Những cuộc hôn nhân cưới vội - tan nhanh
Trên một diễn đàn nổi tiếng của giới trẻ, topic “Sao 9x bây giờ lấy chồng sớm thế nhỉ?” dài 20 trang, thu hút nhiều ý kiến của thành viên. Những câu chuyện dạng “Có 2 đứa bạn sinh năm 95 lấy chồng từ hồi hết lớp 9, xung quanh nhà thì toàn đứa 96-97 năm ngoái đã lấy chồng.
Nói chung là cứ khoảng từ hết lớp 9 đến lớp 12 thì lấy hết rồi, còn lại ít đứa thì học hết lớp 12 không đỗ đh thì lấy nốt”, hay “Năm vừa rồi em tốt nghiệp 12, sau khi thi đại học xong, 2 tháng sau nhận thiệp cưới bạn lấy chồng, 6 tháng sau nó sinh con”… khiến các member trên diễn đàn không khỏi giật mình.
Yêu nhanh nên cưới gấp... (Ảnh minh họa). |
Đó là những trường hợp cưới sớm của 9x đời giữa, còn với 9x sinh năm 92, 91 (21 - 22 tuổi) thì việc cưới xin còn nhiều không kể xiết. Chuyện những cặp vợ chồng 9xhoặc cuối 8x lấy nhau “nhanh hơn tên lửa” đã không còn là trường hợp hiếm hoi hiện nay. Nếu như ở nông thôn hoặc miền núi, chuyện tảo hôn, sớm lập gia đình dễ được chấp nhận, thì ở thành phố, chuyện lập gia đình sớm lại là một bức tranh hoàn toàn khác, với các lý do, mục đích khác hẳn.
Một diễn đàn khác dành cho phụ nữ, topic “Những ai lấy chồng sớm vào đây tâm sự” cũng thu hút nhiều chị em tham gia. Bên cạnh số ít chị em cảm thấy tuyệt vời khi lấy chồng từ năm 18 - 19 tuổi, đã có từ 1 tới 3 con, thì phần lớn, đều là comment đại loại như “Buồn, chán, hối hận là 3 từ miêu tả cảm giác của tôi”, “Chán lắm, giờ mỗi người một nơi, con mình nuôi, chồng cặp hết đứa này đến đứa khác”… Dường như, việc cưới nhau quá dễ dàng, nhanh chóng của giới trẻ, rồi sau đó không dẫn đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, mà lại chỉ tồn tại 1 - 2 năm, sau đó là ly thân, ly dị và không ngừng chửi rủa nhau trên mạng xã hội, tranh giành quyền nuôi con – đã trở thành một hiện tượng xã hội đáng lưu tâm trong thời điểm hiện nay.
Có thể gặp những trường hợp “vội vã cưới – vội vã ly hôn” này ở khắp nơi. Và đều có một đáp án chung là: vợ/chồng ôm con về ở nhà ngoại/nhà nội, giao phó con cho phụ huynh hai bên, hai vợ chồng gần như không nhìn mặt nhau. Yến Lan (sinh năm 1991) kết hôn năm 2010 với một đám cưới đẹp như trong mơ ở khách sạn 5 sao tại Hà Nội.
Mới 19 tuổi đã bước chân lên xe hoa, nhưng khi đó, cả gia đình Yến Lan và chính cô chưa một lần hoài nghi về cuộc sống hôn nhân với con trai một đại gia ngành bất động sản. Ở với nhau đến nay đã tròn 3 năm, có hai cô con gái xinh xắn thì bất ngờ, Yến Lan và chồng ly thân. Người ta thấy Lan bế con về nhà mẹ, chồng thì mất hút.
Hỏi ra mới biết, hai năm nay bất động sản “chết”, nhà chồng Lan cũng “ngất” theo với số nợ lên đến vài chục tỉ. Chồng Lan sinh năm 1987, vốn là dân chơi nổi tiếng, chưa một lần phải đi làm kiếm tiền nên không chịu nổi cú sốc, đã bỏ vợ và 2 con để trốn vào miền Nam tránh nợ. Bơ vơ khi hai con mới được tuổi rưỡi, không còn tiền, Lan phải ôm con về cầu cứu ông bà ngoại.
Chồng Lan chỉ gọi về và nói cô hãy tự lo cho bản thân, nhà bây giờ chẳng còn gì đâu, sau này hãy tìm người khác chăm sóc cho 3 mẹ con. Bố mẹ chồng thì đau đầu tiền nong nên không hề quan tâm đến trong nhà còn hai đứa cháu nội.
Quá sốc và hận chồng, lại sống phụ thuộc bố mẹ nên cô gái 22 tuổi không khỏi bất mãn, đau khổ. Hiện bố mẹ Lan vẫn phải chăm cháu để cô gái trẻ đi tìm việc, kiếm tiền nuôi con. T.A (sinh năm 1992) vốn là hot girl nổi lên từ các trang mạng, tạp chí thời trang cho giới trẻ. 18 tuổi, đang ở độ trẻ trung, xinh đẹp nhất thì cô bỗng “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Chồng T.A không phải công tử, mà là đại gia trẻ khá có tiếng ở đất Hà thành. Đám cưới hoành tráng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của T.A cách đây hai năm, hoàn toàn trái ngược với tình cảnh thê thảm hiện tại.
Có với nhau một đứa con trai, nhưng cuộc sống gia đình của T.A chỉ tồn tại đúng một năm đầu. Sau đó là cãi vã, ghen tuông, thậm chí cả đánh chửi nhau. Chồng lăng nhăng, T.A lại còn quá trẻ nên không biết cách cư xử, trong nhà luôn nổ ra những trận cãi nhau ầm ĩ. Không ít lần, cô phải bế con nhỏ đến tận nhà người tình đòi đánh ghen.
Khổ nỗi, với người chồng vừa trẻ, vừa nhiều tiền như thế thì “có mà ghen cả đời”, như anh chồng từng tuyên bố “Đánh đi, xem có đánh hết được không”, và coi T.A như một cô vợ lắm điều, ghen tuông bệnh hoạn.
Không thể chịu nổi cảnh con ốm mà chồng vẫn đi với gái, T.A bế con về nhà ngoại đòi ly thân thì chồng cũng giơ luôn… đơn ly dị. Cuộc chiến bắt đầu nổ ra, T.A lên mạng xã hội chửi chồng như hát hay, tìm đủ bằng chứng gái gú để xỏ xiên, bới móc chồng. Anh chồng không nói gì, nhưng đang tìm mọi cách để tranh giành đứa bé, không cho “ở với một bà mẹ hoang tưởng, đã ngu còn bảo thủ”.
Hai vợ chồng tưởng là cặp đôi “đẹp nhất năm” ngày nào, giờ ở hai đầu chiến tuyến và sẵn sàng “xuống tay” nếu cần thiết.
Một hiện tượng xã hội đáng lo ngại
Những câu chuyện hôn nhân không có hậu như thế xảy ra quá nhiều trong xã hội hiện tại, khiến nhiều người lo ngại đây là một hiện tượng xấu.
Trao đổi với chúng tôi, tiến sỹ (TS) Đỗ Hạnh Nga, khoa Tâm lý - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã phân tích nguyên nhân và cho biết thêm về trách nhiệm của gia đình trong những cuộc hôn nhân “chớp nhoáng” này.
Theo TS Hạnh Nga, hiện nay, hiện tượng cưới sớm – bỏ sớm sở dĩ diễn ra nhiều và người ta cảm thấy giống một thứ trào lưu “dở khóc dở cười”, là vì giới trẻ đang sống trong một xã hội hiện đại, ít bị ràng buộc bởi ảnh hưởng của các yếu tố khác như gia đình, giá trị nền tảng hôn nhân chuẩn mực.
Họ được tự do gặp gỡ, tự do tìm hiểu trong một thời gian ngắn, cũng không có sự can thiệp của gia đình nên dễ dàng đến với nhau và tự quyết định chuyện hôn nhân một cách chóng vánh. "Nếu như ngày trước, yêu đương rồi cưới xin phần lớn phụ thuộc bố mẹ, thì thời nay con đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy, thậm chí “bác sĩ chỉ đâu thì phải cưới đấy”. Trách nhiệm của gia đình ngay từ bước đầu khi đôi trẻ cưới nhau đã ít, thì đến khi chuyện cãi vã, ly hôn xảy ra, các bậc phụ huynh cũng không thể can thiệp nhiều.
Chính vì không bị ràng buộc bởi phụ huynh, rồi những giá trị đạo đức truyền thống nên các bạn trẻ cứ dễ dãi tự quyết định. Hôn nhân chỉ nằm trên tờ giấy thì xé nó đi là điều quá dễ dàng, chưa kể nhiều đôi tự về ở với nhau không cần giấy đăng ký, sinh con ra nhưng khi chia tay thì giao con cho ông bà nội/ngoại 2 bên nuôi, không mảy may lo nghĩ.
Ở cái tuổi còn trẻ và tương lai vẫn mở rộng, họ đã sẵn sàng gạt bỏ hết để về ở với nhau. Nhưng chỉ sống 1 - 2 năm sẽ lộ ra những điều không hợp, và thay vì chấp nhận để tìm hiểu thêm về bạn đời, họ lại thiếu sự chịu đựng, xảy ra chuyện cãi vã dẫn đến ly thân, ly hôn. Với những người trưởng thành, phấn đấu học hành hoặc sự nghiệp thay vì yêu đương rồi kết hôn sớm, điều này được hạn chế hơn", tiến sỹ Nga phân tích. Tiến sĩ Hạnh Nga cho biết, trách nhiệm của gia đình trong vấn đề này rất lớn.
Bố mẹ không áp đặt cấm đoán, nhưng nên chỉ dẫn cho con, chứ đừng đứng ngoài mặc “con đặt đâu ngồi đấy”. Những vấp ngã trong hôn nhân sẽ ảnh hưởng một phần đến tính cách và con người của lứa tuổi còn chưa đủ chín chắn này. Nhiều cô gái đã mắc bệnh trầm cảm vì không vượt qua nổi cú sốc hôn nhân khi còn quá sớm. Có bậc phụ huynh còn tuyên bố “Cứ đẻ ra, tao nuôi”, đây là một suy nghĩ sai lầm, khiến con cái ỷ lại và không bao giờ rút ra được kinh nghiệm từ hôn nhân đổ vỡ trước đó.
Theo Tri Thức Trẻ