Những chiêu trò “tinh quái” kiểu mua hàng tập thể

Những chiêu trò “tinh quái” kiểu mua hàng tập thể

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

PV Người đưa tin nhận được rất nhiều phản ánh bức xúc của chị em khi dính “quả lừa” qua voucher. Chiêu trò phổ biến mà các doanh nghiệp kinh doanh sử dụng là nâng giá cao ngất ngưởng rồi tung chiêu giảm giá nhằm lôi kéo khách hàng ham rẻ.

Chiêu lừa tinh quái

Lượn một vòng qua các trang khuyến mại nổi tiếng như: Nhóm Mua, Mua Chung, Mua Rẻ, Hot Deal, khách hàng sẽ không khỏi hoa mắt bởi sự nở rộ của các phiếu mua hàng giảm giá. Các voucher này phong phú từ dịch vụ ăn uống, mua sắm đến các sản phẩm thông dụng.

Xã hội - Những chiêu trò “tinh quái” kiểu mua hàng tập thể

Nhiều voucher giảm giá được tung ra câu khách

Voucher là phiếu chứng nhận giảm giá thường được thanh toán trước và có thể làm quà tặng. Không phủ nhận hiệu quả kinh tế mà các doanh nghiệp kinh doanh mang lại nhằm thu hút khách hàng, tuy nhiên, một số biến tướng núp bóng voucher khiến nhiều khách hàng ăn quả đắng rồi chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Khi khách hàng bất bình, phản ánh tới phía nhà kinh doanh thì phía cung cấp voucher luôn khẳng định mình đúng. Thậm chí, nhà khuyến mại voucher còn đưa ra những bằng chứng “tinh quái” ngay trên phiếu voucher mà khách hàng chỉ còn biết ngán ngẩm, lắc đầu.

“Hỏa mù” mà các trang khuyến mại tung ra hút khách hàng là các chiêu khuyến mại có tính chất giật gân, cùng đòn tâm lý kích thích khách hàng như: “số lượng có hạn”, “nhanh tay kẻo hết”, “không mua thì phí đời”, “cơ hội duy nhất trong năm”.

Vốn có thói quen cả gia đình đi ăn nhà hàng những ngày cuối tuần để “đổi gió”, chị Dương Thị Thu Trang (Kim Mã, Hà Nội) nhanh chóng bị hút bởi voucher giảm giá tại nhà hàng Âu Lạc (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Voucher này được giới thiệu trên trang nhommua.com với giá buffet khá mềm là 320.000 đồng/suất. Giá này rẻ hơn 1/2 so với thực tế. Tuy nhiên, là người cẩn thận, chị Trang đã vào rà soát kỹ menu của nhà hàng thì phát hiện sự biến mất bí ẩn của món thịt cừu vốn đắt tiền. “Hóa ra tiền nào của nấy, giá giảm đồng nghĩa với việc cắt giảm món ăn “nặng đô”. Bỏ đi thịt cừu thì suất buffet có giá 320.000 đồng này lại thành “cắt cổ” thực khách”, chị Trang bức xúc.

Cũng tại trang mua bán nổi tiếng này, có lần, chị Trang đặt mua cái kéo cắt gà sau khi được giảm giá 50% còn 90.000 đồng/cái. Cuối tuần, cả nhà đi Big C thấy bày bán cái kéo y chang với giá 49.000 đồng/cái.

Với các mẹ có con nhỏ thì mặt hàng quần áo, giầy dép đặc biệt thu hút. Tuy nhiên, không ít mẹ vì ham giá rẻ mà ăn quả đắng. Chị Trịnh Thu Hoài (P. Ngọc Khánh, Q. Ba Đình, HN) là trường hợp như thế. Nghe bạn bè mách trên trang web nhommua.com có voucher trị giá 200.000 đồng áp dụng cho mặt hàng quần áo cho trẻ con, sau khi giảm 50% thì chỉ còn với giá 39.000 đồng/ cái. Hoa mắt bởi mức giá khá mềm, chị Thu Hoài mua liền một lúc 5 voucher.

Tôi hôm đó, hai vợ chồng đưa con gái đi mua hàng tại phố Tây Sơn mới phát hiện ra hàng chỉ áp dụng cho áo sơ mi và váy kiểu dáng rất xấu, cũ kỹ như hàng tồn từ những năm trước. Còn những bộ độ trẻ con mình thấy vừa mắt đều có giá ngất ngưởng trên 300.000/chiếc chứ không phải 39.000 đồng/cái như voucher khuyến mãi.

Định bụng coi như mất không voucher đó ra về nhưng tiếc của, Hoài lại hỏi cố thêm xem giá 39.000 đồng đó còn áp dụng với những mặt hàng nào nữa không. Người bán hàng chỉ ra chỗ treo lèo tèo vài cái áo hai dây đề giá gốc là 120.000 đồng/chiếc. “Với mấy cái áo hai dây này mức giá 39.000 đồng còn là quá đắt chứ chưa nói đến giá mà chủ hàng gọi là giá gốc”, Thu Hoài ngao ngán. Tuy nhiên, trót mua voucher rồi nên Hoài đành bấm bụng nhặt đại 5 chiếc về cho mấy đứa cháu vì cũng chỉ còn toàn size nhỏ, không vừa với con mình.

Theo phản ánh của người dùng voucher, khi sử dụng chiêu khuyến mại này, nhiều khách hàng có cảm giác như mình bị phân biệt đối xử. Chị Ngô Thu Mây (Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, HN) gặp phải trường hợp ức nghẹn cổ bởi xài voucher vào đúng ngày hết hạn. “Tôi mua voucher giảm giá tại một nhà hàng. Trước khi voucher hết hạn 1 ngày, chúng tôi đến quán, nhân viên bảo phải điện thoại đặt chỗ trước mới được ăn và sử dụng voucher, mặc dù lúc đó nhà hàng khách vắng teo, không một mống nào. Bảo vệ nhà hàng còn ra mặt ngăn cản chúng tôi vào khu vực ăn của khách. Bực quá, chúng tôi trở ra, 30 phút sau thì gọi điện đặt chỗ. Oái ăm thay, phía nhà hàng không ai thèm nhấc máy. Chắc chắn họ biết là ngày cuối xài voucher nên không thèm tiếp khách nữa”, chị Thu Mây ấm ức.

Bi hài quà tặng voucher

Hiện nay, xu hướng dùng voucher làm quà tặng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không ít người vấp phải tình thế khó xử, bị rơi vào thảm cảnh như người đi ăn xin bởi lối ứng xử của những nơi phát hành ra voucher.

Vốn là một tay săn voucher chuyên nghiệp, chị Minh Thu (Láng Hạ, Đống Đa, HN) quyết để dành hai thẻ voucher VIP trị giá 800.000 đồng/thẻ áp dụng cho khách có nhu cầu nghỉ dưỡng tại khu resort T.Đ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km. Nhận món quà đầy ý nghĩa, chiều cuối tuần, vợ chồng sếp chị Thu vui vẻ dắt tay nhau đi hưởng không gian riêng tư tại khu resort này. Thật bất ngờ, khi đến nơi, cô nhân viên lễ tân trả lời tỉnh bơ: “Voucher thì hết phòng rồi ạ. Mong anh chị thông cảm!” và giải thích rằng: “Voucher bên em dù không ghi giới hạn vào cuối tuần nhưng nhiều nhất cũng chỉ có 5 phòng áp dụng cho phiếu này thôi nhưng rất tiếc là người khác lấy hết rồi nên anh chị thông cảm”.

Vốn là ngườì nóng tính nên ngay tại đó, sếp đã rút điện thoại gọi và mắng chị Thu té tát. Sáng thứ 2 đầu tuần đi làm chị Thu đã chủ động vào phòng sếp nhận lỗi nhưng cũng may sếp đã hạ hỏa, nửa đùa nửa thật nói: “May là tôi đi cùng vợ chứ đi cùng bồ nhí chắc chả còn lỗ nẻ nào mà chui xuống”.

Những tưởng chỉ những người đi tặng quà mới bị mắng oan nhưng những người trưc tiếp sử dụng món quà này cũng lắm phen muối mặt. Nhân ngày sinh nhật, chị Thu Hà (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, HN) nhận được quà tặng là một số voucher. Chị Hà liền sử dụng một trong những voucher được tặng này để mời hai người bạn nữa đi ăn tại nhà hàng Q. (Lý Nam Đế, HN).

Do bị hỏng xe giữa đường nên chị Hà đến muộn hơn hai người bạn của mình. Thay vì đượ̣c làm “thượng đế”, một người bạn đến đầu tiên bị nhân viên đòi kiểm tra voucher ngay từ khi mới yên vị. Cô ấy giải thích mình không phải người giữ phiếu mà chỉ ngồi đợi người đến. Cô bạn thứ hai cũng cùng “chung số phận” bị “hành” phiếu ngay khi vừa đặt chân đến. Bạn chị Hà lại bối rối giải thích: “Bạn chị giữ voucher và đang đến nhưng nếu không đến chị sẽ trả tiền cho em”. Kịch bản như cũ lại diễn ra ngay lập tức khi chị Hà vừa ngồi xuống ghế. Khi nghe các bạn tường thuật lại, chị Hà đã vô cùng xấu hổ. Khi góp ý, nhân viên nhà hàng này tỉnh bơ giải thích: “Chị thông cảm, đây là quy định của nhà hàng”.

Tú Linh - Yến Dương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.