Đi lên từ đôi bàn tay trắng
Ghé thăm thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội vào một buổi chiều cuối tháng 9, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Tài, không ai trong thôn là không biết. Theo chỉ dẫn, chúng tôi men theo con đường nhỏ, cây cối um tùm... lên giữa lưng chừng đỉnh núi thì thấy ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, đó là nơi sinh sống của vợ chồng ông Tài.
Phải rất khó khăn chúng tôi mới trò chuyện được với ông Nguyễn Văn Tài (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đầm (79 tuổi) bởi do tuổi cao nên thính lực của hai cụ rất kém. Ông Tài cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngày còn trẻ, ông Tài đi bộ đội nhưng chỉ vài tháng sau vì mắt kém nên ông được xuất ngũ trở về quê hương.
Từ đó, ông ở nhà tham gia lao động sản xuất cùng cha mẹ. Trong một lần đi làm đồng, ông gặp bà Đầm. Vì thương mến người con gái hiền lành, chịu thương, chịu khó nên sau một thời gian ngắn tìm hiểu, cả hai sớm về chung một nhà. Khi đó ông Tài 19 tuổi còn bà Đầm 20 tuổi.
Ông Tài cho biết: “Bà ấy hơn tôi một tuổi, nhưng chúng tôi không quan trọng tuổi tác, thấy thương nhau, quý nhau nên cả hai xin phép người lớn tổ chức đám cưới. Ngày đó, gia đình tôi nghèo lắm lấy nhau về ở với nhau mà chẳng có gì, vẫn phải ở chung nhà với người anh rể. Dù thế, chúng tôi không bao giờ có xích mích mà rất mực thương yêu nhau”.
Rồi 3 đứa con lần lượt ra đời. Ngày ngày đôi vợ chồng trẻ chăm chỉ làm lụng, mò cua bắt ốc kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Theo chia sẻ của ông Tài, ngày ấy, vợ chồng ông chỉ có hơn 3 sào ruộng mà nhà có 5 miệng ăn nên chẳng khi nào dư giả “Chúng tôi nghèo chẳng có gì, hàng ngày bà nhà tôi ra đồng, tôi thì đi bắt cá, mò cua về cả nhà rau cháo nuôi nhau. Trong cái khó ấy, chúng tôi luôn động viên nhau biết nhìn về tương lai, nhìn về phía trước cố gắng làm, chắt chiu rồi ắt sẽ qua cơn đói khổ. Nhưng, có lẽ chúng tôi chưa gặp may nên cái nghèo vẫn mãi đeo bám”, ông Tài chia sẻ.
Nói tới đây, giọng ông Tài chùng xuống: “3 người con của tôi đã lập gia thất nhưng hoàn cảnh của chúng cũng nghèo khó nên chẳng giúp đỡ được gì cho bố mẹ già cả. Phận làm cha, làm mẹ chúng tôi không hề oán trách con mà ngược lại thương con nhiều hơn”.
60 năm tình vẫn vẹn nguyên
Nên duyên vợ chồng với đôi bàn tay trắng, cùng nhau trải qua bao gian khó nuôi nấng con cái nên người, nhưng tới thời điểm hiện tại, họ vẫn là “hộ nghèo bền vững”. Dù thế, đời sống tình cảm của họ vẫn phong phú, nguyên sơ như ngày mới yêu.
Ông Tài bộc bạch: “Nhiều lúc, tôi tự trách mình là người cha, người chồng nhưng chưa bao giờ cho vợ con có được một cuộc sống đủ đầy về mặt vật chất. Tuy nhiên, điều tôi cảm ơn vợ - người đã luôn đồng hành cùng tôi đó chính là tình cảm mà bà dành cho tôi là chân thật, chưa khi nào bà kêu khó, kêu khổ và chưa một lần nặng lời với chồng”.
Cách đây 4 năm, hai mắt của bà Đầm bị mờ, không còn nhìn thấy đường đi lối lại nữa. Đôi tai cũng khó nghe, phải kề sát miệng và hét to bà mới nghe thấy. Vì thế, một mình ông Tài đứng ra quán xuyến, lo lắng hết mọi việc trong gia đình.
“4 năm nay, bà ấy không nhìn thấy nữa nên mọi sinh hoạt của bà từ ăn uống, giặt giũ tôi đều làm hết. Hàng ngày, sáng sớm tôi đi chợ mua đồ ăn cho hai vợ chồng, về nhà là lại vào bếp nấu nướng sau đó ăn cùng nhau. Rồi thi thoảng vợ buồn, tôi lại bóp chân bóp tay, động viên an ủi, trò chuyện cùng vợ. Vợ chồng tôi thường nhắc lại với nhau những chuyện đã qua”, ông Tài tâm sự.
Trong lúc ông Tài trò chuyện với chúng tôi, bà Đầm ngồi bên cạnh nắm chặt tay chồng. Bà cho biết thêm: “Chúng tôi khổ từ lúc làm bạn với nhau đến giờ. Hiện tại, hai mắt tôi không nhìn thấy, người khác phải nói to vào tai mới nghe được nhưng ông vẫn ân cần, chu đáo lắm. Từ ngày tôi lâm bệnh, một mình ông ấy quán xuyến hết việc nhà cửa, bếp núc, giặt giũ... Nhiều lúc tôi bật khóc, thiết nghĩ, ở cái tuổi gần đất xa trời rồi mà ông ấy vẫn không được nghỉ ngơi”.
Chưa dừng lại ở gánh nặng kinh tế, ông bà còn phải chịu nỗi đau khi phải xa con gái hơn mấy chục năm qua. Ông Tài ngậm ngùi kể lại: “Vợ chồng tôi có một cô con gái, lớn lên tôi gả con cho một chàng trai làng bên, nhưng vì áp lực bên nhà chồng, bị đánh đập quẫn quá con đã bỏ đi... Tới nay, con tròn 50 tuổi rồi, nhưng vẫn không có tin tức gì của con. Vợ chồng tôi mòn mỏi tìm kiếm, chỉ mong sao đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể gặp lại con”.
Hiện tại, cuộc sống của vợ chồng ông Tài sống nhờ vào số tiền trợ cấp hộ nghèo 700.000 đồng/tháng. Số tiền đó, ông bà chắt chiu, dành dụm phòng khi ốm đau và để một phần ăn uống. Khi PV hỏi làm sao để ông bà dù nghèo nhưng vẫn sống được với nhau, ông Tài chỉ cười nói: “Tôi nghĩ rằng, cuộc sống này vốn rất công bằng, nồi nào úp vung nấy. Vợ chồng tôi tuy nghèo thật nhưng tình yêu mà tôi dành cho bà ấy hay bà ấy dành cho tôi là chân thật, như vậy là đủ”.
Còn với bà Đầm, ở cái tuổi gần 80 nhưng bản thân bà lúc nào cũng luôn cảm thấy may mắn khi có một người bạn đời chung thủy, luôn dành cho bà sự nâng niu và trân trọng nhất: “Các cụ xưa có câu: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”, tôi thấy chuyện tình yêu của chúng tôi cũng giống như vậy, trải qua bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống thì giờ gần cuối đời chúng tôi vẫn bên nhau. Tôi không biết mai đây, tôi hay ông ấy sẽ đi sang thế giới bên kia trước, nhưng ở thời điểm hiện tại tôi chỉ biết rằng trong cuộc đời này nếu thiếu vắng ông ấy tôi sẽ buồn nhiều lắm”.
Trong suốt cuộc chia sẻ với PV, hai ông bà lúc nào cũng nắm chặt tay nhau, họ nói rằng cuộc đời này dù có nghèo khổ hay sung sướng thì đến lúc lìa đời, mọi của cải vật chất cũng chẳng mang theo được. Vì thế, họ hài lòng với những gì mình có, và càng hài lòng hơn là bởi họ sinh ra là để dành cho nhau.
60 năm sống cùng nhau, hai con người ấy, hai trái tim ấy vẫn luôn hòa chung một nhịp. Họ hướng về nhau, sống có trách nhiệm với nhau và với những đứa con để rồi người đời vẫn thường gọi tình yêu của họ là “Tình nghèo vẫn luôn có nhau”.
(Còn nữa)