Những chiến tích khó tin của một ni cô

Những chiến tích khó tin của một ni cô

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Trước khi dấn thân vào con đường cách mạng, ni cô Diệu Thông từng trăn trở rất nhiều. Nhưng bà thấy rằng, trong cuộc chiến trường kì và gian khổ, nhiều nhà sư yêu nước cũng đã có hành động như mình.

Cuộc chiến sau tiếng chuông chùa

Chùa Bổn Nguyện ngày ấy vừa là nơi thờ Phật, vừa là chốn dung thân của những người Việt Nam trốn đi lính cho Mỹ - Ngụy. Hơn nữa, đây còn là trụ sở chính của tổ biệt động thành dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu - tư lệnh các lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định).

Lúc bấy giờ, may mắn cho ni cô Diệu Thông, trụ trì của ngôi chùa - thầy Viên Hảo cũng là một tu sĩ yêu nước, thương dân, nhiệt tình tham gia cách mạng. Chiến tranh chẳng chừa một ai, nó đã khiến những người tu hành như thầy Viên Hảo, ni cô Diệu Thông không thể an phận nơi cửa Phật.

Xã hội - Những chiến tích khó tin của một ni cô

Biệt động Sài Gòn đã được dựng thành phim.

Nói chuyện với chúng tôi, ni cô Diệu Thông kể lại: “Hàng ngày, hình ảnh những người tu hành đi khất thực ngoài đường, xin cơm từ thiện về chia cho dân nghèo hay những người khốn khổ đã trở nên quen thuộc nên lũ giặc không để ý. Tuy nhiên, bọn chúng không biết rằng, đó là những chiến sĩ biệt động đang thực hiện nhiệm vụ thăm dò, nghiên địa hình tại các trụ sở đóng quân của địch”. Ngày ấy, ni cô Diệu Thông là một giao liên đắc lực, một mắt xích không thể thiếu trong các trận đánh vào mục tiêu của đội biệt động.

Từ đây, bí danh Huyền Trang được gắn cho nhà tu hành cách mạng này. Những con đường, lối phố, tất cả các cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ - Ngụy, Huyền Trang đều nắm trong lòng bàn tay. Các chiến sĩ chỉ việc ôm bộc phá, khối thuốc nổ leo lên xe honda rồi được ni cô đưa tới tận địa điểm đặt nổ.

Đêm đêm trong mái chùa văng vẳng tiếng cầu kinh niệm Phật, dưới bóng đèn vàng vọt của căn buồng nuôi giấu cách mạng, ni cô Huyền Trang cùng các cán bộ cần mẫn đánh máy, in truyền đơn rồi bí mật đem rải ngoài phố. Nhiều hoạt động đã diễn ra tại chùa Bổn Nguyện khiến bọn cảnh sát ngụy quyền bắt đầu theo dõi. Chúng tìm đủ mọi cách phá hoại chùa và dằn mặt những nhà tu hành đang cố tình tiếp tế, che chở Việt Cộng.

Một hôm, từ dưới hiên chùa Bổn Nguyện, ni cô Huyền Trang nhìn thấy cột khói cao bốc lên từ những căn nhà lá. Một đám cháy lớn ngùn ngụt bốc lên và có nguy cơ lan sang chùa. Lúc ấy, người dân hỗn loạn, không ai kịp trở tay. Họ gọi xe chữa cháy tới dập lửa. Xe chữa cháy chạy thẳng vào cổng chùa đưa vòi rồng lên xịt những ngọn lửa như đang muốn nuốt chửng bầu trời. Tuy nhiên, càng phun nước, ngọn lửa không được dập tắt mà càng bốc lên như vũ bão.

Ni cô Huyền Trang giật mình vì bọn chúng không xịt nước mà đang tưới xăng vào đám cháy. Tất cả mọi người đều biết đó không phải là sự vô ý hay nhầm lẫn. Đây là âm mưu thâm độc của anh em Diệm - Nhu. Chúng muốn phá hủy ngôi chùa.

Lúc đó, ni cô Huyền Trang thét lên yêu cầu bọn chúng dừng lại. Những tên này không thèm đoái hoài gì đến lời cầu khẩn của người trong chùa mà chúng ném vào một câu nói tỉnh bơ: "Lệnh của bà Nhu không thể dừng được". Tình thế cấp bách, một số nhà sư nhanh trí dúi vào tay bọn chữa cháy chút tiền, thế là chúng hạ vòi rồng xuống. Tuy nhiên lúc đó, chùa Bổn Nguyện đã trở thành tâm điểm của ngọn lửa. Các tăng ni, phật tử cố gắng lắm cũng chỉ chạy vào thu được một ít đồ đạc mang ra ngoài.

Trong phút chốc, tất cả thành quả, công sức bao nhiêu ngày tháng đổ mồ hôi, sôi nước mắt của ni cô Huyền Trang và toàn thể anh chị em phật tử tan thành tro bụi. Chùa Bổn Nguyện bây giờ là một đống tro tàn. Thật khủng khiếp khi một vùng trời khói lửa từ từ nuốt trọn những mái tranh nghèo trong đó có ngôi chùa Bổn Nguyện. Tiếng khóc than não nề, tiếng nguyền rủa chìm lẫn trong tiếng còi xe cứu hỏa hú inh ỏi và lửa cháy bừng bừng.

Điều người ta lo ngại là rồi đây sẽ lấy gì làm nơi ẩn náu của các chiến sĩ. Ngay sau khi đám cháy dập tắt, ni cô Huyền Trang và sư trụ trì Viên Hảo bắt đầu tìm cách dựng lại mái che ngay trên nền chùa còn lem luốc than bụi. Huyền Trang vẫn xe nhang dẻo dai, cần mẫn bắt đầu chuỗi ngày lao động kiếm tiền phục dựng lại chùa. Mấy năm sau, cũng trên góc đường đó, một ngôi chùa khang trang mọc lên. Chùa mới mang tên gọi "Tam Bảo Tự".

Bên trong chùa, vẫn là những con người ngày xưa. Những bậc chân tu ngoài tụng kinh gõ mõ vẫn không ngừng lao động. Dường như, họ đã vắt cạn kiệt mồ hôi và sức lực để tạc nên một ngôi chùa mọc giữa lòng sình lầy, ao nước. Khi đất nước vẫn dày đặc bóng quân thù, gót giày xâm lăng thì Tam Bảo Tự vẫn đi theo con đường cách mạng.

Xã hội - Những chiến tích khó tin của một ni cô (Hình 2).

Ni cô Huyền Trang đang từng ngày chống trả với đủ các loại bệnh.

Trận đánh xuất quỷ nhập thần

Ni cô Huyền Trang là một mắt xích không thể thiếu cho các trận đánh vào mục tiêu của đội biệt động. Các chiến sĩ chỉ việc ôm bộc phá, khối thuốc nổ leo lên xe honda rồi ni cô đưa tới tận địa điểm đặt nổ. Có lẽ, chưa bao giờ ni cô Diệu Thông do thám không chính xác ở bất cứ trận đánh nào. Từ đây, bí danh Huyền Trang được gắn cho nhà tu hành cách mạng này.

Trên đất Sài Gòn thời gian này, chế độ Mỹ - Ngụy đã sản sinh ra hàng vạn gái điếm và quán bar. Không kể ngày đêm, lực lượng này đi lang thang gạ gẫm hết đám lính này đến đám khác. Tổ chiến đấu của Nguyễn Thị Tám A (chiến sĩ biệt động thành) cũng giả làm các cô gái đi lang thang để tìm mục tiêu. Sau khi đồng chí Tám A và ni cô Huyền Trang đi trinh sát mục tiêu về, tổ biệt động quyết định đánh ngay vào hội trường Thượng viện Sài Gòn.

Công việc chuẩn bị cho trận đánh rất gấp và phải bảo đảm an toàn. Ni cô Huyền Trang lặn lội cả ngày đi mua cho mỗi chiến sĩ trong tổ ba cái áo khác màu. Họ mặc trang phục này để giả dạng gái điếm, gái phục vụ quán bar.

Trời sắp tối, năm chiếc honda do đồng chí Tám A chỉ huy mỗi chiếc cách nhau 20m chạy thẳng về phía hội trường Thượng viện Sài Gòn. Ni cô Huyền Trang dẫn đầu cho đến gần một vườn hoa nhỏ trên đường Tự Do thì đỗ lại để bốn chiếc sau vượt lên. Họ tập trung thành một cụm, cách chỗ ni cô đỗ xe không xa. Bảy cô gái ăn mặc lẳng lơ đứng tám chuyện, nói cười khúc khích. Một tốp cảnh sát đi tuần lướt qua mặt các cô gái. Chúng buông lời trên ghẹo nhưng rồi cũng nhanh chóng lướt đi.

Điện thành phố vừa lúc bật sáng, ni cô Huyền Trang chạy xe qua hội trường Thượng viện. Bà quan sát thấy bọn cảnh sát, an ninh ra vào rất đông. Có lẽ hôm nay diễn ra cuộc họp gì đó rất quan trọng. Chẳng thế mà bên ngoài rất nhiều cảnh sát, mật vụ lảng vảng đảo mắt cú vọ rình rập khắp nơi.

Trở về chỗ ban đầu, ni cô giơ chiếc nón lên cao rồi cho xe rú ga ba lần. Phía bên, mấy cô gái "làng chơi" nhận ra ám hiệu an toàn và đồng chí Tám A liền cho đơn vị triển khai kế hoạch. Bảy cô gái lúc này nhanh như con sóc, mỗi người một hướng tỏa đi xung quanh mục tiêu. Đội hình chia làm ba mũi kẹp sát hội trường Thượng viện.

Hai chiến sĩ đến trước liền ném hai quả pháo làm sập cầu giao. Đèn điện trong khu vực hội trường tắt ngấm. Ngay lúc đó, mũi của chỉ huy Tám A đánh thọc vào cửa chính. Mấy tên lính gác cản đường lĩnh trọn trái bộc phá, nổ tan xác. Ba mũi tiến công cùng lúc tiến vào hội trường. Lựu đạn, pháo liên tiếp nổ. Bọn lính gác hội trường không kịp trở tay, số thì chết, số bị thương hoảng loạn chạy trốn. Một trung đội cảnh sát của Ngụy nhanh chóng tiếp viện.

Chúng cứ nhằm mấy cô gái mặc áo màu sặc sỡ để bắn giết. Nhưng chúng không thể ngờ rằng, hành động xong, các cô đã hóa trang thành một người khác nhanh chóng lẻn ra ngoài, ung dung ngồi lên xe máy chạy vi vu ngoài đường. Tất cả các chiến sĩ đều an toàn trở về, ni cô Huyền Trang mừng không sao tả xiết.

Hoa Nguyên

Kỳ cuối: Chiến công thầm lặng của "đội quân tóc dài"


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.