Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế (bộ Công an) vừa phối hợp với công an, bộ đội biên phòng, Hải quan Đà Nẵng triệt phá đường dây vận chuyển gần 10 tấn ngà voi và vẩy tê tê xuyên quốc gia về Việt Nam tiêu thụ.
Lô hàng này được tàu Lindavia vận chuyển từ Nigeria về cảng Tiên Sa. Tên hàng trên vận đơn là phế liệu. Tuy nhiên, khi lô “phế liệu” này cập cảng thì cơ quan chức năng nhận thấy có nhiều điều khác lạ. Từ đó, cơ quan chức năng có ý định nghi ngờ và tiến hành kiểm tra.
Được biết, số hàng này của công ty TNHH Thiên Trường Sử, có trụ sở ở tỉnh Nghệ An. Đại diện Công an TP.Đà Nẵng cho biết, hành vi của công ty TNHH Thiên Trường Sử có dấu hiệu phạm tội buôn lậu. Cơ quan Công an TP.Đà Nẵng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý đúng theo quy định pháp luật.
Từ vụ việc trên cho thấy, thực trạng buôn bán hàng hóa cấm đang có những diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là thủ đoạn cất giấu, vận chuyển hàng của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Thậm chí, các đối tượng buôn lậu còn có những chiêu thức ‘tàng hình” hàng cấm.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện được nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu ngà voi, sừng tê giác. Tuy nhiên, vận chuyển qua đường hàng không được các đối tượng lựa chọn số một. Nguyên nhân là bởi hầu hết nguồn hàng được vận chuyển xuyên quốc gia nên khi lựa chọn vận chuyển qua đường hàng không sẽ rút ngắn được quãng thời gian hàng hóa “lơ lửng” ở ngoài, hạn chế tối đa rủi ro bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.
Ngoài đường hàng không, một phương thức vận chuyển khác được các đối tượng lựa chọn là đường hàng hải. Tuy nhiên, đường hàng hải chỉ được lựa chọn khi số lượng hàng hóa cực lớn. Thủ đoạn cất giấu hàng của các đối tượng vô cùng tinh vi, hàng cấm thường được hóa trang, độn lẫn cùng các loại hàng hóa khác, nhiều đối tượng còn sử dụng cả hóa chất để có thể làm “mờ” camera của máy soi.
Nhận định về những vụ buôn lậu ngà voi, vẩy tê tê, trên báo CAND, đại diện chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho hay, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán ngà voi vô cùng tinh vi nhằm qua mặt được máy soi của các cơ quan kiểm tra. Nhiều vụ việc được phát hiện, các đối tượng sử dụng chiêu thức nhét ngà voi vào trong các khúc gỗ rỗng rồi đổ thạch cao, trộn mùn cưa để ngụy trang. Trọng lượng hàng sẽ được tính toán làm sao cho vừa khớp với trọng lượng thực của số gỗ đã được khoét ra. Đáng chú ý, để tăng khả năng “tàng hình”, trong hàng trăm khúc gỗ được vận chuyển các đối tượng chỉ nhét vài chục khối gỗ chứa ngà voi. Việc chia nhỏ hàng hóa sẽ giúp cho các đối tượng dễ dàng qua mặt được lực lượng chức năng nếu như cơ quan này không kiểm tra kỹ.
Cao thủ hơn chính là việc sử dụng hóa chất để bọc ngà voi. Khi đưa qua máy soi, số hóa chất này sẽ “hô biến” ngà voi trong màn hình, tạo nên hình ảnh đồng nhất với thạch cao, cao lanh. Để phát hiện những vụ vận chuyển này, ngoài kinh nghiệm, thiết bị máy móc hiện đại thì một điều kiện tiên quyết không thể thiếu đó chính là thông tin trinh sát từ những lô hàng nghi vấn.
Cũng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những sản phẩm ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê đều là hàng hóa có giá trị vô cùng lớn. “Nếu không phải là những đối tượng có “máu mặt” hoặc được tổ chức kín kẽ bằng các đường dây buôn lậu thì hiếm có người nào có thể buôn lậu được mặt hàng này”-đại diện Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh nhận định.
Bởi vậy, theo nhận định một số cán bộ hải quan, để chặn đứng những vụ buôn lậu như trên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành chức năng ngay từ cửa khẩu, các khâu kiểm tra hàng hóa lên tàu, máy bay...
N.G (tổng hợp)