Chuyện về người dạy chữ...
Cụ Lê Thiên Lý là một nhà thư pháp số một của Việt Nam và đã sáng tạo ra hai thể thư pháp mới là: Nhân diện thư và Vật điểu thư. Từ khi có nghệ thuật thư pháp, tất cả mọi người đều tuân theo cách viết truyền thống bao gồm 5 thể: Triện, lệ, khải, thảo, hành. Nhưng cụ Lê Thiên Lý đã sáng tạo ra hai thể mới là Nhân diện thư và Vật điểu thư. Hai thể đó mang hơi thở của cuộc sống, buộc người viết chữ phải đưa được cái hồn của sống động nhất của con người, sự vật, hiện tượng vào chữ viết. Ví dụ, cụ viết tên ai thì phải thể hiện rõ thần thái, dáng vóc của người đó qua chữ.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý.
Ở cái tuổi ngoài 70, tuần nào cụ cũng hai buổi đi xe máy 30km để về khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) dạy thư pháp cho những người hiếu học nơi đây bất kể mưa, nắng. Cụ bảo: Trừ khi không có ai học, còn một người tôi cũng phải dạy hết mình. Cụ ngồi trầm ngâm kể lại câu chuyện cái duyên của mình với khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (gọi tắt là đền nhà Mạc): "Tôi viết chữ ở đền Trạng (đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo - Hải Phòng) từ năm 2006. Nói đúng lòng mình, khi tôi nổi tiếng tôi vẫn nghĩ nhờ có ân đức của cụ Trạng Trình. Tôi vẫn về đó viết chữ hàng tuần. Viết chữ ở đền Trạng để khơi dậy tinh thần hiếu học trong nhân dân".
Năm 2009, đền nhà Mạc mới bắt đầu xây dựng. "Kỳ lạ thay, khi đền nhà Mạc bắt đầu khởi công xây dựng, tôi thường nằm mơ thấy một người tướng mạo đẹp kỳ lạ nói rất rõ ràng: Ta mời con về đất của ta dạy chữ cho con dân ở đó. Phải làm cho mọi người yêu được chữ thì con mới hoàn thành trách nhiệm của mình. Lúc đó, tôi cứ nghĩ bậc cha ông chỉ bảo mình lên Hà Nội viết thư pháp. Năm 2010 có sự kiện đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi viết 1000 chữ Long trong chương trình đại lễ.
Khi khu đền nhà Mạc hoàn thành, như có một điều gì đó thôi thúc cụ Lý, buộc cụ phải lặn lội về đó viết chữ. "Tìm hiểu kỹ về khu tưởng niệm, ngẫm nghĩ kỹ những chuyện xảy ra với mình, một cái gì đó là tâm linh tôi cũng không giải thích được nên tôi về đây viết chữ. Mạc Đăng Dung trước đây là một người rất coi trọng việc học. Dưới thời vương triều nhà Mạc, nền khoa cử của nước nhà phát triển rực rỡ. Mạc Đăng Dung sau khi làm vua 3 năm đã về khu vực Đồ Sơn, mở những lớp học dạy con dân và làm những hội khai bút đầu năm ở khu vực Kiến Thụy bây giờ", cụ Lý kể.
... và sự trùng hợp lạ kỳ
Khi cụ Lê Thiên Lý đưa ra ý tưởng làm lễ hội khai bút đầu năm, cụ không biết gì về lễ hội khai bút đầu năm của vua Mạc Đăng Dung. Đề án làm lễ hội khai bút đầu năm của cụ Lê Thiên Lý được cụ viết từ năm 2009, lúc đó đền nhà Mạc mới chuẩn bị xây. Nhưng những chi tiết cụ Lý xây dựng nên thì giống như miêu tả lễ hội khai bút trong cuốn lịch sử về vương triều Mạc ở Kiến Thụy. Kỳ lạ là cụ Lê Thiên Lý chưa hề đọc cuốn lịch sử đó, nhưng cụ lại nêu chính xác những gì diễn ra ở những lễ hội khai bút đầu năm mà vua Mạc Đăng Dung đã từng làm. Thậm chí, ý tưởng làm một cái bút cho lễ hội khai bút đầu năm của cụ Lý chính xác với cây bút truyền thuyết Linh Thần Bút của vua Mạc Đăng Dung được vị sư ở chân núi Tường Long (Đồ Sơn) tặng.
Truyền thuyết kể rằng: Vua Mạc Đăng Dung vốn là một ngư dân. Ông là người có tướng mạo đẹp phi thường. Một lần nằm mơ, ông thấy có lời chỉ dẫn của vị thiền sư Không Lộ bảo ông nên đi ra phía biển để tầm sư học đạo. (Đó là vị sư nổi tiếng cũng có xuất thân từ nghề đánh cá như Mạc Đăng Dung. Thiền sư Không Lộ đã có công rất lớn với đất nước). Tỉnh dậy, chàng trai Mạc Đăng Dung đã thẳng tiến đường ra biển Đồ Sơn bây giờ, đến chân núi Tường Long thì vừa tu, vừa học đạo của một vị cao tăng tài ba ở đó. Sau khi lĩnh hội trọn vẹn kiến thức về thao lược, về văn hóa,... chàng trai Mạc Đăng Dung được vị cao tăng trao tặng cho cây bút thần kỳ. Ông đã gây dựng đất nước từ cây bút đó. Sau này, Mạc Đăng Dung trở thành một trong những vị vua coi trọng việc dạy chữ nhất trong lịch sử Việt Nam.
Bộ chén uống rượu dùng để dâng rượu trong những lần làm lễ ở khu tưởng niệm các vương triều nhà Mạc.
Chị Trần Kim Liên, người theo cụ Lý kể từ khi cụ bắt đầu đi viết thư pháp đến giờ kể: "Từ ngày cụ (cụ Lê Thiên Lý) về đây (đền nhà Mạc), tất cả những công to việc lớn gì liên quan đến thư pháp nếu không làm ở đền nhà Mạc trước thì không thể thực hiện ở đền Trạng Trình. Như năm 2010, cụ muốn làm cái sự kiện khai bút đầu năm ở đền Trạng vì nghĩ đó là sự kiện văn hóa tôn vinh truyền thống học của dân tộc. Kỳ lạ là kế hoạch đó cứ một hai bị ban quản lý nhà đền bác bỏ trong khi trước đó những việc cụ Lý làm luôn được nhà đền, UBND huyện Vĩnh Bảo ủng hộ.
Khi thầy trò chúng tôi trình bày mong muốn làm lễ khai bút đầu năm với ban quản lý đền thì được ủng hộ nhiệt tình". Lễ hội khai bút đầu năm được triển khai ở đền nhà Mạc từ năm 2012 đến nay là lần thứ hai. Bất ngờ là một ngày tổ chức lễ hội khai bút ở đây thu hút cả vạn người đến, mà không cần thông báo ồn ào. Dự kiến của ban quản lý đền ban đầu cũng chỉ làm nội bộ.
Việc dạy chữ của cụ Lý cũng vậy. Cụ muốn mở những lớp dạy thư pháp miễn phí cho mọi người ở đình Hàng Kênh, nhưng mọi việc cứ trục trặc. Cho đến khi cụ mở lớp dạy viết thư pháp ở đền nhà Mạc thì cụ mới dạy được ở những nơi khác. "Đó là điều khó lý giải nhưng thầy trò tôi tin vào sự linh thiêng, tôn nghiêm của đền nhà Mạc", chị Liên cho biết.
Làm việc sai vào đền sẽ bị phạt
Niềm tin vào chính nghĩa là điều rất tốt Ông Ngô Minh Khiêm, phó trưởng phòng Văn hóa - Thể thao & Du lịch huyện Kiến Thụy chia sẻ ý kiến về những câu chuyện tâm linh xung quanh khu tưởng niệm: “Đối với những câu chuyện tâm linh, tôi không dám đưa ra những ý kiến đánh giá sâu. Chỉ có điều, một vài câu chuyện tôi cũng đã từng chứng kiến, như trường hợp cụ Lê Thiên Lý và câu chuyện người dân trả lại bộ cửa gỗ. Có thể đó là câu chuyện trùng hợp. Nhưng ở góc độ văn hóa, yếu tố tâm linh sẽ là chỗ dựa cho niềm tin của người dân khi đến khu tưởng niệm các vị vua nhà Mạc. Họ sẽ giữ niềm tin vào chính nghĩa, vào những nguyên tắc tốt đẹp của cuộc sống thì cũng là điều rất tốt". |
Người dân xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy thường kể về câu chuyện: Có người đến đền nhà Mạc, cởi dép và ném qua mặt người khác trước cửa chính của khu tưởng niệm 12 vị vua nhà Mạc. Người này sau đó về không ngủ yên ngày nào vì bị trách mắng thái độ vô lễ khi vào đền. Sau đó, người này phải đến đền, thắp hương tạ tội.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về đền nhà Mạc là câu chuyện về chiếc cửa gỗ được trả lại đền năm 2011. Anh Đào Văn Khiển, nhân viên hướng dẫn khách du lịch của đền kể: Một buổi chiều muộn năm 2011, tôi không nhớ đó là tháng mấy, có một gia đình chở một ô tô những cánh cửa gỗ xin vào đền. Chủ nhà là một người giàu có trong huyện Kiến Thụy. Anh này làm một ngôi nhà gỗ. Ngôi nhà không thể hoàn thành được trong gần một năm trời, cứ chuẩn bị hoàn thành thì gặp trục trặc không hỏng cái nọ lại gặp tai nạn kia. Tìm hiểu nguyên nhân, người chủ nhà kia biết là mình đã mua phải gỗ từ những người ăn trộm gỗ của công trình xây dựng khu tưởng niệm nhà Mạc. Người chủ nhà sợ hãi mời thầy, mang bộ cửa đến và xin làm lễ trả lại bộ cửa đó. Sau đó, căn nhà gỗ kia mới được hoàn thành.
Theo những người dân xung quanh, ai vào đền nhà Mạc đều phải có ý thức tôn trọng những quy định, những nghi lễ với các vị vua. "Ai gặp những chuyện oan ức đến kêu cầu với các vị vua. Nếu người đó oan thật sẽ được giải oan. Các vị vua luôn che chở và bảo vệ cho những người dân lương thiện. Ngược lại, nếu tâm địa mà xảo trá, đến đây kêu cầu sẽ bị trừng phạt nặng hơn. Bởi thế ai cũng tin sự nghiêm minh của các vị vua nhà Mạc", chị Liên kể.
Chị Phạm Thị Thanh Hiền, cán bộ sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết: Khách du lịch đến đây đều hiểu nơi đây thờ các vị vua nên nguyên tắc lề lối rất được coi trọng. Mọi nghi lễ ở khu tưởng niệm các vị vua nhà Mạc đều phải đúng phép tắc.
Đặng Tuyền