Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 10/2021

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 10/2021

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 5, 30/09/2021 06:30

Người Đưa Tin xin điểm qua những chính sách pháp luật mới nổi bật được áp dụng từ tháng 10/2021 có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Thêm 3 trường hợp xe ô tô bị cảnh báo đăng kiểm

Từ 1/10, các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được thực hiện theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

Thông tư mới này có nhiều nội dung mới liên quan đến việc đăng kiểm ô tô, như đi đăng kiểm không còn phải xuất trình bảo hiểm xe như quy định cũ, mà chỉ cần xuất trình giấy tờ về đăng ký xe hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe. Đồng thời, cần nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đối với trường hợp xe cải tạo.

Bên cạnh trường hợp cảnh báo với xe vi phạm hành chính đã trễ hạn giải quyết tại Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 16/2021/TT-BGTVT bổ sung thêm 3 trường hợp xe ô tô bị cảnh báo đăng kiểm.

Trường hợp thứ nhất, xe có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng.

Đối với trường hợp này, đơn vị đăng kiểm in và gửi thông báo hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng theo mẫu cho chủ xe để sửa chữa.

Trường hợp kiểm định không đạt và không được cấp giấy chứng nhận kiểm định thì sẽ bị cảnh báo phương tiện không đạt trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trường hợp thứ hai, xe cơ giới thanh lý không có thông tin trong cơ sở dữ liệu sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, kiểm định đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, sau đó đơn vị xác minh hồ sơ phương tiện không phù hợp với xe thực tế.

Trường hợp thứ ba, xe của các tổ chức được phép tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thì sau khi lập Hồ sơ phương tiện, các đơn vị đăng kiểm gửi thông tin phương tiện về Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.

Thêm đối tượng được miễn phí sử dụng đường bộ

Mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ từ ngày 1/10 sẽ được thực hiện theo Thông tư 70/2021/TT-BTC.

Theo đó, ngoài các trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ như quy định hiện hành gồm xe cứu thương, xe chữa cháy, xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe, xe ô tô chuyên chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn…

Điểm e khoản 5 Điều 3 Thông tư 70/2021 đã bổ sung thêm xe ô tô đặc chủng gồm xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe ô tô đặc chủng khác của Bộ Công an là đối tượng mới được miễn phí sử dụng đường bộ.

Một điểm mới được quy định tại Thông tư số 70/2021 của Bộ Tài chính, theo đó, đơn vị thu phí được trích để lại 1,32% số tiền phí đường bộ thực thu (hiện nay là 1,2%) để trang trải cho hoạt động thu phí.

Đơn vị đăng kiểm sẽ phải chuyển lại 3% của số tiền được để lại (1,32%) cho Cục Đăng kiểm Việt Nam để phục vụ công tác quản lý thu, nộp phí đường bộ của hệ thống đăng kiểm trên toàn quốc.

Chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp

Thông tư 109/2021/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 10/10 sửa đổi, bổ sung của Thông tư 113/2016/TT-BQP ngày 23/8/2016 quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

Theo đó, Thông tư 109/2021/TT-BQP bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 113/2016/TT-BQP về nghỉ phép hằng năm như sau: quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên cũng được nghỉ thêm 10 ngày khi nghỉ phép hằng năm.

Ngoài ra, về nghỉ chuẩn bị nghỉ hưu, Thông tư 109/2021/TT-BQP cũng bổ sung thêm trường hợp quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng khi có nguyện vọng không nghỉ chuẩn bị nghỉ hưu (hưởng lương ngay) hoặc nghỉ không đủ thời gian quy định thì khi nghỉ hưu được hưởng khoản tiền chênh lệch.

Theo đó, khoản tiền này là khoản chênh lệch giữa tiền lương của tháng cuối cùng trước khi hưởng lương hưu với tiền lương hưu tháng đầu tiên đối với số tháng không nghỉ chuẩn bị hưu.

Quy định mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 15/10.

Trong đó, Nghị định 80/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định mới về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo, Điều 22 Nghị định 80/2021/NĐ-CP bổ sung thêm một số mức hỗ trợ tối đa đối với các khoản hỗ trợ mà trước đây chưa được quy định.

Có thể kể đến như hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về: Xây dựng bản mô tả sáng chế, bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bản thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;

Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;…

Bên cạnh đó, bổ sung một số nội dung hỗ trợ mới về tư vấn sở hữu trí tuệ; đào tạo, huấn luyện chuyên sâu,…

Hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thông tư 64/2021/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.

Theo đó, nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm theo phân cấp; nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thông tư cũng quy định rõ về nội dung và mức chi chung phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, các nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi gồm: Kinh phí tổ chức các hội nghị chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại…

Mẫu giấy xác nhận để mua nhà ở xã hội mới

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ 1/10.

Theo đó, tại Điều 12 Thông tư này, Bộ Xây dựng đã ban hành mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với hộ gia đình, cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Thông tư 09/2021/TT-BXD cũng bỏ yêu cầu người mua lại nhà ở xã hội phải được Sở Xây dựng địa phương xác nhận vào đơn đăng ký mua nhà về việc người này chưa hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Ngoài ra, so với quy định cũ, Thông tư 09/2021/TT-BXD đã quy định cụ thể, rõ ràng các đối tượng sử dụng mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở: Áp dụng với các đối tượng là người có công với cách mạng, người lao động trong doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ…

Chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình

Đây là nội dung tại Thông tư 10/2021/TT-BXD (có hiệu lực kể từ ngày 15/10) hướng dẫn Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và Nghị định 44/2016/NĐ-CP về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Theo đó, chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (VSLĐ) trong thi công xây dựng công trình bao gồm: Chi phí lập và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; Chi phí huấn luyện an toàn, VSLĐ; chi phí thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị; chi phí thông tin, tuyên truyền về an toàn, VSLĐ; Chi phí trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; Chi phí cho công tác phòng, chống cháy, nổ; Chi phí phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; chi phí tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn lao động.

Chi phí đảm bảo an toàn, VSLĐ trong thi công xây dựng công trình quy định nêu trên là một nội dung của chi phí gián tiếp trong chi phí xây dựng của dự toán xây dựng công trình, được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Hướng dẫn xác định dự toán gói thầu thi công xây dựng

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 11/2021/TT-BXD hướng dẫn nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực từ 15/10.

Theo đó, dự toán gói thầu thi công xây dựng (các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP) bao gồm các chi phí sau:

Chi phí xây dựng trọng dự toán gói thầu thi công xây dựng xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 11/2021/TT-BXD .

Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu, dự toán gói thầu thi công xây dựng được bổ sung một hoặc một số chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu như: Chi phí di chuyển máy, thiết bị thi công đặc chủng đến và ra khỏi công trường; Chi phí đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công; Chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công xây dựng; Chi phí kho bãi chứa vật liệu…

Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

Hướng dẫn áp dụng định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

Theo quy định tại Thông tư 12/2021/TT-BXD, việc áp dụng định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng từ 15/10 hướng dẫn như sau:

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (gọi tắt là chi phí tư vấn) xác định trên cơ sở định mức tỉ lệ phần trăm (%) tương ứng với quy mô chi phí xây dựng, quy mô chi phí thiết bị hoặc quy mô chi phí xây dựng và chi phí thiết bị.

Chi phí tư vấn xác định theo loại công trình; cấp công trình theo quy định hiện hành. Chi phí tư vấn của công trình quốc phòng, an ninh xác định theo định mức chi phí tư vấn của các loại công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn tương ứng. Chi phí tư vấn của công trình hàng không (trừ khu bay) xác định theo định mức chi phí của loại công trình dân dụng.

Chi phí tư vấn xác định theo định mức ban hành tại Thông tư 12 chưa bao gồm chi phí để lập hồ sơ bằng tiếng nước ngoài. Chi phí lập hồ sơ bằng tiếng nước ngoài được bổ sung vào chi phí tư vấn và xác định bằng lập dự toán nhưng tối đa không quá 15% chi phí tư vấn xác định theo định mức ban hành tại Thông tư 12.

Trường hợp phải lập thêm hồ sơ tư vấn theo thông lệ quốc tế; lập các báo cáo riêng theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với các dự án vay vốn nước ngoài thì chi phí cho các công việc trên xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung yêu cầu của từng công việc.

Trường hợp áp dụng đồng thời các hệ số điều chỉnh định mức chi phí tư vấn thì nhân các hệ số điều chỉnh với định mức chi phí tư vấn.

Trường hợp thuê cá nhân, tổ chức tư vấn thực hiện một số công việc tư vấn theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng thì chi phí thuê cá nhân, tổ chức tư vấn xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung, phạm vi công việc tư vấn cần thực hiện.

Xác định chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật với công trình

Thông tư 13/2021/TT-BXD (có hiệu lực từ 15/10), ban hành 6 phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình bao gồm:

-. Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng (Phụ lục I).

- Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng (Phụ lục II).

- Phương pháp xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát, cập nhật hệ thống định mức (Phụ lục III).

- Phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng (Phụ lục IV).

- Phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng (Phụ lục V).

- Phương pháp đo bóc khối lượng công trình (Phụ lục VI).

Ban hành danh mục máy móc, thiết bị... trong nước đã sản xuất được

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT (có hiệu lực kể từ ngày 2/10) về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

Theo đó, Thông tư quy định về các hàng hóa trong nước đã sản xuất được, áp dụng trong phạm vi cả nước đối với người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Thuế giá trị gia tăng; cơ quan hải quan, công chức hải quan; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu; cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Thuế giá trị gia tăng.

Các danh mục hàng hóa quy định tại Thông tư là căn cứ xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế và không bao gồm hết các hàng hóa khác trong nước đã sản xuất được lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế nhưng chưa được quy định tại thông tư.

Tổ chức tín dụng chỉ được mua tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.

Đó là nguyên tắc mua, bán giấy tờ có giá trong Thông tư số 12/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/10/2021.

Tuệ Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.