Gửi hàng xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin
Từ 1/9, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực.
Trong đó, bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ kết quả tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp
Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ 1/9.
Theo Thông tư, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.
Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Thông tư 41/2022/TT-BTC, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện mà không tổ chức kế toán riêng thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán hiện hành mà đơn vị đang áp dụng.
Đồng thời, mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động từ thiện, gồm: các khoản đã tiếp nhận, các khoản đã phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng.
Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền, đơn vị phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ. Đơn vị phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.
Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, đơn vị tiếp nhận chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ. Đơn vị phải hạch toán ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ và việc phân phối số hiện vật này trên cơ sở bảng kê, chứng từ có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật...
Thí điểm mô hình dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Theo Nghị quyết số 54/2022/QH15 của Quốc hội, từ 1/9, thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an.
Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó trại giam được áp dụng thí điểm hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Danh sách trại giam được áp dụng thí điểm do Bộ Công an quyết định căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ quy định.
Đồng tiền quy ước trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài
Thông tư 09/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/9 và thay thế Thông tư 15/2014/TT-NHNN ngày 24/7/2014, Thông tư 11/2017/TT-NHNN ngày 30/8/2017.
Theo đó, đồng tiền quy ước trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài quy định như sau:
Mệnh giá của đồng tiền quy ước ghi bằng đồng Việt Nam hoặc bằng một loại ngoại tệ chuyển đổi.
Doanh nghiệp thực hiện quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước sang đồng Việt Nam hoặc các loại ngoại tệ.
Tỷ giá chuyển đổi căn cứ theo tỷ giá niêm yết vào ngày giao dịch của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ (trước đó, theo Thông tư 15/2014/TT-NHNN thì tỷ giá chuyển đổi căn cứ theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ).
Trường hợp ngày giao dịch là ngày nghỉ, ngày lễ, tỷ giá quy đổi căn cứ theo tỷ giá vào ngày giao dịch liền kề trước đó (trước đó không có quy định này).
Người chơi được đổi đồng tiền quy ước ra ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam trong trường hợp không chơi hết hoặc trúng thưởng bằng đồng tiền quy ước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, được sử dụng số ngoại tệ đổi từ đồng tiền quy ước để thực hiện các giao dịch quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2022/TT-NHNN .
Chính thức xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Ngày 29/8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, đã được thông qua tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với 4 Chương và 8 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/9.
Để đảm bảo quyền riêng tư của con người, Pháp lệnh này quy định, phạt tiền từ 7 đến 15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính,...
Cũng theo Pháp lệnh mới này, nếu lôi kéo, xúi giục, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối tại phòng xử án; mang đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu hoặc tài liệu, đồ vật khác vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang theo thì người thực hiện hành vi sẽ bị phạt từ 1 đến7 triệu đồng.
Bỏ giới hạn chỉ được nhận 1 xe/năm dưới dạng biếu tặng
Thông tư số 45/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Thông tư này có hiệu lực từ 10/9,
Theo đó, với xe nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu phương tiện được quy định cụ thể, chi tiết hơn và kèm theo các chế tài xử lý nếu vi phạm về quá thời hạn khai bổ sung xác định giá trị hải quan, vi phạm về bảo quản hàng hóa, thời hạn nộp giấy chứng nhận đăng kiểm...
Cụ thể, Thông tư quy định hồ sơ nhập khẩu, tạm nhập khẩu phương tiện gồm các giấy tờ như tờ khai, vận đơn hoặc chứng từ, giấy đăng ký kiểm định, giấy ủy quyền… bản giấy hoặc nộp qua phương thức điện tử theo mẫu quy định.
Người làm thủ tục thực hiện khai hải quan tại Chi cục Hải quan qua hình thức điện tử hoặc trực tiếp và chịu trách nhiệm bảo quản xe tại địa điểm được phép đưa về bảo quản 30 ngày để chờ kết quả kiểm tra xe của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài những quy định siết chặt, Thông tư số 45/2022/TT-BTC cũng có một số hướng mở hơn cho tổ chức, cá nhân nhận xe dưới dạng biếu tặng. Cụ thể, Thông tư đã bãi bỏ giới hạn số lượng xe mỗi tổ chức, cá nhân được nhập trong năm là 01 xe ô tô và 01 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng như quy định cũ trước đây.
Thay vào đó, Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 45/2022 nêu rõ: "Chính sách quản lý xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".
Ngoài ra, Thông tư 45/2022/TT-BTC còn quy định "Người làm thủ tục thực hiện khai hải quan tại Chi cục Hải quan qua hình thức điện tử hoặc trực tiếp và chịu trách nhiệm bảo quản xe tại địa điểm được phép đưa về bảo quản 30 ngày để chờ kết quả kiểm tra xe của cơ quan kiểm tra chuyên ngành”. Đây được coi là hướng mới về việc bảo quản xe trong thời gian chờ làm thủ tục hải quan.
6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng
Ngày 29/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 146/2017/NĐ-CP. Nghị định 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022.
Cụ thể, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng. Trong đó, 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.
Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng.
Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có)...
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật; nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá thì giá đất được trừ là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình.
Ngoài ra, trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ (-) giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.
Giảm 50% phí xác thực khai thác thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 48/2022/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 17/9) quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 48/2022/TT-BTC, mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin là 1.000 đồng/trường thông tin.
Tuy nhiên, kể từ ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023, áp dụng mức thu bằng 50% mức phí quy định nêu trên.
Kể từ ngày 1/1/2024 trở đi, áp dụng mức thu theo mức phí nêu trên.
Đối tượng nộp phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân.
Hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ lao động ảnh hưởng của Covid-19
Để đảm bảo tiền hỗ trợ Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được chi trả đầy đủ và kịp thời đến tay người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19 theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.
Theo quy định này, Chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động với tổng số tiền khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021.
Số tiền này sẽ được chi trả cho những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021, hoặc đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm được bảo lưu, đồng thời đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp đúng hạn trong năm 2021 mà chưa nhận hoặc chưa nhận đủ tiền trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15, hạn cuối phải hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động được ấn định vào ngày 10/9/2022.
Hạn cuối nộp giấy gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là 30/9/2022
Đây là nội dung được hướng dẫn bởi Nghị định 34/2022/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.
Cụ thể theo Điều 5 Nghị định 34, tổ chức, cá nhân được gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2022 phải trực tiếp kê khai, gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo mẫu quy định cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông phương thức điện tử; gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện.
Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc quý) thì hạn nộp chậm nhất là ngày 30/9/2022. Còn nếu gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau ngày 30/9/2022, người nộp thuế sẽ không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.
Tuệ Minh