Cua đỏ thường ẩn mình trong những chiếc hang nhỏ ẩm ướt trong cánh rừng già của vườn quốc gia đảo Giáng Sinh, Australia. Có khoảng 120 triệu chú cua đỏ đang sinh sống trên hòn đảo có diện tích nhỏ bằng 1/5 đất nước Singapore này. Mỗi con cua trưởng thành có kích thước bằng khoảng bao diêm, khoác trên mình tấm áo canxi màu đỏ đậm.
Đừng nghĩ rằng bạn sẽ được một bữa tiệc cua miễn phí bởi thịt cua đỏ rất độc. Cua đỏ trông có vẻ “khó ưa” nhưng thực ra rất hiền lành, vô hại và là những nhà sinh thái tuyệt vời. Chúng ăn lá mục, hoa quả rụng và phân của chúng giúp đất rừng màu mỡ. Khi mùa mưa bắt đầu (khoảng tháng 11), chúng đồng loạt rời bỏ nơi cư trú để di cư ra bờ biển, bắt đầu cho quá trình đẻ trứng.
Học sinh, sinh viên luôn háo hức mong chờ đến mùa cua di cư để được giúp những chú cua băng qua đường an toàn, một công việc có tốt với môi trường.
Hãy tưởng tượng một tấm thảm màu đỏ được dệt bằng hàng triệu con cua sẽ cho ra một bức tranh ngoạn mục đến mức nào. Cuộc di cư này không hề đơn giản bởi quãng đường từ rừng ra biển khá xa. Quá trình di chuyển liên tục và mất nước khiến nhiều chú cua bị chết dọc đường.
Chướng ngại vật lớn nhất chính là con đường cao tốc chạy xung quanh bìa rừng và đường bờ biển luôn tấp nập ôtô qua lại. Mỗi con cua có thể mất tới 18 ngày để đến được nơi sinh sản. Chúng treo mình và đẻ trứng trên vách đá, cách mép nước biển một khoảng cách nhất định để không bị những con sóng đánh trôi.
Trứng cua đỏ trải qua một cuộc vật lộn sinh tồn riêng trong biển cả trước khi trở thành những chú cua sơ sinh và tự tìm đường quay trở lại rừng già bằng một cuộc di cư khác. Trứng cua đỏ là “thức nhắm” ưa thích của nhiều loài cá biển, đặt biệt là cá voi Ấn Độ Dương (loài cá này chỉ xuất hiện tại vùng biển đảo Giáng Sinh vào mùa cua đỏ sinh sản).
Đàn cua lại tiếp tục trở về rừng sau khi “làm xong nhiệm vụ”, nhưng lần này do đã thông thuộc địa hình nên cuộc trở về chỉ mất khoảng 5 ngày.
Các tài xế được chỉ dẫn đi xe cẩn thận để không đè bẹp những người bạn tám cẳng hai càng. Loa phát thanh địa phương luôn cập nhật tình hình di cư của đàn cua cũng như các con đường bị cấm.
Để giảm thiểu số lượng cua bị chết do các phương tiện giao thông, người ta đã dựng lên những hàng rào bằng nylon 2 bên đường và những chiếc “cầu vượt” để giúp cua có thể băng qua đường an toàn. Các phương tiện bị cấm hoạt động tại nhiều con đường vào mùa cua di cư.
Người dân ở đây coi cua đỏ là biểu tượng, là niềm tự hào và là điềm lành. Nhiều quán ăn, quán café và khách sạn sử dụng hình ảnh cua đỏ để trang trí. Ly sinh tố dưa hấu có tên “Cuộc di cư màu đỏ” của quán café Red Crab là thứ thức uống ưa thích của nhiều du khách mặc dù hương vị của nó không hề đặc biệt hơn... một lon pepsi đá.
Đảo Giáng Sinh của miền nhiệt đới không phải là một hòn đảo với các dịch vụ 5 sao nhưng thiên nhiên và con người nơi đây đem lại cho du khách cảm giác yên bình, không chút xô bồ. Người dân không cần khoá cửa khi ngủ.
Về với biển cả.
Có khoảng 400.000 du khách đến với hòn đảo nhỏ bé này nhằm chiêm ngưỡng cảnh tượng di cư ngoạn mục của những chú cua vào mỗi dịp cuối năm. Thiên nhiên và những câu chuyện lý thú của cuộc di cư màu đỏ cũng đã thu hút các nhà khoa học đến với hòn đảo Giáng Sinh, một hòn đảo nhỏ thân thiện và hấp dẫn.
Theo VnExpress.net