Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi - nguyên Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, miếu An Đà thờ hai vị nữ thần được phong là Thành Hoàng làng.
Một vị là Nữ Minh thần Hiển Linh, được triều Nguyễn ban thần hiệu là Đôn ngưng dực bảo trung hưng tĩnh hậu đương cảnh Thành hoàng hiển thánh tôn thần. Bà là tùy tướng của nữ tướng Lê Chân, lập được nhiều chiến công, hy sinh trong chiến đấu. Sau bà được an táng tại gò Cao ấp Đà Cụ, nơi đặt miếu An Đà ngày nay.
Một vị là Tỳ Bà liệt nữ Lê triều Hoàng phi trang huy dực bảo trung hưng trinh nghĩa Nguyễn Thị thượng đẳng thần. Bà là Hoàng phi của vua Lê Chiêu Thống. Khi vua gặp nạn, Hoàng phi đã tuẫn tiết theo chồng. Tấm lòng của bà được quan dân thương mến cảm phục. Vua Gia Long sai dựng bia mộ, ban tặng: “An Trinh tuần tiết Nguyễn Thị Kim”.
Những vị thành hoàng thường hiển hiện linh ứng che chở cho dân, trừ tai, ngăn họa, phù hộ đất nước. Vì vậy được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong.
Bà Phan Thị Bình, thành viên BQL di tích miếu An Đà cho biết: Cây đại ở miếu An Đà là một trong số những cây đại hiếm hoi khó tìm ở Hải Phòng được công nhận là cây Di sản Việt Nam nhờ vẻ đẹp tự nhiên và tuổi đời lâu năm độc đáo. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bom, đạn tàn phá, rất nhiều cây cối, làng mạc bị thiêu rụi nhưng điều kỳ lạ, khu vực miếu An Đà và cây đại cổ thụ vẫn sừng sững cùng thời gian.
Xung quanh cây đại này có khá nhiều câu chuyện huyền bí về sự linh thiêng được người dân truyền tai nhau. Cây đại có đường kính khoảng 1m, cao 15m và tán lá phủ rộng ra xung quanh. Thân cây đại sần sùi, u bướu, nhưng điều lạ lạ cành lá xanh tốt, hoa rất sai, vào mùa hè hoa nở kín cành lá.
Để xác định số tuổi của cây, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử và sinh vật học đã được mời đến miếu An Đà để tìm hiểu về nguồn gốc của cây đại cổ thụ này. Theo sử sách cây đại được cho là có từ thời Lê, số tuổi chính xác cho đến nay là 409 năm tuổi. Tháng 10/2015, cây đại này được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Cây đại này ra hoa quanh năm, tỏa mùi thơm rất đặc biệt, trong đó vào mùa hè hoa mọc phủ khắp các cành lá, rụng kín dưới gốc cây. Người dân trong vùng coi đây như một “báu vật”. Bên dưới gốc cây có bức tượng “ông Hổ đá” – biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực và may mắn.
Hầu hết người dân trong làng có chuyện gì kêu cầu đều tới miếu và ghé qua cây đại cổ thụ. Người ta tỏ lòng thành kính, nguyện cầu bình an, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Đến ngày nay, nhiều cây chuyện kỳ lạ về “thần cây đại” vẫn được người dân trong làng truyền tai nhau. Đó là những câu chuyện về các vị thần hiển linh che chở, bảo vệ người lương thiện, giáng trừ cái ác.
Cây đại cổ thụ cùng khu vực miếu An Đà luôn được người dân chung tay chăm nom, quét dọn sạch sẽ với tấm lòng kính trọng, yêu quý.