Những chuyện tình xuyên biên giới giữa đại ngàn

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Vượt qua cách trở núi rừng những mối tình ở thôn A Bã, xã Nhâm, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế được nhiều người ví như những bản tình ca lãng mạn giữa đại ngàn.

Hàng chục năm nay A Bã vẫn được biết đến là thôn bản có nhiều mối tình xuyên biên giới nhất : "Chồng người Việt Nam, vợ người Lào hay ngược lại ở A Bã có nhiều lắm", Phó trưởng công an xã Nhâm Hồ Văn Xiếp giới thiệu với chúng tôi.

Đôi vợ chồng trẻ Hồ Thị Lợi, Akiêng Sin thẹn thùng kể lại chuyện tình của mình

Chuyện tình xuyên biên giới

Thôn A Bã cách trung tâm xã Nhâm chừng 2 km về phía Tây. Nhìn những túp nhà từ xa lọt thỏm giữa núi rừng, anh Hồ Văn Xiếp dừng xe chỉ về phía đó rằng: "Đấy là thôn A Bã mà chúng ta sắp tới, từ ngày mở con đường vào thủy điện người miền xuôi đến A Bã dễ dàng hơn. Dừng chân trước một ngôi nhà bê tông vừa xây xong, người phụ nữ trạc tuổi 30 ngơ ngác nhìn khách lạ tò mò, sau một hồi anh công an xã nói xì lô xì la gì đó, người phụ nữ cười vui vẻ rồi trải chiếu rót nước lá rừng mời khách.

Chị giới thiệu tên mình là Lê Thị Ngột, sinh năm 1979: "Mình thuộc dân tộc Pa Cô, mình lập gia đình năm 1998 nay có 4 con rồi. Chồng mình là anh Bình, năm nay 36 tuổi, người Lào, chị Ngột bập bẹ tiếng Kinh nói. Khi chúng tôi hỏi vui chị "tán" anh hay anh "tán" chị ?", người phụ nữ này ngượng ngùng cười: "Mình với bố mẹ chuyển lên A Bã năm chín ba (1993), dịp đó anh Bình từ Lào sang buôn bán, làm ăn nên chúng mình quen nhau. Năm năm sau hai gia đình tổ chức lễ cưới, anh Bình "tán" mình trước" chị Ngột tủm tỉm cười rồi xếp bàng đôi chân ngồi một cách ý tứ.

Bỗng từ cổng nhà có tiếng xe máy, người phụ nữ Pa Cô ngoái đầu nhìn ra như một cử chỉ bản năng của người vợ ngóng chồng mỗi ngày. Chị mộc mạc giới thiệu: "Chồng mình đó, anh vừa ra chợ mua phân bón về bón cho mấy đồi ngô trên rừng. Ngôi nhà này được xây nhờ tiền bán ngô vụ trước, nhờ trồng ngô mà nhà mình đủ ăn, có tiền cho con đi học", nói đến đây nét mặt chị Ngột cười rạng rỡ hẳn lên.

Trở lại với câu chuyện tình yêu xuyên biên giới của đôi vợ chồng trẻ này, anh Hồ Văn Bình, dân tộc Tà ôi, trước đây trú ở xã Tà Xeng A Linh, huyện Klum, tỉnh Sê Kông, Lào nay vì yêu chuyển sang sinh sống ở xã Nhâm cười ngượng kể lại : "Từ quê cũ ở Lào sang đây mất một ngày đi đường rừng, phải vượt sông A Sáp, A Linh, dốc A Cức mới đến A Bã. Trong một lần đi bán chuối mình biết mặt Ngột và bắt đầu hẹn hò từ đó, tháng nào mình cũng sang đây hơn mười lần, ở lại hai ba đêm mới trở về Lào".

"Thế Bình không sự trai bản ở đây chặn đánh à?" chúng tôi hỏi đùa. Bình xì xào giọng bản địa một lúc với vợ rồi quay sang phía chúng tôi: "Sợ chứ, lần nào sang cũng đi đông lắm, sợ nhưng đã thương mẹ nó rồi nên cũng mạnh dạn hơn. Có thế hôm nay mình mới ở A Bã này nói chuyện với nhà báo", chàng thanh niên Lào cười sảng khoái nhưng không quên liếc nhìn vợ ý nhị.

Những tình yêu thanh khiết

Như để minh chứng cho tình cảm của mình, Hồ Văn Bình bước ra giữa sàn nhà hát điệu Snớt mà năm xưa anh vẫn hát làm tín hiệu hẹn hò bạn gái: "Mỗi khi hẹn gặp nhau, mình đứng dưới nhà hát điệu Snớt rồi Ngột biết ý mà xin ra ngoài, nhưng không được nói chuyện quá lâu vì bố mẹ không cho, nói một lúc rồi cầm tay tạm biệt thôi", anh Bình quay sang nắm tay vợ ôn lại kỉ niệm năm nào.

Vợ chồng anh Hồ Văn Bình và chị Lê Ngột chung sống hạnh phúc bên những đứa con mang hai dòng máu Việt - Lào

Cạnh nhà vợ chồng anh Hồ Văn Bình là hai vợ chồng trẻ Hồ Thị Mễ và anh Nguyễn Văn Trao. Cô gái Mễ là người Tà ôi sống bên Lào theo gia đình di cư sang Việt Nam năm 1997, Mễ tâm sự rằng lúc mới đến A Bã có rất nhiều chàng trai đến tìm hiểu nhưng Mễ chỉ phải lòng anh chàng Trao ngang tuổi mình: Duyên số thôi, anh Trao tới nhà gặp mình rồi cười thôi, anh ấy nói yêu mình rồi xin bố mẹ mình cho làm lễ rước vợ cuối năm ngoái đó, cô gái trẻ tròn tuổi đôi mươi e thẹn với chiếc bụng bầu đã năm tháng.

"Ở đây trai gái yêu nhau chỉ ra bờ suối nói chuyện chứ không đi phố uống cà phê như dưới thị trấn mô, mình với chồng Trao cũng như vậy thôi. Con trai trên này nói chuyện không hay như người dưới xuôi mô”, Mễ thổ lộ chuyện tình cảm của mình.

Một chàng trai Lào khác cũng đã kết duyên với cô gái Việt Nam nhờ những lần hộ tống bạn vượt rừng sang A Bã gặp bạn tình. Đó là trường hợp của Akiêng Sin, bạn hàng xóm với Hồ Văn Bình, Akiêng Sin kể rằng trong dịp đám cưới Bình đã tình cờ làm thân với chị Hồ Thị Lợi, ngụ thôn A Bã, xã Nhâm.

Sau hơn hai năm băng rừng lội suối sang đất Việt tỏ tình, cuối cùng Akiêng Sin chinh phục được trái tim cô sơn nữ Hồ Thị Lợi, Sin kể : "Mùa hè nước sông cạn vượt còn dễ chứ về mùa mưa nguy hiểm lắm, nước lên nhanh, có ngày chỉ vài giờ đồng hồ mà nước chảy xiết dâng cao, không thể về được. Hay như dốc A Cức phải mất 5 giờ đồng hồ mới đi hết, không biết sao lúc đó mạnh mẽ thế nữa, Sin bế đứa con nhỏ trên tay cười.

"Anh ấy là mối tình duy nhất của mình, hiện vợ chồng mình có hai con nhỏ bốn tuổi rồi, hai vợ chồng làm rẫy, trồng lúa nước và nuôi heo, nuôi bò nên ổn định được cuộc sống”, chị Lợi tâm tình.

Mong được danh chính ngôn thuận

Toàn thôn A Bã có 39 hộ với 189 nhân khẩu nhưng có đến 25 trường hợp vợ chồng là hai người có quốc tịch khác nhau. Trớ trêu rằng trong 25 trường hợp tình xuyên biên giới chỉ có duy nhất vợ chồng anh Hồ Văn Bình là có đăng kí kết hôn do anh Bình chuyển từ xã Hồng Trung lên.

Anh Hồ Văn Xiếp, Phó trưởng công an xã Nhâm trình bày: "Hiện trên địa xã có nhiều người di cư từ Lào sang và kết hôn với người Việt nhưng chưa được nhập quốc tịch nên chúng tôi chưa thể hoàn thành thủ tục đăng kí kết hôn với những trường hợp này". Anh Xiếp cũng cho biết thêm : "Hiện chúng tôi đang rà soát, lập danh sách những người chưa nhập quốc tịch Việt Nam để tiến hành hoàn tất hồ sơ nhập quốc tịch cho những người này sau đó mới đăng kí kết hôn cho những cặp vợ chồng có người chưa nhập tịch".

Bộc bạch với chúng tôi, hầu hết những gia đình có vợ hoặc chồng là người Lào đều nguyện vọng sớm được nhập tịch để đăng kí kết hôn. Akiêng Sin bày tỏ mong muốn: "Mình nghe cán bộ nói đợt này chuẩn bị cho nhập quốc tịch Việt Nam. Mình vui lắm, mong được nhập tịch để lên xã đăng kí kết hôn với vợ, chung sống vợ chồng phải đăng kí kết hôn, mình nghe trên ti vi nói vậy".

Cùng nguyện vọng, anh Hồ Văn Mơ có vợ là người Lào nói: "Hai vợ chồng chung sống lâu rồi nhưng vẫn chưa đăng kí kết hôn do vợ mình chưa nhập quốc tịch Việt Nam, mong cán bộ sớm tạo điều kiện để vợ chồng mình và nhiều người khác sớm được đăng kí kết hôn đúng pháp luật".

Mai Long

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.