Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử
Từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Hộ chiếu gắn chip điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin, tránh nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân, bị làm giả.
Theo Bộ Công an, chip điện tử gắn trên hộ chiếu mẫu mới chỉ đơn thuần lưu trữ thông tin, hoàn toàn không có việc định vị theo dõi người được cấp hộ chiếu.
Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song song. Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử được sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học
Theo quy định mới tại Thông tư số 10/2023/TT-BQP, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.
Cụ thể chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên cao cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Người lao động được tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật
Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực 1/3, quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.
Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).
Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hiện vật bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương).
Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.
Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo: Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng: Người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân: Chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.
10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý ngành Ngân hàng
Thông tư 21/2022/TT-NHNN hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023.
Thông tư nêu rõ, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức.
Căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP.
Thông tư nêu rõ 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý; Thành viên Hội đồng quản lý; Tổng giám đốc; Phó Tổng giám đốc; Trưởng phòng và tương đương; Phó Trưởng phòng và tương đương; Giám đốc chi nhánh; Phó giám đốc chi nhánh; Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh; Phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ nội dung của các bản mô tả công việc bao gồm: Mục tiêu vị trí việc làm; các công việc và tiêu chí đánh giá; các mối quan hệ công việc; phạm vi quyền hạn; yêu cầu về trình độ, năng lực...
Hướng dẫn về lý do chính đáng được vắng mặt khi khám nghĩa vụ quân sự
Được đưa vào áp dụng từ ngày 14/3/2023, Thông tư 07/2023/TT-BQP dự kiến sẽ giải quyết nhiều vướng mắc còn tồn tại của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Không còn quy định mơ hồ là “lý do chính đáng”, Điều 4 Thông tư 07 ghi nhận cụ thể các trường hợp được coi là có “lý do chính đáng” để không bị phạt khi vắng mặt trong buổi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ,… bao gồm:
Thứ nhất, người thực hiện nghĩa vụ quân sự bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ hai, thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ/chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Thứ ba, thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.
Thứ tư, nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Thứ năm, người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh hoặc nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở.
Tuệ Minh