Gian lận để trục lợi bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu đồng.
Có hiệu lực từ ngày 10/5, Nghị định 48 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số nêu rõ, phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng, cụ thể như sau:
Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.
Giảm 20% giá cước các mạng điện thoại di động.
Thông tư 48 của bộ Thông tin Truyền thông quy định về giá cước điện thoại có hiệu lực từ ngày 1/5.
Theo đó, giá cước kết nối cuộc gọi giữa 2 mạng thông tin di động được giảm từ 500 - 550 đồng/phút còn: 400 đồng/phút đối với mạng di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội; 440 đồng/phút đối với mạng di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, MobiFone, Vietnammobile, công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu.
Ngoài ra, giá cước kết nối cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động giảm còn 320 đồng/phút (Quy định hiện nay là 415 đồng/phút).
Công ty bán hàng đa cấp phải có vốn điều lệ 10 tỷ đồng trở lên.
Nghị định 40 của Chính Phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 2/5.
Theo Nghị định này, các tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng những điều kiện sau: Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên; Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định...
Giả mạo chứng từ kế toán bị phạt đến 30 triệu đồng.
Nghị định 41 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập có hiệu lực từ ngày 1/5.
Theo Nghị định này, những hành vi sau bị xử phạt tiền từ 20-30 triệu đồng:
Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh...
Ngoài ra, nếu cá nhân tẩy xoá chứng từ kế toán cũng sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Được công nhận khách sạn 5 sao phải mất 3,5 triệu đồng phí thẩm định.
Thông tư 34/2018 của bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 14/5, quy định mức thu phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với hạng 1 sao, 2 sao là 1,5 triệu đồng/hồ sơ; đối với hạng 3 sao là 2 triệu đồng/hồ sơ và đối với hạng 4 sao, 5 sao mức phí này là 3,5 triệu đồng/hồ sơ.
Mức phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là một triệu đồng/hồ sơ.
Nơi thu phí là tổng cục Du lịch; sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sở Du lịch các tỉnh, thành.