Những chuyện ly kỳ, rúng động tại đền Mạc (kỳ 4)

Những chuyện ly kỳ, rúng động tại đền Mạc (kỳ 4)

Thứ 4, 15/05/2013 09:55

Tấm bia chỉ nặng khoảng 1 tấn nhưng xe tải và dây cáp to kéo đứt 6 lần dây vẫn không lôi được lên khỏi lòng mương.

Chỉ đến khi “quan huyện” sắm lễ xin thổ thần, bia đá mà trước đây ghi chuyện quân lương của Mạc triều mới đưa được về Từ đường họ Mạc ở Kiến Thụy (Hải Phòng).

Nhấc bia 1 tấn, cáp đứt 6 lần

Đó là những năm 2004, vào thời điểm Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai (Kiến Thụy, Hải Phòng) vừa được Bộ Văn Hóa – Thông tin (cũ) trao Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Không biết là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay sự sắp xếp kỳ lạ của trời đất mà đúng vào ngày hôm đó, 1 số người dân vét mương thủy lợi Trại Lăng (xã Ngũ Đoan) và phát hiện thấy 1 chiếc bia đá liên quan đến triều đại nhà Mạc.

Miền bắc - Những chuyện ly kỳ, rúng động tại đền Mạc (kỳ 4)
6 lần dùng dây cáp và xe tải kéo vẫn không đưa được tấm bia ra khỏi lòng mương

Người già, người trẻ cảm thấy kỳ lạ vì con mương Trại Lăng này đã tồn tại hàng mấy thế kỷ, và cũng đã trải qua không biết bao nhiêu lần nạo vét, khơi dòng nhưng chưa ai thấy được sự hiện diện của tấm bia trên.

Các cụ cao niên, các nhà nghiên cứu được mời đến để xác định “danh tiếng” của tấm bia. Và ý kiến được ủng hộ nhất là tấm bia được chôn cùng những kỷ vật của triều Mạc lúc Dương Kinh (kinh đô nhà Mạc xưa) bị tàn phá. Nhưng tại sao trải qua bao lần nạo vét mà phải “đợi” đến khi Từ đường họ Mạc trở thành Di tích lịch sử Quốc Gia tấm bia mới “hiện” lên thì ai cũng lắc đầu không giải thích được.

Hàng trăm năm chìm sâu trong lòng đất ẩm thấp, tuy nhiên tấm bia đá vẫn không có dấu hiệu hư hại quá nặng. Tấm bia cao 2,15m, rộng 1,15m và dày 0,25m, bằng đúng kích thước khi được đúc nên. Trên tấm bia có khắc những dòng chữ Hán nhưng trải qua nhiều năm, dòng chữ này đã bị mờ và không nhìn rõ mặt chữ.

Tìm gặp ông Phạm Văn Đới (Nguyên Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy), cũng là người trực tiếp chỉ huy cuộc “khai quật” tấm bia trên thì được biết, sau khi được phát hiện, tin tức bia đá đã lan truyền rất nhanh. Tin đến tai lãnh đạo huyện, ai cũng cảm thấy phấn chấn kỳ lạ vì linh cảm thấy đây chính là di sản quý giá của Mạc triều.

Sau đó không lâu, việc trục vớt bia đá được tiến hành. Nhưng như ông Đới bảo, tấm bia chỉ nặng khoảng trên dưới 1 tấn, nhưng để trục vớt lên được còn vất vả hơn vớt cả con tàu nặng gấp cả ngàn lần.

Trước khi tiến hành trục vớt, việc đầu tiên là đoàn trục vớt và con cháu họ Mạc cùng chính quyền địa phương tổ chức dâng kính lễ tại Từ đường họ Mạc. Thậm chí, 1 vị “cao tăng” cũng được mời về để trợ duyên. Hàng ngàn người dân Kiến Thụy đến chứng kiến cuộc trục vớt bia đá.

Lúc đầu, 1 dây cáp và chiếc ô tô tải được đưa đến để trục vớt. Mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ, cẩn thận để công việc nhanh chóng, thuận lợi. Ai ngờ cả thảy 6 lần mắc cáp và dùng ô tô tải để kéo tấm bia đá 1 tấn lên khỏi lòng mương đều thất bại. Các dây cáp đều bị đứt tung một cách kỳ lạ dù đó đều là những chiếc dây to, chắc chắn.

“Bản huyện” sắm lễ cầuThổ thần mới ứng nghiệm

Ông Đới bảo, vốn không phải là người mê tín, nhưng ông cũng không hiểu được chuyện gì đang xảy ra trước mắt mình. Trời càng gần về cuối ngày, công việc càng gấp gáp, nhưng nhìn những gì đang xảy ra, ai ai cũng bất lực vì công cụ và sức người quá thừa để nâng bia, nhưng dường như có điều gì đang cản trở tất cả. Lúc này, cả ngàn người chứng kiến, mỗi người 1 ý, khoang đất rộng chưa đầy ngàn mét vuông ồn ào như vỡ chợ.

Đúng lúc đó, 1 người không rõ từ đâu tới, chẳng ai quen mặt đến cạnh ông Đới và “phán” : “Đây là thần khí của triều Mạc, do thổ thần coi giữ. Muốn vớt bia đá lên, “quan” huyện phải có lời, nếu không cả huyện đến hợp sức cũng chẳng kéo nổi bia lên đâu”.

Nghe xong, ông Đới toát hết mồ hôi hột. Vị thần đó ở đâu để tìm đến mà “có lời” thì ông Đới không biết. May thay có người chỉ vị thần trông coi bia đá đang ngự trong 1 ngôi miếu cổ cách bia đá hơn 100m về phía Bắc. Ngay lập tức, ông Đới bèn cử người đi sắm lễ rồi tự mình cẩn trọng thỉnh cầu.

Năm nay đã chạm ngưỡng thất thập, nhưng chẳng hiểu sao, gần chục năm rồi mà ông Đới vẫn nhớ nguyên văn từng câu chữ lời thỉnh cầu ngày xưa. Ông cầu rằng: “Bản huyện không là người trong làng nên không biết có Thần linh ngự ở đây. Nay dâng chút lễ mọn xin được thỉnh lời, mong Ngài đa lượng đại xá. Còn trục vớt thạch bia là việc Quốc giao, không thể dừng. Bản huyện thành tâm thỉnh lời, mong Ngài cởi bỏ lực thiêng, phù hộ độ trị chung tay trợ giúp, Quốc vụ mau thành. Bản huyện xin dâng lời trọng tạ”.

Làm lễ xong, ông Đới cảm thấy như trút được gánh nặng ngàn cân đang đè xuống tâm trí mình. Cũng từ đó ông có linh cảm là việc trục vớt bia hôm nay chắc chắn sẽ xong.

Trở lại chỗ con mương, khi đám thợ thuyền đang thu lại dây cáp bị đứt để thay cáp mới, ông Đới liền bảo: “Không cần thay cáp, cứ giữ nguyên cáp cũ, chỉ việc nối lại là xong, việc chắc chắn thành”.

Bán tín bán nghi, cánh thợ đã nối lại dây cáp vừa đứt rồi buộc vào tấp bia để kéo lên. Và chuyện vô cùng kỳ lạ đã xảy ra, vẫn chiếc xe đó kéo nhưng lần này tấm bia được kéo lên nhẹ nhàng như không. Vận chuyển bia về Từ đường họ Mạc cũng vô cùng thuận lợi.

Ông Đới bảo, chuyện lạ ông nghe nhiều, nhưng chính mắt thấy thì đây mới là lần đầu. Đến giờ, từng khoảnh khắc của ngày hôm đó vẫn cứ như in trong đầu ông.

Tấm bia đó sau này đã có nhiều nhà khoa học về in dập mộc bản nhưng chưa có bản dịch. Qua một số chữ còn sót lại rõ nét thì có vẻ như đây là tấm bia ghi chuyện quân lương.

Theo Pháp luật Việt Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.