Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên NATO sẽ nhóm họp từ ngày 6-7/4 tại Brussels nhằm bàn giải pháp hạ nhiệt cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ hai và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị hôm 5/4 tại trụ sở của liên minh quân sự ở Brussels (Bỉ) khi đề cập đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Tổng Thư ký NATO, Jens Stoltenberg tiếp tục khẳng định, NATO sẽ không điều máy bay hoặc binh sĩ tới Ukraine.
Theo Tổng thư ký Jens Stoltenberg, cuộc họp của ngoại trưởng các quốc gia đồng minh sẽ bắt đầu bằng bữa tối 6/4, tại đó, các đồng minh sẽ thảo luận về khái niệm chiến lược mới của NATO, giúp định hướng cho Liên minh để thích ứng với thực tế an ninh toàn cầu mới.
Tài liệu này phác thảo mục đích của Liên minh nhưng chưa được sửa đổi từ năm 2010 và dự kiến sẽ được cập nhật tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 6 tới.
Phiên bản mới sẽ phải giải quyết kịch bản địa chính trị mới sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Bên cạnh đó, các ngoại trưởng sẽ bàn thảo và thông qua điều lệ quy định về Sáng kiến Máy gia tốc đổi mới quốc phòng cho khu vực Bắc Đại Tây Dương (DIANA) giúp thúc đẩy sự đổi mới xuyên Đại Tây Dương.
Trong ngày 7/4, ngày làm việc thứ hai của hội nghị, các ngoại trưởng NATO sẽ gặp những người đồng cấp đến từ Phần Lan, Thụy Điển, Gruzia và Liên minh châu Âu (EU), cùng các ngoại trưởng từ các nước đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Cuộc họp của các ngoại trưởng NATO sau đó sẽ tập trung chủ yếu về tình hình tại Ukraine.
Theo ông Stoltenberg, trong bối cảnh hiện nay, việc cùng đoàn kết để bảo vệ các giá trị của toàn khối càng quan trọng hơn bao giờ hết và đó là lý do mà NATO mong muốn làm sâu sắc hơn sự hợp tác với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương. Người đứng đầu NATO bày tỏ hy vọng, khối này có thể tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như kiểm soát vũ khí, không gian mạng, hỗn hợp và công nghệ.
Trước đó, ngày 24/3 (giờ Bỉ), lãnh đạo các nước thành viên NATO cũng đã nhóm họp tại Brussels để thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine và ra tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh.
Tuyên bố chung của NATO nêu rõ, sự đoàn kết và kiên quyết chống lại chiến dịch của Nga, viện trợ cho chính phủ và nhân dân Ukraine, cũng như bảo vệ an ninh của tất cả các đồng minh.
Các nhà lãnh đạo NATO đồng ý thành lập thêm 4 nhóm tác chiến ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Điều này nâng tổng số quân dự bị đa quốc gia của NATO, từ biển Baltic đến biển Đen, lên 8 nhóm. Ngoài các binh sĩ châu Âu, 100.000 binh sĩ Mỹ cũng được triển khai để hỗ trợ nỗ lực của NATO.
Về việc tăng khả năng phòng thủ ở sườn Đông, phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Stoltenberg cho biết: “Chỉ huy quân sự hàng đầu của chúng tôi, Tướng Wolters đã kích hoạt các nội dung phòng thủ hạt nhân, phóng xạ, sinh học và hóa học của NATO". Bên cạnh đó, ông cho hay, các đồng minh cũng đang tự tăng cường triển khai phòng thủ hạt nhân, sinh học và hóa học để củng cố cho các nhóm chiến đấu hiện có và mới bổ sung”.
Theo Tổng thư ký Stoltenberg, NATO cũng sẽ triển khai thêm nhiều máy bay và tăng cường khả năng phòng thủ đất đối không tích hợp ở sườn Đông. Các nhóm tàu chiến, tàu ngầm với số lượng lớn cũng như các tàu chiến đấu sẽ sẵn sàng mọi lúc.
Đề cập chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine, quan chức NATO nêu rõ: "Khi đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở thế hệ này, chúng tôi đoàn kết để duy trì liên minh vững mạnh và người dân an toàn".
Các thành viên NATO nhất trí sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" đối với Nga và mở rộng hỗ trợ Ukraine bằng cách trang bị cho quốc gia này các thiết bị quân sự đáng kể. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh, NATO sẽ không triển khai lực lượng ở Ukraine, mà thực hiện trách nhiệm đảm bảo xung đột không leo thang hơn nữa để không gây thêm nguy hiểm và tàn phá.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, báo Thế giới và Việt Nam)