Anh Minh Lâm, 32 tuổi, kể lại chuyện anh và các bạn gặp ma hồi còn là học sinh ở quê nhà: "Hồi đó tôi hay phải đi học thêm buổi tối. Lớp học cách 2 cây số, thường thì tôi đi xe đạp, nhưng đôi khi đi bộ. Cách nhà tôi chừng bảy tám trăm mét, gần bờ sông vắng có một cái vườn hoang, bên dưới những cây to là cỏ và những bụi cây dại mọc um tùm, ban ngày đi qua còn thấy âm u, tăm tối”.
“Bọn trẻ con trong xóm vẫn dọa nhau là có ma, rồi kể những chuyện ma nghe lỏm được từ người lớn. Bọn tôi nghe chuyện ma thấy rất hay, tuy không nghĩ cái vườn có ma thật nhưng vẫn sờ sợ, không dám vào chơi bao giờ".
"Thế mà rồi tôi gặp ma thật. Mấy lần đi học thêm về đạp xe qua đó, tôi nghe khi thì tiếng sột soạt, khi thì tiếng thì thầm, lúc tiếng cười khúc thích, tiếng thở, và đôi khi cả tiếng khóc thút thít nữa. Mà những tiếng đấy cứ thoang thoảng như có như không thôi, ghê lắm. May mà tôi đi xe đạp, sợ quá thì cứ cong mông đạp thật nhanh cho qua, về đến nhà run rẩy sau".
Ảnh minh họa
Sau vài lần như thế, Lâm đem chuyện hỏi mấy đứa choai choai trong xóm. Đứa thì sợ sệt giương mắt lên hỏi thế á, đứa thì bảo tao cũng gặp. Còn anh Bình, một thanh niên trong xóm, thì khẳng định như đinh đóng cột: "Cái vườn đấy có 5 con ma, là chủ của đất ấy bị chết oan hồi Mỹ bỏ bom đấy. Những người chết oan là hay ghen tị với người sống lắm, chúng mày đừng bén mảng ra đó mà tiêu đời. Không có ma thì người ta đã chẳng bỏ hoang cái vườn đẹp như vậy".
Từ đó, bọn trẻ trong xóm càng cố gắng tránh xa cái vườn. Nhưng mà Lâm thì vẫn phải đi học qua đó vào ban đêm, và có lần anh phải đi bộ vì xe đạp hỏng. Anh kể: "Hôm đó trời tối, tôi đi học về qua cái vườn cũng gần 9 giờ đêm. Vì sợ nên từ xa tôi đã nhìn về phía cái vườn và dỏng hết cả tai ra”.
“Rõ ràng có tiếng khóc thút thít, có bóng gì trăng trắng lay động trong đó. Tôi nghĩ kiểu này chết rồi. Nhưng nếu tôi quay đầu bỏ chạy thì con ma sẽ chẳng khó gì để túm được tôi. Tốt nhất là cứ đi bình thường, hy vọng nó không để ý mà cho qua. Tôi cố gắng không đi quá nhanh, cũng chẳng dám đi quá chậm, chân bước nhẹ nhất có thể, vừa đi vừa niệm Phật vừa làm dấu thánh, hy vọng tất cả các vị chúa hay thánh thần giúp đỡ tai qua nạn khỏi”.
"Tiếng khóc của con ma thì ngày một rõ, nó vừa khóc vừa kể lể gì đó, giọng có vẻ trách hờn. Rồi khi tôi sắp đi qua thì bỗng nghe một tiếng bốp, rồi tiếng đàn ông quát to: 'Em điên à? Sao dám đánh anh'. Ôi trời ơi, tôi vừa sốc vừa mừng như sống lại. Quát to hoành tráng như thế thì không thể là ma được, mà giọng lại còn rất quen nữa".
"Rồi tôi nghe giọng con gái bảo, ai bảo anh lăng nhăng, đa tình. Hi hi, lúc đó tôi biết chắc đây là một cặp yêu nhau. Tôi cũng nhớ ra giọng nam kia là của anh Bình. Thảo nào anh ấy cứ dọa bọn trẻ con chúng tôi là trong vườn có những 5 con ma chết oan", anh Lâm vui vẻ kết luận.
Ma xin trầu của ôsin
Bà Nguyễn Thị Lan, 67 tuổi, kể lại chuyện cách đây 11 năm, khi bà còn làm ôsin cho một gia đình gốc Nghệ An, sống ở Hà Nội: Năm đó, mẹ già của nhà chủ, sống với con trai trưởng ở thành phố Vinh, qua đời ở tuổi 89. Khi về lo chuyện tang ma, nhà chủ đưa cả bà Lan về cùng để giúp việc thêm. Sau lễ cúng ba ngày, bà Lan vẫn được để ở lại Vinh thêm ít ngày để giúp việc.
“Hằng ngày ngoài việc dọn dẹp, tôi giúp họ làm cơm cúng ngày mấy lần cho bà cụ. Những khi hương trên bàn thờ cháy hết mà người nhà không ai ở đó, tôi lại thắp hương mới và khấn bà cụ phù hộ cho con cháu”, bà Lan cho biết. “Bà cụ là người rất phúc hậu, hồi cụ còn sống tôi đã được gặp một lần. Cụ không khinh tôi là người ở mà vui vẻ nói đủ thứ chuyện, lại còn cho tôi áo và thuốc bổ nữa. Vì thế được giúp việc hương khói cho cụ, tôi rất vui”.
Một hôm, cả nhà đi vắng, bà Lan làm một lúc hết việc, đâm ra buồn, thơ thẩn tìm việc gì đó để làm, rồi quyết định gom rác đi đổ. Khi trở về, bà hết hồn thấy ở cổng là… bà cụ vừa chết. Bà đang định bỏ chạy thì đã bị bà cụ nhìn thấy, bảo: “Chị đi đâu vậy? Mở cổng cho tôi đi”. Cái kiểu nhìn chăm chú của “hồn ma” khiến bà Lan chẳng dám trái lời, lập cập mở cổng, vừa tra chìa khóa vừa lấm lét nhìn “con ma”, run rẩy mãi mới mở được.
Bà Lan kể: “Bà cụ vừa vào, tôi đã lấy cớ phải đi chợ mua thức ăn, vội vội vàng vàng đi khỏi cổng, rồi chạy thục mạng ra chợ. Tôi cứ loanh quanh ở chợ mãi, đến gần trưa, sợ mọi người về mà mình muộn cơm thì bị mắng, nên đành quay về, bụng nghĩ vong hồn bà cụ chắc cũng đi rồi. Ai ngờ, khi tôi vào thì bà cụ vẫn ngồi trước bàn thờ đang khói hương nghi ngút, mắt sưng húp, đỏ hoe như vừa khóc. Bà ấy nhìn tôi có vẻ bực bội khó chịu, hỏi mua có mớ rau mà sao đi mất hút vậy. Tôi sợ quá, cứ vâng vâng dạ dạ mà chẳng nói gì được”.
Bà giúp việc tội nghiệp xuống bếp nhặt rau rồi nấu cơm, cố ý tránh xa hồn ma cụ già chẳng hiểu vì lý do gì mà quá vấn vương chốn cũ nơi trần thế. Nhưng mỗi lần liếc ra, bà lại thấy “con ma” đang nhìn mình chằm chằm, đầy soi mói. Bà hồn vía lên mây, sợ đến mức rét run cả người, muốn hét lên cầu cứu hay bỏ chạy nhưng không dám, lại giả vờ cúi xuống gọt bí tiếp, lóng ngóng đến nỗi cắt cả vào tay, máu chảy đầm đìa.
Nấu xong, bà Lan vẫn ngồi run rẩy dưới bếp, chẳng dám mò lên nhà trên, thầm cầu trời khấn phật cho mọi người mau về, và cho bà cụ kia đừng để ý đến mình nữa. Đang nghĩ thế thì bà cụ đi xuống, hỏi: “Chị có trầu không, cho tôi một miếng? Lâu không được ăn, thèm quá”.
Người giúp việc táng đởm kinh hồn, chỉ lên nhà trên lắp bắp: “Dạ, ở… ở… trên bàn thờ”. Bà cụ gắt: “Đồ đang thắp hương, ai cho lấy ăn!”. Lời quở trách của người quá cố đang được cúng trên bàn thờ kia về sự phạm thượng, bất kính của mình khiến bà Lan rụng rời. Nếu cụ giận quá mà bắt bà đi hay làm cho bà bệnh tật, điên dại thì…
“May quá, tôi đang sợ nhũn cả đầu gối thì ông chủ nhà về. Ông ấy vào, nhìn thấy bà cụ thì ngạc nhiên hỏi: ‘Chị, chị chưa khỏe sao đã xuống đây? Ai đưa chị xuống?’. Bà cụ bảo: ‘Tao đỡ rồi nhưng chúng nó không cho đi, tao phải trốn xuống thắp hương khóc mẹ chứ ai đưa, chờ khỏe hẳn thì đến bao giờ’. Trời ơi, tôi ngồi phịch xuống sàn nhà, tự nhủ thoát nạn rồi”.
Hóa ra đó là con gái đầu lòng của người đã khuất, năm đó 71 tuổi, lập gia đình ở một huyện miền núi và rất hiếm khi về đây. Bà ấy vốn rất giống mẹ, lại già hơn tuổi, và mới ốm một trận liệt giường nên gầy rộc và già cỗi, đừng nói bà Lan mà cả nhà chủ đều phải giật mình công nhận là quá giống bà cụ mới mất. Thậm chí cả cái áo cánh kiểu ngày xưa và mái tóc bạc búi thành củ hành nhỏ xíu trên đầu cũng y chang.
Khi biết sự nhầm lẫn và nỗi kinh hoàng của người giúp việc, con gái của bà cụ quá cố nói: “Thảo nào, trông chị lấm la lấm lét như quân ăn trộm. Tôi cứ nghĩ, qua điện thoại, các em tôi bảo đang có bà giúp việc tốt lắm, sao mình nhìn thấy gian gian thế nào, vì thế nên tôi mới để mắt đến chị không rời, khiến chị càng sợ thêm”.
“Đó là lần gặp ma duy nhất trong đời tôi”, bà Lan nói. Sau lần ấy, bà không còn sợ ma nữa. Bà nghĩ, tất cả cũng chỉ là chuyện thần hồn nát thần tính, mình tự dọa mình mà thôi.
Theo Tri thức thời đại