Từ đồn biên phòng Huổi Luông xuống cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc tỉnh Lai Châu chỉ chừng hơn chục cây số nhưng đường đi khúc khuỷu, nhiều đoạn đường xấu, xe cứ men theo triền núi cheo leo, bám vào lề đường từng đoạn một. Nhìn từ trên xuống, con suối chia đôi hai nước trở nên nhỏ bé giữa những khu dân cư hai bên biên giới. Trong những năm qua, nơi đây cũng là một trong những trọng điểm về vấn đề buôn bán phụ nữ của tỉnh Lai Châu.
Vòng luẩn quẩn của cái nghèo và lòng tham
Gặp chị Phàn Thị P. tại bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho, dấu vết của sự hoảng sợ và bàng hoàng vẫn còn đọng lại trên gương mặt người phụ nữ này. Chị P. sụt sùi: "Nếu như không may mắn được giải cứu, chắc giờ này tôi đã trở thành gái mại dâm ở bên Nà Phà (Trung Quốc) rồi". Vụ việc cách đây cũng đã chừng nửa năm nhưng những người dân bản Thèn Thầu thì vẫn còn nhớ rất rõ...
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng xuống bản tuyên truyền về phòng chống tệ nạn buôn bán phụ nữ. Ảnh minh họa.
Lý Sài Ngan là người bản Thèn Thầu, xã Bản Lan, huyện Phong Thổ, thường xuyên sang Trung Quốc làm thuê. Quá trình đi kiếm sống, Ngan quen một “mối” chuyên môi giới buôn bán người, đối tượng này đặt vấn đề với Ngan là về Việt Nam tìm những gái để bán, sẽ trả thù lao cao. Khi về nước, Ngan đã rà soát hàng loạt các đối tượng có thể đem bán nhưng đều không khả quan.
Thấy chị Phàn Thị P. là một cô gái quá lứa lỡ thì, có quan hệ quen biết từ trước nên Ngan nhanh chóng tiếp cận “mục tiêu”. Ngan hứa hẹn với chị P. sẽ đưa qua biên giới để đi chơi và mua sắm quần áo đẹp cho. Thấy bùi tai, chị P. đồng ý. Đến chập tối ngày 4/12/2012, Ngan đến đưa chị P. qua khu vực cầu km 64 và gọi điện cho một đối tượng bên kia biên giới sang thực hiện giao dịch, lúc này chị P. vẫn hoàn toàn tin tưởng Ngan. Không ngờ, khi thấy lực lượng tuần tra biên giới đến, hai đối tượng lập tức bỏ chạy, bỏ mặc chị P. đứng lại một mình. Lúc này chị P. mới hay mình vừa may mắn thoát khỏi một vụ giao dịch mà món hàng lớn chính là... mình.
Theo Trung uý Trương Thái Bình, đội trưởng đội Phòng chống tội phạm đồn biên phòng Ma Lù Thàng thì trước đây, các đối tượng buôn bán, tổ chức đưa người trái phép qua biên giới thường lợi dụng các đường tiểu ngạch để thực hiện hành vi phạm tội. Chúng thường lợi dụng lúc đêm tối hoặc chiều là lúc ít người qua lại, lực lượng tuần tra cũng phải căng ra nhiều địa điểm nên khá mỏng. Tuy nhiên, do nắm vững quy luật hoạt động của tội phạm nên lực lượng biên phòng đồn Ma Lù Thàng kết hợp cùng đồn Huổi Luông đã nhanh chóng tăng cường đấu tranh triệt để và phục bắt.
Dụ rắn khỏi hang
Hỏ Thị Quyền (SN 1983) tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Không chồng con, không nghề nghiệp, Quyền cũng đã có thời gian làm gái mại dâm bên Trung Quốc. Đến khi về tết, nhìn thấy hai cháu gái ruột, con anh chị mình đang tuổi xuân, 18-19 tuổi mà chưa có chồng nên Quyền nảy sinh ra ý định bán hai cháu mình để lấy tiền. Quyền bảo với anh chị là đưa hai cháu sang đi làm ăn, kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Sang bên kia biên giới, Quyền cũng đưa các cháu đi mua sắm rồi từ đó dẫn thẳng vào... nhà chứa.
Bán mỗi cô cháu gái, Quyền được nhận tới 6.000 Nhân dân tệ, bị chủ chứa bắt tiếp khách liên tục, hai cô gái trẻ không chịu nổi. Sau hai tháng đi tiếp khách, cũng quen đường đi lối lại, hai cô mới quyết định chạy trốn. May mắn, trong khi đang trốn ở một cái lán, hai cô gặp được người Việt Nam đi buôn bán sang, bèn nhờ thông báo về với Bộ đội biên phòng tìm cách giải thoát.
Nhận được thông tin, ban chỉ huy đồn biên phòng Ma Lù Thàng lập tức lên phương án giải cứu cho hai nạn nhân. Lực lượng cơ sở là người dân được cử sang để hỗ trợ hướng dẫn hai cô gái quay trở về Việt Nam. "Khi đã về đến nhà rồi, hai cô gái vẫn còn run rẩy, sợ hãi, tinh thần bị chấn động mạnh do thời gian phải tiếp khách trước đó quá nhiều, chúng tôi phải kết hợp cùng y tế xã, gia đình vận động mãi hai cô mới chịu đi khám sức khoẻ, rất may là chưa bị nhiễm phải căn bệnh thế kỷ", trung uý Bình chia sẻ.
Địa hình hiểm trở, phức tạp khiến công tác đấu tranh chống nạn buôn người ở biên giới Lai Châu trở nên khó khăn hơn nhiều.
Qua lời khai của hai cô, các trinh sát xác định đối tượng Hỏ Thị Quyền vẫn đang ở Nà Phà, việc nhử câu đối tượng về Việt Nam trở nên khó khăn hơn nhiều bởi vì việc bỏ trốn của hai cô cháu đã rút dây động rừng. Phương án được đưa ra, hai cô cháu nhắn tin sang Trung Quốc cho Quyền với nội dung: "Cháu đã về đến bờ suối (biên giới) nhưng không có tiền về Mường Lay, cô cho cháu xin ít tiền để về nhà", Quyền nhắn lại: "Chúng mày đã bỏ trốn rồi thì tự tìm tiền mà về". Tới hôm sau, lại cho hai cô nhắn tin khác với nội dung: "Chúng cháu đói quá, cũng chả biết đường sá, cô tìm cách ra bờ suối đón cháu quay trở lại Trung Quốc, cháu chấp nhận chịu kiếm tiền để về quê" thì đối tượng chấp nhận.
Thấy cá đã cắn câu, ban chỉ huy đồn biên phòng Ma Lù Thàng trực tiếp chỉ đạo kế hoạch vây bắt đối tượng. Các trinh sát ăn vận theo đúng lối của bà con dân tộc địa phương, trà trộn vào với người dân và bố trí ở xung quanh khu vực bờ suối kín đáo để tránh đối tượng từ trên cao nhìn xuống. Đến khoảng 5-6h tối, là lúc nhiều người qua lại, nhận thấy có một phụ nữ đi lại phía bờ suối, anh em chiến sĩ bèn chủ động nháy máy vào số máy của Quyền. Thấy người phụ nữ nhấc máy, các trinh sát bèn lập tức vây bắt.
Cảnh giác cao độ
Theo trung úy Trương Thái Bình, với các đối tượng này đặc biệt phải đấu tranh bền bỉ và kiên trì, luôn cảnh giác cao độ thực sự là một cuộc đấu trí cam go với các đối tượng.
Năm 2009, một trong những vụ án đầu tiên mà anh Bình trực tiếp phá án ở đây là một vụ mà đối tượng thứ hai lại là người tiếp tay bán em gái mình, vì đối tượng còn quá trẻ, chưa nhận thức được hành vi của mình, cán bộ đấu tranh vừa giận lại vừa thương. Bị Lò Thị Đón (SN 1983) là người dân tộc Thái ở phường Sông Đà, tỉnh Lai Châu lừa La Thị Sa (15 tuổi) ở bản Cò Lả, trấn Tam Đường sang Trung Quốc bán.
Được một thời gian ngắn, Đón lại dụ Sa về quê tìm gái để bán lại, sẽ trả cho giá cao. Sa trở về nhưng không tìm được ai bèn nói với bố mẹ cho em gái theo mình sang Trung Quốc làm ăn, thực chất là để bán em mình. Rất may, khi các đối tượng đang đưa nạn nhân sang biên giới thì bị phát hiện và đưa về. "Nhìn đối tượng Sa còn quá trẻ, gương mặt quá non nớt mà lại phạm tội như vậy khiến chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Những vụ án như vậy thì nhiều, nguyên nhân cũng do cái đói, cái nghèo và sự thiếu hiểu biết của người dân", anh Bình chia sẻ.
Thủ đoạn xảo quyệt Từ năm 2009 trở lại đây, phương thức hoạt động của các đối tượng này ngày càng thay đổi tinh vi. Lợi dụng việc người dân được phép làm giấy thông hành đi lại hai bên biên giới, chúng thường ép "hàng" mang theo chứng minh thư để "đường đường chính chính" đi qua cửa khẩu với lý do thăm thân, mua bán. Việc này thực sự khó khăn với công tác đấu tranh vì để xác minh được việc mua bán người buộc phải có chứng cứ xác đáng, trong khi nhiều lúc nạn nhân cũng không ý thức được việc mình đang bị lừa bán nên "bắt tay" với chính kẻ bán mình để qua mắt lực lượng chức năng. |
Đỗ Huệ