loan