Những chiêu trò kiếm tiền nhờ mùa thi

Những chiêu trò kiếm tiền nhờ mùa thi

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Mặc cho thí sinh trăm bề khó khăn, nhiều người vẫn kiếm bộn tiền vì mở các loại dịch vụ “chặt chém”. Các dịch vụ ăn theo mùa thi đang khiến nhiều thí sinh tỉnh lẻ rơi vào vòng khốn đốn.

Ngày thi tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH - CĐ) đã cận kề, trong khi vô số thí sinh và người nhà, đặc biệt là những thí sinh ở các tỉnh xa đang lao tâm khổ tứ, lo lắng đến mất ăn mất ngủ trong mùa thi đại học, thì đối với rất nhiều người khác, đây lại là dịp thuận lợi nhất trong năm để kiếm tiền, trục lợi.

Xã hội - Những chiêu trò kiếm tiền nhờ mùa thi

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, phụ huynh học sinh tìm kiếm thông tin nhà trọ giá rẻ

Kiếm bộn tiền nhờ mùa thi

Để đến được làng đại học Thủ Đức (TP.HCM), trong vai một thí sinh lên trọ thi ĐH, tôi phải thuê xe ôm từ Suối Tiên đưa vào với giá 30 ngàn đồng. Dọc đường, thấy tôi mang ba lô sau lưng nên chú xe ôm liên tục gặng hỏi và tự trả lời trong niềm vui vì đã tóm được người khách dễ tính: “Con đi thi ĐH hay đưa người thân lên thi? Trong này nhiều phòng trọ lắm, nếu cần chú giới thiệu cho, không lấy tiền “bo” đưa rước đâu. Mỗi năm cứ vào dịp này chú giới thiệu cho cả trăm đứa choai choai như cháu đấy, đứa nào thương thì cho chú đôi ba chục, đứa không thì chú cười chào là xong, nhiều khi gặp đứa khó khăn chú cũng không dám hỏi”.

Có lẽ trong ánh mắt của chú xe ôm kia thì mặt tôi còn non nớt quá chăng. Nhưng dù sao nghe chú ấy nói tôi thấy vui vui vì có vẻ thân mật gì đó toát ra từ những lời nói ấy. Tới làng đại học, tôi rút ví trả tiền xe ôm như thỏa thuận nhưng bất ngờ gã xe ôm xin thêm 15 ngàn đồng tiền chở chiếc ba lô mà tôi đeo sau lưng. Choáng quá nên tôi phân bua với gã: “Sao kỳ vậy chú? 30 ngàn, mình thỏa thuận rồi mà”. “Biết là vậy nhưng con nghĩ xem, mới sáng ra mà đã nắng thế này rồi tôi cũng phải uống nước chứ, còn con mới lần đầu xuống đây được tôi đưa rước tới tận nơi thế này còn gì bằng, hơn nữa cái ba lô của con cũng to mà. Thôi, con cho xin thêm một chút, đỡ đần lúc nắng nôi vắng khách. Cả năm mới đi thi có một lần chứ mấy”, gã xe ôm đôi co với tôi.

Tôi lân la tìm đến một quán nước ven đường hỏi thăm cô chủ quán về những chuyện liên quan đến mùa thi. Cô chủ thấy tôi vừa bị bọn trẻ vượt mặt nên không mấy đắn đo kể cho tôi bạt ngàn những chuyện “chém giá” từ trên trời xuống đất. “Chú cứ ở đây vài hôm là biết liền à. Sắt tới, giá cả sẽ leo thang vì các em học sinh tới làng đại học này ở trọ và thi nhiều lắm, nhưng cũng chỉ được 3, 4 ngày thôi. Đứa nào may mắn thì gặp người tốt, giá sẽ rẻ hơn, ai xui thì phải chịu “đòn đắt” của mấy mụ khéo miệng”, cô chủ quán cười.

Hỏi bạn Phạm Tấn Phú - thí sinh sắp tới thi tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (cơ sở Thủ Đức) tôi mới rõ chữ “kiếm” mà cô Hồng vừa nói tới là gì. Phú tâm sự: “Mấy ngày trước, em một mình khăn gói từ Gia Lai xuống đây thi nên cũng bộn bề chuyện dở khóc dở cười. Đi xe ôm một đoạn từ Suối Tiên (vì đường xá không thuộc) vào khu làng đại học để tìm địa điểm thi mà chú ấy (người xe ôm) lấy em 70 ngàn đồng. Bây giờ em mới biết từ Suối Tiên đi vào trường em chưa tới 2 cây số”. Lặn lội tang bồng với vali sách và ba lô quần áo nặng trịch, Phú lê từng bước đi hỏi kiếm nhà trọ để thuê mà mất cả ngày trời. Nghe một cô giới thiệu, Phú vào thuê một phòng tại khu nhà trọ ngay địa điểm thi với giá 300 ngàn đồng trong 3 ngày, điện nước để tắm giặt thêm 50 ngàn đồng nữa, Do quá mệt mỏi nên dù đắt Phú cũng phải ngậm bồ hòn chịu đựng.

“Bây giờ em mới vỡ lẽ ra, lúc đó bắt buộc giá cả mọi thứ đều tăng vì nhu cầu quá lớn, âu cũng vì miếng cơm manh áo của họ cả thôi. May bữa đó em không bị bà chủ dồn ép thí sinh, mấy phòng bên cạnh phải chứa ít nhất cũng 3 người”, Phú chia sẻ. Nghe Phú nói, tôi cũng thấy phải, nếu như có nguyên dãy phòng trọ 10 căn thì vị chi người chủ trọ đó đã kiếm được hơn 10 triệu đồng trong khoảng 3 ngày rồi, chưa kể “nếu có khả năng” sẽ nhồi nhét thêm như Phú nói vừa rồi. Khi đứng dậy trả tiền nước, tôi ngỡ ngàng với mức giá cô Hồng đưa ra: “Hai chai nước, một điếu thuốc, 25 ngàn đồng…!”.

Tôi chào chị Hồng, đi sâu vào làng đại học tìm người dò hỏi tìm phòng để thuê. Không mấy khó khăn để tôi bắt gặp những người đồng cảm như mình. Cô Nguyễn Thị Chiến từ Sóc Trăng lặn lội đưa con lên TP.HCM thi vào Đại học Khoa học tự nhiên cho biết: “Hai mẹ con phải ở trong căn phòng chưa đầy 25m2 cùng 4 người khác, với giá 60.000 đồng/ngày/người. Như vậy, một phòng trong ba ngày, chủ nhà đã thu bằng cả tháng cho một sinh viên trọ dài ngày. Cứ nghe một số người môi giới giới thiệu là phòng “đầy đủ tiện nghi” nhưng thực chất chỉ có điện, nước mà thôi. Tất cả mọi người phải trải chiếu nằm dưới nền gạch hết.

Bạn Phương đang học khoa Địa lý - Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) thổ lộ: “Năm nào tình trạng này chả diễn ra. Mình ở đây được hơn 3 năm rồi nhưng năm nào cứ tới gần ngày thi ĐH là bà chủ sang hỏi “mượn phòng” với lí do hỏi thăm là: “Hè rồi sao cháu chưa về?”. Mình cũng biết cô có ý muốn mượn phòng để cho các em thuê trong mấy ngày thi nên chỉ cười và cũng về quê chơi mấy ngày chờ qua ngày thi mới lên lại. Năm nay, mình ở lại đi làm thêm nên chắc vài bữa nữa cũng dọn qua nhà bạn ở mấy ngày để bà chủ “làm ăn”, phải giữ tình cảm không sang năm bà tăng giá lên cao thì khó khăn lắm”, Phương cười.

Xã hội - Những chiêu trò kiếm tiền nhờ mùa thi (Hình 2).

Độc chiêu “hút” thí sinh

Cũng vào thời điểm này, theo khảo sát thực tế của chúng tôi, các trường ĐH - CĐ, các công ty kinh doanh dịch vụ phát tờ rơi đang ráo riết chuẩn bị các chiêu thức nhằm lôi kéo thí sinh đăng ký học ở trường mình. Tặng quà cho thí sinh đăng ký nhập học, giảm giá học phí, tặng tiền cho người môi giới... là những chiêu lôi kéo thí sinh của nhiều trường ĐH - CĐ đang gây bức xúc trong dư luận. Ở một số trường ĐH ngoài công lập khác, để "hút" thí sinh, nhiều trường đã đưa ra các chế độ ưu đãi cho người xét tuyển vào trường như: “Hỗ trợ chi phí xe cộ đi lại đối với thí sinh ở xa, bố trí chỗ ở thuận tiện, cho vay vốn ưu đãi không lãi suất...

Một số trường ĐH - CĐ đã về tận các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các phòng GD&ĐT… của các tỉnh để liên kết, khuyến khích học sinh đăng ký vào trường mình. Một số trường dù thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký nhưng vẩn gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh. Chi tiền tỷ tặng học viên mới, thưởng tiền cho thí sinh điểm cao và các cơ sở giáo dục giới thiệu thí sinh vào trường... là cách nhiều trường đại học đang sử dụng để chiêu sinh.

Mặc dù kỳ thi ĐH - CĐ năm nay chưa diễn ra nhưng tại các trung tâm luyện thi đã bắt đầu thấy đội ngũ những người phát tờ rơi chờ sẵn, chỉ cần học sinh tan học là dúi vào tay các tờ giới thiệu những trường không tổ chức thi tuyển. Đặc biệt là các trường tư thục, CĐ mới thành lập như một cách “trù ẻo” các học sinh thi rớt ĐH.

Bạn Trần Thanh An, nhân viên phát tờ rơi của một cơ sở đào tạo tại một trung tâm luyện thi cho biết: “Khi nhận tờ rơi này, mình cũng thắc mắc nhưng được một người trong trường giải thích là mình phải “đi trước đón đầu”, lỡ khi thí sinh thi không đậu sẽ lựa chọn trường của mình mà vô học”. An còn cho biết, công việc phát tờ rơi của cơ sở giáo dục này sẽ kéo dài đến hết ngày 12/07 với số lượng hàng triệu tờ.

Trong thời buổi hiện nay, các cơ sở giáo dục mọc lên “như nấm sau mưa”, việc mở một cơ sở đào tạo giáo dục không có gì là quá khó khăn. Bất cứ đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đáp ứng được các yêu cầu về vốn đầu tư, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có mục tiêu, chương trình, kế hoạch và quy mô đào tạo phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo tương ứng đều có thể lập hồ sơ xin cấp phép thành lập trường. Chính vì vậy, việc kiểm tra chất lượng đào tạo là vấn đề hất sức khó khăn và phức tạp.

Với hầu hết các thí sinh và phụ huynh, kỳ thi ĐH-CĐ rất quan trọng, thậm chí nhiều phụ huynh, học sinh coi việc thi đỗ vào một trường nào đó là bắt buộc, là lựa chọn duy nhất cho tương lai. Thực tế, nếu không đủ điểm theo học các trường mình đăng kí, các thí sinh có thể chọn cho mình nguyện vọng 2 tại một trường khác, hoặc đăng ký ở các trường tư. Tuy nhiên, cần hết sức chú ý và cảnh giác trước những lời mời chào giới thiệu, cần kiểm tra độ xác thực của thông tin trước khi đăng kí nhập học tại bất kì một cơ sở giáo dục đào tạo nào để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.

Có rất nhiều cách để kiểm tra tính chính xác của thông tin quảng cáo, như sử dụng internet để tra cứu hay đến trực tiếp cơ sở đào tạo để tìm hiểu. Chỉ nên nộp hồ sơ đăng kí theo học khi chắc chắn rằng đó là cơ sở đào tạo có chất lượng như được giới thiệu.

Đăng Văn - Công Thư


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.