Xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình từ bao đời nay được gần xa biết đến bởi tiếng hát chèo làng Khuốc. Nhưng ngôi làng này giờ đây hắt hiu, thưa vắng những giọng hát ngọt ngào thấm đẫm nghĩa tình. Dường như chẳng còn mấy ai mặn mà với chèo. Những vị cao niên trong làng chỉ còn biết thở dài lo lắng khi nghĩ về con đường phía trước của giai điệu quê hương.
Ông Bùi Văn Ro, chủ tịch CLB chèo
Cái nôi của nghệ thuật hát chèo?
Không ai đoán được chèo làng Khuốc có tự khi nào. Người ta thường nói Thái Bình và người dân làng Khuốc thường "tự nhận" nơi đây là cái nôi của nghệ thuật hát chèo Việt Nam. Nhân dân trong làng vẫn truyền nhau câu hát: “Bao giờ Thái Bình hết lúa, làng Khuốc mới thôi hát chèo”.
Ông Hà Quang Ngạn được coi là "cây đại thụ" lưu giữ nhiều miếng chèo cổ nhất trong làng. Ông Ngạn theo học chèo từ năm 11 tuổi, đến nay khi đã bước sang tuổi thất thập, hằng ngày ông vẫn lặn lội đến từng thôn, dạy cho các em nhỏ và nam nữ thanh niên học hát chèo. Ông cũng là một trong bốn nghệ nhân hiếm hoi của làng Khuốc múa được điệu Múa trái và Tắm tiên. Có thời gian, hai nghệ sỹ Xuân Hinh và Tự Long cũng đã tìm về tận đây để tìm hiểu về hai miếng chèo cổ này.
"Tôi không rõ chèo ở làng này có tự bao giờ, chỉ biết rằng hiện nay làng Khuốc có gần 4.000 nhân khẩu, nhưng có đến 13 câu lạc bộ chèo với hơn 150 nam nữ diễn viên thường xuyên đi biểu diễn ở các tỉnh lân cận. Trẻ con mới học lớp một đã có thể múa và hát chèo. Có gia đình có đến bốn thế hệ theo nghiệp chèo như gia đình nghệ nhân Hà Quang Tiết”.
Ông Ngạn cũng tiết lộ: “Ngoài những cái hay cái đẹp vốn có, làng Khuốc vẫn còn nhiều làn điệu chèo cổ chưa được phổ biến toàn quốc. Những làn điệu này, làng Khuốc sẽ giữ lại cho riêng mình”. Nói rồi ông nhấp ngụm rượu và khua tay diễn điệu Múa trái trong vở Từ thức cho chúng tôi xem.
Sau những giây phút hứng khởi, giọng ông Ngạn bỗng chùng hẳn xuống: "Múa hay bây giờ cũng chẳng mấy ai xem. Tôi yêu cái nghiệp này lắm, nhưng chỉ sợ một ngày không xa chèo Khuốc sẽ chẳng còn ai nối nghiệp". Dường như, tiếng thở dài của lão nghệ nhân cũng là những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai của chèo Khuốc giữa thời hiện đại này.
Một buổi tập chèo
Hát chèo không bằng... phụ hồ
Chia tay ông Ngạn, chúng tôi tìm nhà nghệ nhân Bùi Văn Ro, chủ nhiệm câu lạc bộ chèo làng Khuốc. Ông Ro theo nghiệp chèo đã được 50 năm và cũng là một nghệ nhân có tiếng trong làng. Đảm nhiệm vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ chèo làng Khuốc, ông luôn trăn trở khi số thành viên câu lạc bộ chỉ còn có 8 người tham gia sinh hoạt. Ông cho biết, ngày mới thành lập, câu lạc bộ có tới 58 thành viên, nhưng mỗi năm lại có một vài người bỏ hội để tìm kế mưu sinh. Cuộc sống hiện đại khiến đất chèo nảy sinh một nghịch lý: Hát chèo không bằng... phụ hồ.
“Anh tính, mỗi lần đi biểu diễn ở địa phương, nhiều nhất cũng chỉ được một triệu. Số tiền ấy chia đều cho 15 - 20 người trong đoàn thì mỗi người được bao nhiêu? Phải đi biểu diễn bao nhiêu lần mới bằng một ngày công của phu hồ! Chính vì lẽ ấy, ngay cả những gia đình nghệ nhân như ông Ro, ông Ngạn... thì thế hệ con cháu cũng không ai theo nghiệp chèo nữa. Những người không đi làm ăn xa thì đã nghĩ ra những cách mưu sinh khác. Người thì đi làm thuê cho các đoàn chèo, người chuyển sang nghề tổ chức ca nhạc đám cưới, người lên thành phố Thái Bình xin vào dạy nhạc cho một vài trường học....” – ông Ro chậm rãi nói.
Nói đến đây, ông Ro không khỏi xót xa: "Họ làm như vậy là đúng thôi. Vì ở làng Khuốc bây giờ, không ai sống được bằng chèo cả. Câu lạc bộ chèo Khuốc, mỗi dịp biểu diễn hiếm hoi cũng phải chạy đôn chạy đáo đi mượn áo quần, trống phách”.
Tiễn chúng tôi ra về, lão nghệ nhân vẫn đau đáu nhắn nhủ những lời gan ruột: "Tôi chỉ có một tâm nguyện đến lúc cuối đời là mong sao nhận được nguồn trợ giúp nào đó để có thể dàn dựng được 4 đến 5 vở chèo cổ truyền lại cho con cháu. Các lão nghệ nhân đều đã cao tuổi, nếu bây giờ không kịp dàn dựng thì không ít những miếng chèo độc nhất vô nhị cũng theo đó mà mai một. Tôi đã cố hết sức nhưng lực bất tòng tâm!".
Vũ Viết Tuân (Báo in K29A1,HV BCTT)