Tháng cuối sử dụng sổ hộ khẩu giấy để xác nhận về cư trú
Sổ hộ khẩu là cuốn sổ được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân sau khi đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của người đó. Sổ hộ khẩu được sử dụng rất phổ biến trong các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự như giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục đăng kí kết hôn, khai sinh,...
Tuy nhiên, cuốn sổ này chỉ có giá trị sử dụng đến hết năm 2022 bởi khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021) đã nêu rõ: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Như vậy, tháng 12/2022 sẽ là những ngày cuối cùng người dân được sử dụng sổ hộ khẩu. Từ ngày 01/01/2023 cuốn sổ này sẽ chính thức bị khai tử, người dân có thể bỏ Sổ hộ khẩu hoặc lưu giữ như một vật kỷ niệm.
Tháng cuối thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu
Được thông qua ngày 06/7/2022, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 đã đưa mức thuế bảo vệ môi trường, giá đối với xăng, dầu chạm “đáy” với mức thuế sau:
TT |
Hàng hóa |
Đơn vị tính |
Mức thuế (đồng/đơn vị hàng hóa) |
1 |
Xăng, trừ etanol |
lít |
1.000 |
2 |
Nhiên liệu bay |
lít |
1.000 |
3 |
Dau diesel |
lít |
500 |
4 |
Dầu hỏa |
lít |
300 |
5 |
Dầu mazut |
lít |
300 |
6 |
Dầu nhờn |
lít |
300 |
7 |
Mỡ nhờn |
kg |
300 |
Tuy nhiên, mức thuế này chỉ được áp dụng cho đến hết ngày 31/12/2022.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị có ý kiến dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn áp dụng cho năm 2023.
Theo đó, để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và mỡ nhờn phù hợp với tình hình thực tế, góp phần ổn định giá bán mặt hàng này trong nước, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính kiến nghị 4 mức thuế áp dụng trong năm 2023 theo diễn biến giá dầu thô mà không cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết.
Cụ thể, với kịch bản 1, trường hợp giá dầu thô thế giới từ 70 USD/thùng trở xuống, thuế bảo vệ môi trường áp mức trần 4.000 đồng/lít xăng, 3.000 đồng/lít nhiên liệu bay, 2.000 đồng/lít dầu diesel…
Thực hiện theo kịch bản này, Bộ Tài chính cho biết sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Với kịch bản 2, khi giá dầu thô thế giới trên 70 USD/thùng đến dưới 80 USD/thùng thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn giảm 25% so với mức trần của khung thuế.
Cụ thể, thuế đối với xăng là 3.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 2.250 đồng/lít, dầu diesel 1.500 đồng/lít…
Với kịch bản này, theo Bộ Tài chính sẽ tác động làm giảm số thu ngân sách Nhà nước khoảng 1.411 tỷ đồng/tháng.
Kịch bản 3 là khi giá dầu thô thế giới từ 80 USD/thùng đến dưới 100 USD/thùng thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn còn một nửa so với quy định khung thuế.
Theo đó, thuế đối với xăng là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít…
Theo Bộ Tài chính, kịch bản này sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 2.821,9 tỷ đồng/tháng.
Cuối cùng là kịch bản thứ 4 khi giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu bằng mức sàn của khung thuế.
Đó là thuế đối với xăng là 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 500 đồng/lít…
Bộ Tài chính cho biết sẽ làm giảm thu khoảng 4.222,6 tỷ đồng/tháng.
Sử dụng bằng nghề của người khác bị phạt đến 20 triệu đồng
Từ ngày 12/12/2022, Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được đưa vào áp dụng, thay thế cho Nghị định 79/2015/NĐ-CP.
Nghị định mới đã tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của mình sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (trước đó chỉ phạt từ 03 - 05 triệu đồng).
Hay như hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trước đó chỉ phạt từ 05 - 07 triệu đồng thì từ ngày 12/12/2022, mức phạt đã tăng lên thành từ 10 - 20 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung một số hành vi mới bị xử phạt hành chính như:
Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đồng đối với hành vi kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Toán, văn, lịch sử là 3 môn học THPT bắt buộc trong trường nghề
Đây là một nội dung nổi bật được nêu tại Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 24/12/2022, quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm:
Môn học bắt buộc: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử
Môn học lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.
Trong đó, thời lượng giảng dạy của Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học. Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.
Viên chức nhiều ngành được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Cụ thể, 3 Thông tư 12/2022/TT-BTNMT, Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL và Thông tư 14/2022/TT-BKHCN có hiệu lực trong tháng 12/2022, quy định về việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với nhiều chức danh như:
Viên chức ngành tài nguyên và môi trường gồm: Địa chính viên, Điều tra viên tài nguyên môi trường, Dự báo viên khí tượng thủy văn, Kiểm soát viên khí tượng thủy văn, Quan trắc viên tài nguyên môi và Đo đạc bản đồ viên.
Viên chức chuyên ngành thể dục thể thao là Huấn luyện viên và Hướng dẫn viên. Viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ là Nghiên cứu viên, Trợ lý nghiên cứu, Kỹ sư và kỹ thuật viên.
Quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại
Từ ngày 15/12, Nghị định 90/2022/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước có hiệu lực.
Trong đó, quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo một số nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách Nhà nước và quy định pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo giá thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại…
Từ 22/12, hành khách nhập cảnh khi xuống tàu bay phải thực hiện những thủ tục gì?
Nghị định 93/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2022.
Trong đó, Nghị định quy định cụ thể dòng lưu chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý của hành khách tại cửa khẩu đường hàng không.
Cụ thể, về dòng lưu chuyển hành khách, đối với hành khách nhập cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật mang theo (nếu có), thủ tục kiểm soát nhập cảnh, thủ tục hải quan.
Đối với hành khách xuất cảnh, hành khách thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục hàng không, thủ tục kiểm soát xuất cảnh, thủ tục hải quan và soi chiếu an ninh hàng không.
Đối với hành khách quá cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch, kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không.
Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, dòng lưu chuyển hành khách có thể được điều chỉnh theo các quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế.
Về dòng lưu chuyển hàng hóa, hành lý của hành khách, đối với hàng hóa nhập khẩu, hành lý của hành khách nhập cảnh không đi cùng hành khách khi xuống tàu bay, thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật), thủ tục hải quan.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh không đi cùng hành khách, thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật), thủ tục hải quan và soi chiếu an ninh hàng không.
Từ 12/12, hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 14/2022/TT-BTTTT ngày 28/10/2022 quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2022. Trong đó quy định đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chương trình hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình theo 1 trong 2 hình thức sau:
Một là, hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (sau đây gọi tắt là gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp).
Hai là, hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày 12/12/2022).
Tuệ Minh