Kỳ nhân hút đá trời
Chuyến dò dò dẫm và đi theo kiểu không hẹn ngày về, đi một cách dốc tâm, dốc lực của chúng tôi lên khám phá người Arem và Ma Coong ở đại ngàn Trường Sơn là một chuyến đi khá thú vị. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào Ma Coong, sống rải rác ở 18 bản giữa thâm sơn, cùng cốc quanh khu vực biên giới Việt - Lào. Người Ma Coong sống dựa vào việc làm rẫy trên những núi cao và bẫy thú rừng.
Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Hợp, ngoài khả năng ngậm dao nung đỏ, "kỳ nhân" còn có khả năng dùng bàn tay nhúng vào nước đang sôi sùng sục mà không bị bỏng.
Mỗi năm họ đốt một khoảnh rừng để trỉa lúa, ngô và trồng sắn trên đó. Thu hoạch xong thì chuyển sang rẫy khác. Cứ thành lệ, hàng năm vào ngày 16 thánh giêng, người Ma Coong cả già lẫn trẻ, diện những bộ áo quần đẹp nhất, ở khắp các bản gần xa, từ bản 61 nằm sát biên giới Việt-Lào đến bản Cồn Roàng, Cờ Đỏ, A Ky, Chăm Pu... Tham gia góp vui vào lễ hội này còn có cả đồng bào dân tộc Arem và nhiều người dân Lào sống trên dẫy Trường Sơn ngút ngàn. Vào ngày này chỉ trừ những người ốm đau, già yếu không thể đi được, còn lại đều náo nức đi hội. Đặc biệt là lớp gái trai đến tuổi trưởng thành, đây là dịp làm quen, hò hẹn, tìm bạn tình, rồi sau đó kết duyên thành vợ, thành chồng.
Ngoài ra cũng tại lễ hội này, nhiều “dị nhân” biểu diễn những màn võ thuật siêu đẳng chưa từng có, như ngậm dao sắt nung đỏ, xuyên lình (một vật nhọn bằng sắt) qua má, qua bắp chân, đập chai thủy tinh vào đầu...
Bởi chuyến đi của chúng tôi không vào ngày lễ, để chứng kiện được những màn biểu diễn có một không hai đó, chúng tôi được sự giúp đỡ tận tình của nhiều anh em Bội đội Biên phòng nơi đây. Những “dị nhân” mà chúng tôi đã gặp, với những việc làm hết sức siêu nhiên bằng xương, bằng thịt.
Một cuộc sống kỳ bí với những khả năng siêu biệt đã hấp dẫn hầu hết chúng tôi từ ông Đinh Dầu, ở bản mới của người Arem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) dị nhân mút dao nung đỏ. Ông dùng công lực của bản thân do truyền dậy và rèn luyện để chữa bệnh cho cộng đồng, mà không phải dùng bất kỳ thứ thuốc nào ngoài pháp thuật “thổi lửa để trừ bệnh”.
Đây là khả năng kỳ biệt, mà chỉ có ông là người có bí quyết. Bằng khả năng này nên ông Dầu đã chữa được bệnh cho nhiều người dân, kể cả cán bộ công tác trên địa bàn và được người Arem tôn sùng, quý mến. Ông Dầu chữa bệnh bằng việc ngậm dao (hay còn gọi là rựa) nung đỏ trong than củi, hà hơi, thổi khí nóng và đọc thần chú. Bằng pháp thuật này, ông Dầu có thể chữa được các bệnh như gẫy xương, chẩy máu, dao cắt, chặt phải, đau xương, hóc xương, thai sản cho phụ nữ… và “hút đá trời” khi người bệnh bị đau nội tạng mà không phát hiện ra nguyên nhân.
Để kiểm nghiệm thực tế cũng như khả năng riêng biệt của ông Dầu, chúng tôi đã có mặt để chứng kiến trong một lần ông “thổi lửa trừ bệnh”. Tham gia chứng kiến, ngoài tôi và các đồng nghiệp, người dân thì còn có Thiếu tá biên phòng Hoàng Văn Đức, anh Từ Minh Phương, nhân viên Hạt kiểm lâm Rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đóng trên địa bàn.
Thủ tục của buổi “thổi lửa trừ bệnh” gồm 7 miếng trầu, 7 miếng cau, 7 cây nến làm từ sáp ong rừng và 7 điếu thuốc do người nhà ông Dầu làm. Ông Dầu là người duy nhất của bản Arem được ông ngoại có tên Đinh Ma Coong (vốn là người có bí quyết này) truyền dậy cho từ năm 13 tuổi, học và tu luyện trong vòng 6 năm liên tục mới hành nghề được. Trong khi học ông phải kiêng rất nhiều thứ, trong đó có những điều “nghiêm ngặt” như: Không được gần phụ nữ, bị người ta đánh chửi cũng không được phản ứng lại, không được xin xỏ bất cứ ai một thứ gì, không được ăn thức ăn có vị chua, thức ăn ôi thiu, mắm, ruốc và chỉ uống nước sương đọng lại trên các tầu lá.
Sau 6 năm tu luyện thì sinh hoạt lại trở về như một người bình thường. Để thực hiện buổi “thổi lửa trừ bệnh” ông Dầu đã phải xin phép Giàng, các đấng siêu nhân của núi rừng và thực hiện cầu tế, xin phép với những lễ vật đơn giản trong một thời gian khá lâu. Khi được chấp thuận, ông vào bếp, nhóm lửa và nung dao. Chiếc dao đỏ đã được ông đưa vào mồm ngậm, người ta nghe rõ những tiếng kêu sèo sèo. Thậm chí tàn lửa còn bắn tung tóe trong mồm ông nhưng ông không bị bỏng.
Cứ ngậm rồi thổi hơi nóng vào chỗ đau của người bệnh cùng những câu chú chỉ mình ông biết, mỗi buổi làm như vậy 3 lần. Làm đến khi nào khỏi thì thôi. Anh Từ Minh Phương đóng tại Trạm 39, ngay sát bản Arem đã xác nhận, việc dùng liệu pháp này của ông Dầu để chữa bệnh và thực tế đã chữa khỏi rất nhiều bệnh cho nhiều người dân. Cũng theo anh Phương, mới đây ông Phan Văn Bình, cán bộ tăng cường lên làm Bí thư xã bị tai nạn xe máy, gẫy xương sườn, xương quai sanh nhưng do ở xa cơ sở y tế nên đã phải nhờ ông Dầu “thổi” giúp và cũng đã khỏi.
Riêng thiếu tá Hoàng Văn Đức xác nhận chuyện anh Nguyễn Thành Phú, nguyên Đồn trưởng đồn Biên phòng 593 đóng gần địa bàn cũng đã được ông Dầu dùng “liệu pháp” này chữa khỏi bệnh lệch đĩa đệm của cột sống (ảnh 14, anh Từ Minh Phương người ngồi bên trái còn Thiếu tá Hoàng Minh Đức bên phải đã cung cấp thông tin và tham gia kiểm chứng với chúng tôi-PV).
Hiện ông Dầu được coi là người duy nhất, nắm giữ những bí truyền về việc “thổi lửa trừ bệnh này” trong cộng đồng người Arem. Ông sẽ truyền bí quyết này cho một người nào đó, có thể là con cháu hoặc một người Arem khác trong cộng đồng. Theo ông người đó phải là người Arem gốc, có đạo đức, kiên trì. Việc “thổi lửa trừ bệnh” của ông Dầu hết sức huyền bí và thực sự khó tin nếu không được tận mắt chứng kiến.
Anh Trần Xuân Thu (người thứ nhất từ trái sang) cùng ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn lạnh người khi kể lại “tiết mục” biểu diễn màn đạn bắn không trúng người của ông Đinh Tùng Lâm.
Kỳ nhân không… trúng đạn
Ngoài ông Đinh Dầu ở xã Tân Trạch, tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đồng bào người dân tộc Ma Coong ở đây lại rất lấy làm tự hào về kỳ nhân không trúng đạn của dân tộc mình. Kỳ nhân này có tên là Đinh Tùng Lâm, với biệt tài niệm thần chú để đạn bắn… không xuyên và không chết. Để kiểm chứng thực hư khả năng kỳ lạ này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với mấy cán bộ xã cùng những giáo viên lên đất này công tác. Họ đều cho biết, trong cộng đồng người Ma Coong ở thung lũng này đang tồn tại nhữg con người với những pháp thuật thật khó tin.
Thiếu tá Hoàng Minh Đức, cán bộ “cắm bản” tại xã Thượng Trạch đã xác nhận những điều kỳ lạ này với chúng tôi. Riêng ông Trần Xuân Thu, một người dân sống dưới huyện Bố Trạch lên đây sinh sống bằng cách mở đại lý bán buôn đã cho biết: Có nhiều chuyện và nhiều khả năng của con người rất khó tin ở nơi đây. Có người còn có khả năng niệm chú rồi để cho người khác dùng dao chém vào mà không hề hấn gì. Còn riêng khả năng đạn bắn không trúng thì theo anh Thu chỉ mỗi ông Lâm là làm được.
Ông Đinh Tùng Lâm năm nay đã 70 tuổi, xung quanh ông còn ẩn chứa khối chuyện lạ chưa được kể. Ngoài những khả năng như hút đá trời, chém không rách da thịt… thì ông Lâm còn hơn người khác ở tài “hứng mình đỡ đạn” mà không chết. Nhiều người không tin khi ông đưa ra lời thách đố này. Tuy nhiên, chẳng ai dám làm vì sợ “nhỡ đâu ông chết thật” thì oan gia nên ông có vẻ bức xúc lắm.
Thế rồi khả năng ấy được bật mý cách đây khoảng 3 năm. Một lần sau khi đi dự cỗ nhà bạn về, tạt qua quán nhà anh Trần Xuân Thu, nổi hứng ông đã tiếp tục đưa ra lời thách đố. Ông Lâm bảo, nếu ai dùng súng (kể cả súng quân dụng) đứng cách ông 15 thước mà bắn trúng ông thì ông sẽ thưởng lớn.
Phần thưởng mà ông Lâm đưa ra là 2 con lợn nít và 20 triệu đồng. Còn nếu ai bắn mà không xuyên được áo, chỉ phải mất cho ông phân nửa số tài sản trên. Lời thách được đưa ra, thế nhưng chẳng ai dám cược. Sau cùng, để mọi người an tâm, ông Lâm đã cởi phăng chiếc áo đang mặc, “niệm chú” rồi treo lên bờ đất và tỷ thí. Một phần do tò mò, một phần để kiểm chứng khả năng siêu biệt lâu ngày chưa được khám phá của ông Lâm ra sao, Cao Thanh Liêm, một tay súng cừ khôi đã nhận tỷ thí. Một xạ thủ cừ khôi, sau khi ổn định tinh thần đã vào bệ ngắm. Đoàng… đoàng… 3 phát nổ kinh hoàng được khai hỏa. Sau tiếng nổ, mọi người cùng kéo nhau ra để kiểm chứng kết quả. Thế nhưng, lạ kì thay, chiếc áo ông Lâm vẫn không hề hấn gì trước 1 tay súng có tên Liêm.
Mặc lại chiếc áo, ông Lâm bảo, phần thưởng ông treo vẫn vậy, ai có khả năng thì cứ đến bản Pan gặp ông mà lấy. Lời thách đố của ông Lâm nhanh như thác đổ, vọt về tận đồng bằng. Theo nhiều người dân trong xã, không ít người đã ngược rừng lên đây tìm gặp ông Lâm để kiếm chứng sự hiếu kỳ cũng như lấy thưởng mà ông Lâm đã thách đố. Nhưng lạ kỳ, tất thảy họ đều phải về không. Họ không hiểu tại sao lại có điều lạ lùng đến vậy.
Theo Báo Công lý