Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 lần thứ tư với biến thể lây lan mạnh, những “chiến binh áo trắng” Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thầm lặng, dấn thân, không quản nguy hiểm nơi tuyến đầu để chống dịch, bảo vệ tính mạng cho nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Lo cứu người “quên” gia đình
Nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 đầy khốc liệt, những “chiến binh áo trắng” Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phòng, chống dịch vừa cứu người. Với nhiệm vụ kép đặc biệt đó, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã không quản hiểm nguy, nỗ lực ngày đêm dấn thân nơi tuyến đầu chống dịch.
Để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc trong cuộc chiến Covid-19, tất cả phải nén lại tình cảm ruột thịt, phải xa gia đình để tập trung cho “cuộc sống khác” thường nhật.
Công việc của những “chiến binh áo trắng” có những lúc căng thẳng tưởng chừng như nghẹt thở, nhân viên y tế của Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) luôn căng mình để chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Đồng thời, an ủi bệnh nhân trong những thời điểm suy yếu nhất, sự sống lúc này của họ mong manh như ngàn cân treo sợi tóc.
Với 14 năm làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện, điều dưỡng Tăng Thị Mai có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác chăm sóc người bệnh nặng, nguy kịch tại bệnh viện. Chị được giữ trọng trách là Trưởng tua trực của điều dưỡng trong Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19, thực hiện theo dõi, đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc cho điều dưỡng.
Từ khi trung tâm đi vào hoạt động (ngày 16/8), hầu như chị Mai ít khi về nhà. Chồng chị cũng là nhân viên kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện. Mọi việc chăm sóc 2 con nhỏ được giao cho chồng đảm nhiệm. Anh vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, vừa đảm nhiệm vai trò người mẹ khi chị đảm đương nhiệm vụ công tác tuyến đầu chống dịch.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Mai cho biết, gần như chị đi suốt trong 3 tháng qua, chị dành hết thời gian cho công việc cứu người, những lúc quá nhớ con chỉ biết nén lại. Trước áp lực của vợ, anh Hưng (chồng chị Mai) hết lòng chia sẻ, sau giờ làm tại cơ quan, anh tất bật về nhà tắm rửa, dạy hai con học để chị an tâm công tác.
Đóng góp vào hiệu quả chung của tập thể Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong “cuộc chiến không tiếng súng” với đại dịch, Ths.Bs Nguyễn Hoàng Du, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc được xem là một trong những người tích cực, tiên phong, phấn đấu, không ngại vất vả “quên” cả gia đình vì nhiệm vụ.
Ngay khi nhận được sự chỉ đạo của Bộ Y tế cử cán bộ có chuyên môn về thở máy và lọc máu liên tục để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Bs Du đã xung phong lên đường hỗ trợ đồng nghiệp với vị trí là Trưởng đoàn.
Với tinh thần trách nhiệm “chống dịch như chống giặc”, anh làm việc liên tục nhiều giờ, có những đêm thức trắng để điều trị bệnh nhân diễn tiến nặng, những bệnh nhân đầu tiên được can thiệp kỹ thuật lọc máu liên tục tại tỉnh Đồng Tháp nhằm giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Đảm bảo nhiệm vụ chính trị chăm sóc sức khỏe
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại tỉnh bạn, ngay khi trở về Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bs Du lại tiếp tục xung phong tình nguyện vào Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 để tiếp tục công tác, trực tiếp điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân là các ca F0 mức độ nặng và nguy kịch.
Bác sĩ Du còn hỗ trợ đào tạo nhân lực về kĩ thuật lọc máu liên tục để tiến hành can thiệp điều trị cho bệnh nhân kịp thời. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ điều phối hoạt động chung của trung tâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh tại đây.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Ths.Bs Lê Hoàng Phúc - Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, đơn vị đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao nhất là bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của bệnh viện đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng loạt các biện pháp chủ động phòng ngừa tối đa, đảm bảo nhiệm vụ chính trị chăm sóc sức khỏe người dân khu vực ĐBSCL vừa tích cực cấp cứu, điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch từ các tuyến chuyển đến vừa sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho tuyến trước khi có yêu cầu chống dịch.
Bệnh viện luôn là đơn vị đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, thực hành tốt nhiệm vụ kép trong thời kỳ dịch bệnh diễn tiến phức tạp tại Tp.Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Kể từ ngày có quyết định thành lập đến nay, trung tâm đã tiếp nhận gần 200 lượt bệnh nhân Covid-19 nặng nguy kịch. Kết quả có 98 bệnh nhân được chuyển tầng và ra viện ổn, trong đó có rất nhiều trường hợp rất nặng cần phải can thiệp ECMO dài ngày. Đặc biệt, trung tâm đã điều trị thành công nhiều trường hợp thai phụ mắc Covid-19 rất nặng tạo được sự tin tưởng nơi các bệnh viện tuyến tỉnh trong khu vực.
Thành công nổi bật nhất của bệnh viện là đơn vị vẫn duy trì tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân không Covid-19 trên địa bàn Tp.Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực một cách an toàn.
Song song đó, bệnh viện cũng đã hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp Covid-19 nặng của Thành phố này và các tỉnh trong khu vực, góp phần hạn chế tử vong ở các bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện cũng được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Bs.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bằng quyết tâm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục phát huy thực hiện tốt mục tiêu kép: “Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch; đồng thời sàng lọc, phân luồng các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm, đảm bảo công tác chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ cấp cứu, phẫu thuật, can thiệp và điều trị tốt nhất cho người dân khu vực ĐBSCL”.
Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ có quy mô 200 giường. Đây là một trong 12 Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 được Bộ Y tế thành lập trên cả nước thực hiện tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Hiện, trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân, hầu hết các bệnh nhân này đều được can thiệp các kỹ thuật chuyên sâu: ECMO, thở máy thông số cao, lọc máu liên tục… với chi phí điều trị cho mỗi trường hợp hàng tỷ đồng và đã cứu sống khoảng 100 bệnh nhân có tình trạng diễn tiến nặng, nguy kịch.
Thanh Lâm