Bổ sung Covid-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
Thông tư 02/2023/TT-BYT đã bổ sung Covid-19 vào danh sách bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 bao gồm: Người làm tại cơ sở y tế; Người làm trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2; Người làm công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Thông tư số 02/2023/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2023.
Chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động
Theo Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH, phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang cấp để sử dụng trong khi làm việc/thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố nguy hiểm, có hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động chưa thể loại trừ hết.
Phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm: Phương tiện bảo vệ đầu, bảo vệ mắt, mặt, bảo vệ thính giác, bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ tay, bảo vệ chân, bảo vệ thân thể...
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/04/2023.
Sửa đổi Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
Thông tư 03/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 22/2016/TT-BCT về thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN như sau:
Thay thế Phụ lục II - Quy tắc cụ thể mặt hàng tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 22 bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Thay thế Phụ lục III - Tiêu chí chuyển đổi cơ bản với sản phẩm dệt may tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 22 bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Thay thế Phụ lục IV - Danh mục mặt hàng công nghệ thông tin (ITA) tại khoản 4 Điều 2 Thông tư 22 bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/04/2023.
Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Thông tư số 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2023, trong đó quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, Thông tư quy định ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng.
Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.
Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Thi tuyển công chức, đạt kiểm định đầu vào được miễn thi vòng 1
Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ 10/4/2023.
Theo Nghị định trên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền; được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hằng năm.
Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.
Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
Tỉ lệ cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong cơ sở khám, chữa bệnh
Thông tư 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp (CDNN) trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập có hiệu lực từ ngày 5/4/2023.
Theo đó, tỷ lệ cơ cấu viên chức theo CDNN tại cơ sở khám, chữa bệnh quy định như sau:
Nhóm CDNN chuyên ngành y tế và liên quan: Bác sĩ: 20 - 22%; Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y: 50 - 52%; Dược, Trang thiết bị y tế: 5 - 7%; Nhóm CDNN chuyên môn liên quan khác (công tác xã hội, kỹ sư, tâm lý và chuyên môn khác): 1 - 3%.
Nhóm CDNN chuyên môn dùng chung: 10 - 15%.
Nhóm hỗ trợ, phục vụ (gồm cả hợp đồng lao động): 5 - 10%.
Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sử dụng viên chức với CDNN không có trong danh mục vị trí việc làm theo loại hình tổ chức quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BYT phải có phương án sắp xếp, phân công và chuyển đổi CDNN cho viên chức phù hợp với công việc mới, hoàn thành trước 31/12/2025.
Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số lượng người làm việc chưa đáp ứng đủ định mức tối thiểu quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT phải có phương án tuyển dụng, bố trí, sắp xếp viên chức để bảo đảm định mức này, hoàn thành trước 31/12/2025.
Lớp cận chuyên, chất lượng cao bị "xóa sổ"
Đây là thông tin đang được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Cụ thể,Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 15/4/2023) nhấn mạnh không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Lớp học trong trường chuyên vẫn được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học với sĩ số không quá 35 học sinh/lớp.
Việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường trung học phổ thông chuyên như hiện nay được cho phép thực hiện đến hết năm học 2023 - 2024. Còn các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường trung học phổ thông chuyên trước đó vẫn tiếp tục thực hiện cho đến khi học hết lớp 12.
Quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên
Có hiệu lực từ ngày 25/4/2023, Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 9/3/2023 quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Điều 3 Thông tư nêu rõ: Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Ví dụ: Già làng, trưởng bản,... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.
Quy định mới về điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng
Thông tư 02/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng có hiệu lực từ ngày 20/4/2023.
Trong đó, Thông tư quy định việc điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng. Theo đó, việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP.
Khi điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hợp đồng thì phải ký kết phụ lục hợp đồng làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt hoặc trình phê duyệt dự toán điều chỉnh, phát sinh theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và hợp đồng xây dựng làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng.
Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này. Việc áp dụng các phương pháp điều chỉnh giá phải phù hợp với tính chất công việc, loại giá hợp đồng, đồng tiền thanh toán và phải được thỏa thuận trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng tư vấn xây dựng thực hiện thanh toán theo thời gian (theo tháng, tuần, ngày, giờ) thì việc điều chỉnh mức tiền lương cho chuyên gia thực hiện theo công thức điều chỉnh cho một yếu tố chi phí nhân công tại mục I Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng xây dựng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Bên giao thầu và Bên nhận thầu có trách nhiệm đánh giá tác động của các sự kiện bất khả kháng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng để xác định, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.
Trường hợp tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP cần thực hiện các công việc sau:
Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ yêu cầu tạm dừng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đánh giá tác động đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng.
Trường hợp phát sinh chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng thì Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ nội dung hợp đồng, hướng dẫn của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự kiện dẫn đến tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận về các khoản mục chi phí phát sinh hợp lý.
Quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập
Thông tư 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 27/4/2023.
Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị. Theo đó, gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc, hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu.
Bên cạnh đó, Thông tư sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 14 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo các thông tin tài liệu về giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu, báo giá hoặc hóa đơn bán hàng... để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Tuệ Minh