Trước cửa ngôi đình Cây Chim từng tồn tại một cây gạo cổ thụ, dù bị sét đánh không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn xanh tốt lạ thường. Xung quanh ngôi đền này vẫn còn tồn tại nhiều câu chuyện huyền bí, cho đến tận bây giờ vẫn chưa có một lời giải thích rõ ràng…
Từ chuyện đồn thổi
Mảnh đất xứ Mường, Hòa Bình tự bao đời nay vẫn vậy, luôn ẩn chứa trong mình rất nhiều câu chuyện bí ẩn, lạ kì. Những câu chuyện đó cứ truyền từ đời này qua đời khác như một lời răn dạy con cháu thế hệ sau không được mạo phạm đến thánh thần, chà đạp lên những giá trị tâm linh.
Hòa Bình hiện lên với những con đường đất trơn trượt, ngoằn ngoèo, với những cánh rừng bạt ngàn màu xanh. Vẫn còn đó những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, và mặc cho cái nghèo xác xơ bủa vây, tình người nơi đây vẫn ấm nồng.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, bên bếp lửa đỏ rực của đồng bào, ngoài trời là một màu đen xám xịt, tĩnh lặng, chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích. Trong không khí đó, chúng tôi được nghe khá nhiều câu chuyện bí ẩn, lạ lùng xung quanh đình Cây Chim – một ngôi đình cổ giờ chỉ còn một chút dấu tích, thuộc xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Cụ Bùi Văn Phong, năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, là người đã chứng kiến biến bao biến cố, thăng trầm của mảnh đất này, vẫn nhớ như in những câu chuyện lạ lùng đó. Cụ kể rằng, trước đây cả xã Bảo Hiệu gồm có 3 ngôi đình: đình Cây Chim, đình Khoang Khe và đình Rụng. Cả 3 ngôi đình đều gắn liền với những câu chuyện khó tin. Nhưng kỳ lạ nhất, đáng nhớ nhất vẫn là những câu chuyện liên quan đến đình Cây Chim.
“Cụ” cây (gạo) gác đình được dân làng hết mực tôn kính.
Đó là câu chuyện của gia đình ông Bùi Văn An, giờ đã quá cố, từng có thời kỳ làm Xã đội trưởng. Ông chính là người trực tiếp chỉ đạo đập phá đình chùa, miếu mạo, bài trừ mê tín dị đoan trên địa bàn xã. Trong trí nhớ của ông Khuya - người em trai ruột của ông An thì sau sự kiện đó, nhiều câu chuyện lạ lùng đã liên tiếp ập tới gia đình ông An. Cuộc sống gia đình vốn đang cực kì hạnh phúc, con cháu khỏe mạnh, bỗng dưng lần lượt những người con của ông bị mắc chứng bệnh tâm thần, ú a ú ớ và dần dần bị câm hẳn.
Vợ chồng ông An vô cùng lo sợ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông bà đã dành hết tiền của có trong nhà đưa những đứa con của mình đi chữa trị khắp nơi, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm, cho đến khi lần lượt những người con này ra đi lặng lẽ trong sự đau đớn đến tột cùng của cha mẹ già. Những cái chết của các con ông đều diễn ra theo cái cách mà không ai ngờ tới.
Người con cả, năm 30 tuổi, đang khỏe mạnh bình thường thì bỗng nhịn ăn rồi lăn đùng ra chết. Không lâu sau, người con thứ hai cũng ra đi khi mới 22 tuổi đầu. Và rùng rợn, đau đớn nhất là cái chết của người con gái thứ ba, do bị lửa thiêu cháy trong một đêm đông giá rét.
Trong khi đó, dòng họ nhà ông chưa từng có ai bị tiền sử bệnh tâm thần. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng đều không có một câu trả lời rõ ràng. Người con thứ tư của ông may mắn hơn những người anh chị của mình khi đã kết hôn và sinh con đẻ cái, nhưng rốt cuộc cũng bị chết bất đắc kì tử mà không rõ nguyên nhân.
Chưa dừng lại ở đó, một thời gian sau, ông An cũng lăn ra ốm, rồi qua đời. Giờ đây, 2 người con còn sống của vợ chồng ông cũng có vấn đề về thần kinh, đôi lúc không được ổn định.
Một trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với gia đình ông Bùi Văn P., trước đây cũng từng mạo phạm thánh thần khi dùng cờ trong đình mang về tận dụng làm tã lót cho con, lấy những bức tượng gỗ về bổ làm củi nấu. Sau đó, không hiểu nguyên do từ đâu, những người trong gia đình ông trở về với cuộc sống của người nguyên thủy, lúc nào cũng trần truồng, thần kinh không ổn định.
Sau những câu chuyện hết sức kỳ lạ đó, nhiều người cho rằng, sở dĩ những gia đình này bị hậu quả như vậy là do thánh thần trách phạt. Từ ngày đó, tuyệt nhiên không còn ai dám xâm phạm đến những đồ thờ cúng này nữa và những câu chuyện về sự “báo oán”, “trả thù” của thánh thần bấy lâu làm dân làng sợ hãi cũng yên ắng. Ngẫm ra, câu cửa miệng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vốn dĩ có cái lý riêng của nó là như thế.
Đến giai thoại quanh “Cụ cây” gác đình
Một điều liên quan mật thiết đến đình Cây Chim mà không thể không nhắc tới là cây gạo cổ thụ trước cửa đình. Giờ đây, tuy đình đã bị phá, nhưng “cụ cây” này vẫn tồn tại uy nghi giữa đất trời. Hỏi các cụ bô lão trong làng, không một ai biết cây gạo có từ khi nào, chỉ biết rằng, khi các cụ còn nhỏ, cây đã có ở đó, án ngữ trước cửa đình Cây Chim. Người ta tôn thờ và gọi nó là “thần”, là “cụ”, và dĩ nhiên, sau bao nhiêu tai ương ập đến, chẳng còn ai dám có ý định xâm phạm tới cây nữa.
Nói về thế đất đình Cây Chim, ông Phong cho biết, trước đây đình Cây Chim to nhất trong vùng, dùng để thờ cúng các vị thánh thần. Ngôi đình tọa lạc trên một thế đất khá đắc địa, bằng phẳng. Phía trước có một con sông nhỏ uốn lượn, bao quanh ôm gọn lấy ngôi đình. Đấy là thế đất thường được những người có kinh nghiệm chọn lựa để xây dựng đình, chùa, miếu mạo, mong cho cuộc sống của người dân được sung túc, ấm no hơn.
Vài hiện tượng lạ cũng đã xảy ra xung quanh cây gạo này. Đưa chúng tôi ra gốc cây gạo, ông Khuya chỉ tay, bảo rằng cái cột điện cao thế cách gốc cây khoảng 30m trước đây được đặt ngay sát gốc cây gạo này. Từ lúc hoàn thiện, cứ được vài ba ngày là đường dây điện lại bị nổ trụ sứ, đứt dây ở chính cái cột đó. Nhưng oái oăm thay là sứ nổ cứ nhắm vào lúc khoảng 12 giờ trưa, trời đang nắng chang chang và không hề có mưa, gió, sấm, sét gì. Đến lần thứ ba thì những người có trách nhiệm bèn sắm sửa mâm lễ, nhờ người đến cầu khấn, lễ bái và dịch chuyển cột điện ra cách xa thêm mấy chục mét. Từ đó, cột điện không bị nổ sứ hay đứt dây nữa.
Những cụ già nơi đây còn cho biết thêm, cây gạo mỗi năm bị sét đánh trúng rất nhiều lần. Những dấu vết mà các tia sét để lại trên thân cây vẫn còn. Tuy vậy, trong khi nhiều cây cổ thụ khác trong vùng chỉ chịu đựng được vài lần sét đánh rồi chết thì cây gạo ở đình Cây Chim vẫn sừng sững tồn tại, xanh tốt lạ thường. Trước đây, trên cây gạo này thường mọc rất nhiều loại tầm gửi có tác dụng chữa bệnh. Do giá mua tầm gửi khá cao nên nhiều người dân vì quá ham mê tiền bạc đã bất chấp thủ đoạn để trèo lên hái, chặt phá, dẫn đến rất nhiều trường hợp đã bị gãy tay, chân.
Trong nhiều năm qua, người dân trong xã đều mong muốn có thể huy động kinh phí nhằm phục dựng lại ngôi đình thiêng này làm nơi thờ cúng. Tuy vậy, cho đến tận ngày hôm nay, kinh phí để xây dựng vẫn là một rào cản lớn với người dân nơi đây. Chúng ta nên tôn trọng đời sống tâm linh của người dân nhưng phải tránh việc tuyên truyền những câu chuyện chưa có căn cứ rõ ràng, làm hoang mang dư luận.
BTV