BigC: Đang ở top 3, về tay tỷ phú Thái liền xuống dốc
Cuối tháng 4/2016, Central Group hoàn tất giao dịch mua lại hệ thống siêu thị Big C từ tập đoàn Casino của Pháp với giá 920 triệu Euro (tương đương 1,05 tỷ USD).
Thời điểm ấy, BigC là chuỗi bán lẻ hiện đại lớn thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau chuỗi Co.opMart và có vị trí đắc địa.
Một lợi thế khác của Big C là bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng với chuỗi kinh doanh phủ nhiều tỉnh thành, đón hơn 50 triệu lượt khách mua sắm mỗi năm, trong đó, 2,8 triệu khách hàng thành viên cùng đội ngũ hơn 9.000 nhân viên trên cả nước là “tài sản” rất lớn cho bất cứ nhà bán lẻ nào. Năm 2015, doanh thu của chuỗi Big C tại Việt Nam là 586 triệu euro.
Do đó có đến 20 công ty trong và ngoài nước với những tên tuổi lớn như Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), BJC (Thái Lan) và doanh nghiệp Việt Nam là Saigon Coop, Masan,... cũng tham gia đấu thầu mua lại chuỗi siêu thị này.
Song, dốt cuộc chỉ có Central Group là thâu tóm thành công chuỗi Big C với 33 siêu thị cùng 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.
Được biết Central Group đã tham gia đấu thầu nhằm mua lại Big C kể từ đầu tháng 3 và điều này hoàn toàn nằm trong kế hoạch chiến lược của tập đoàn nhằm mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực ASEAN.
Central Group là một trong những tập đoàn mẹ lớn nhất tại Thái Lan, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuỗi cửa hàng bán lẻ, khách sạn và nhà hàng.
Hiện tại Central Group đã chính thức mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ điện máy ở thị trường Việt Nam sau khi mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim vào đầu năm 2015, phát triển hệ thống trung tâm thương mại thời trang gồm hai trung tâm Robins.
Lại nói về BigC, năm 2012, thương hiệu này từng nằm trong top 3 của thị trường với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng một năm. Tuy nhiên từ khi về tay tỷ phú Thái thì doanh thu lại đồng loạt đi xuống.
Big C Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống Big C - đạt mức doanh thu 3.500 tỷ vào năm 2012 sau đó sụt giảm xuống còn quanh mức 2.700 tỷ đồng trong 2 năm 2016, 2017.
Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc cũng rơi từ mức 2.600 tỷ năm 2012 xuống còn 1.300 tỷ trong năm 2017, tức giảm tới 50%. Do đó, lợi nhuận của Big C Thăng Long giảm từ 211 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 131 tỷ đồng năm 2016.
Còn Big C An Lạc, lợi nhuận trước thuế 2015 đạt 184 tỷ đồng nhưng đến 2017 còn 92 tỷ. Ba chuỗi Big C Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai cũng không còn tăng trưởng nổi bật.
Metro: Đổi tên nhưng vận không đổi
Ngày 7/1/2016, tập đoàn Metro Cash & Carry vừa công bố hoàn tất thương vụ chuyển giao hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam cho TCC Holdings, công ty do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ.
TCC Holding là công ty do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát. Công ty này hiện nắm 73,7% cổ phần tại Tập đoàn Berli Jucker PCL (BJC).
Tập đoàn Metro của người Đức có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Vào Việt Nam khá sớm, tuy nhiên, trong 12 năm có mặt trên thị trường Metro luôn báo lỗ.
Doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn qua các năm, từ 608 tỷ đồng trong năm 2002 lên 14,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2013. Một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, Metro lỗ từ 89 đến 160 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài, đại diện của Metro đã cho rằng do phải tập trung mở rộng đầu tư. Cụ thể là, Metro phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn như đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý… mới có thể xây dựng được một trung tâm bán sỉ, con số đó tương đương với khoảng 300 - 400 tỷ đồng.
Sau một năm về tay ông chủ mới, thương hiệu này vẫn giữ nguyên số lượng điểm kinh doanh. Đến đầu năm 2017, hệ thống này đổi tên thành MM Maga Market và thương hiệu Metro không còn trên thị trường. Vốn điều lệ của công ty tăng 1.911 tỷ đồng lên 3.620 tỷ đồng, với 100% vốn nước ngoài.
Đổi tên nhưng vận không đổi. Cuối năm 2016, doanh thu của chuỗi này chỉ đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm trước khi Metro Cash & Carry chuyển giao lại vào năm 2013. Mức doanh thu này chỉ tương đương với doanh thu năm 2010 khi số trung tâm Metro chỉ bằng một nửa năm 2016.
Doanh thu giảm mạnh, công ty cũng tiếp tục hành trình thua lỗ của Metro. Trong năm 2016, MM Mega Market báo lỗ 110 tỷ đồng, tương đương mức lỗ hàng năm của Metro trong giai đoạn trước đó.
Metro là một trong những tập đoàn bán lẻ quốc tế lớn có trụ sở tại Đức. Trong năm tài chính 2012-2013, tập đoàn tạo doanh thu khoảng 66 tỷ euro (khoảng 88,5 tỷ USD) với 2.200 cửa hàng ở 31 quốc gia và khoảng 250.000 nhân viên.
Tập đoàn hoạt động dựa trên các thương hiệu độc lập trong các phân khúc thị trường tương ứng gồm Metro/Makro Cash&Carry chuyên về bán buôn, Media Markt và Satum - chuyên về thiết bị điện tử bán lẻ, Real - hệ thống đại siêu thị và Galeria Kaufhof - cửa hàng bách hóa.
Trong khi đó Berli Jucker là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán nước này thời điểm đầu tháng 8/2014 là khoảng 88 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD).
Hoạt động kinh doanh của BJC được phân thành 5 chuỗi cung ứng chính gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.
Fivimart: Từ tay đại gia Nhật về tay đại gia Việt
Ngày 28/9/2018, công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce (thành viên của tập đoàn Vingroup), công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart từ công ty Cổ phần Nhất Nam.
Được biết, sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart.
Sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+.
Chuỗi siêu thị Fivimart thuộc Công ty Cổ phần Nhất Nam thành lập ngày 17/2/1997, trụ sở tại số 2 đường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Người đại diện là bà Đặng Thị Đan Tâm.
Thương hiệu Fivimart từng nhiều lần được công nhận là thương hiệu nổi tiếng do người tiêu dùng bình chọn.
Đầu năm 2015, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản tuyên bố mua lại 30% cổ phần của Fivimart. Tuy nhiên thương vụ hợp tác này sau 3 năm đã không đạt được kết quả như đại gia Nhật kỳ vọng.
Báo cáo tài chính của Fivimart cho thấy, thời điểm Aeon bắt đầu hợp tác năm 2015, doanh thu của FiviMart trong năm này là 1.075 tỷ đồng, lỗ 60 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ tiếp 96 tỷ đồng.
Năm 2017, doanh thu tăng lên 1.269 tỷ đồng, đồng thời báo lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến Fivimart thua lỗ là do chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn, cao hơn cả lợi nhuận gộp từ bán hàng hóa trong siêu thị. Cụ thể, năm 2016, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 280 tỷ đồng trong khi lãi gộp chỉ là 183 tỷ đồng.
Các khoản chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên đến gần 272 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 11,8 tỷ đồng trong năm 2017.
Đến cuối năm 2016, tổng nợ và thuê tài chính của Fivimart là gần 700 tỷ đồng.
Vingroup mua lại hệ thống Shop&Go chỉ với ... 1 USD
Ngày 2/4/2019, Công ty VinCommerce - đơn vị thành viên của Tập đoàn VinGroup đang quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ công bố việc sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Govới giá… 1 USD.
Được biết, công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống - Chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go - đã chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Công ty VinCommerce với giá 1USD.
Công ty Cửa hiệu và Sức sống thành lập năm 2015, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng. Cửa hàng đầu tiên của Shop&Go đi vào hoạt động năm 2006 tại TP.HCM. Sau 14 năm thành lập, hiện tại Shop&Go đang vận hành 87 cửa hàng, trong đó có 70 cửa hàng tại TP.HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội nằm tập trung ở trong các quận nội thành.
Shop&Go đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi với đặc trưng hoạt động 24/24h mỗi ngày, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh, thức uống pha chế, các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại, thẻ gọi điện thoại đường dài IDD card...
Chia sẻ về thương vụ trị giá 1 USD này, đại diện Công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống cho biết, tuy đã đầu tư vào hệ thống rất nhiều nhưng kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng nhưng cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt, vì vậy đơn vị quyết định rút lui.
Báo cáo tài chính của Shop&Go cho thấy năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 40 tỷ đồng. Với việc một thời gian dài không có lãi, đến cuối năm 2016, Shop&Go đã lỗ lũy kế 205 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, vốn điều lệ của công ty này được tăng mạnh lên 207,27 tỷ đồng.
Sau khi nhận sáp nhập Shop&Go, VinCommerce tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ với 108 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.
Hệ thống trên 2.000 điểm bán, hệ thống của Vincommerce hiện vượt khá xa các doanh nghiệp cùng ngành như Saigon Co.op (khoảng 650 điểm), Bách Hóa Xanh của Thế giới Di động (gần 500 cửa hàng) hay Circle K (khoảng 300 cửa hàng).