Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận "lên voi xuống chó"

Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận "lên voi xuống chó"

Trương Thị Thanh Hương

Trương Thị Thanh Hương

Thứ 2, 19/02/2018 17:33

Hàng loạt mã cổ phiếu lên sàn năm 2017 sau giai đoạn tăng giá mạnh đã bất ngờ giảm sâu.

Tài chính - Ngân hàng - Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận 'lên voi xuống chó'

Diễn biến giá cổ phiếu TTP từ khi lên sàn. 

Năm 2017 thị trường chứng khoán đón nhận nhiều doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn với rất nhiều mã chứng khoán được các nhà đầu tư quan tâm, đón nhận. Rất nhiều mã chứng khoán đã không phụ sự kỳ vọng của các nhà đầu tư, đã có quá trình tăng giá ấn tượng.

Bên cạnh đó cũng không ít mã chứng khoán sau khi tăng mạnh những ngày đầu lên sàn đã bắt đà giảm sâu, thậm chí giảm sâu hơn cả giá tham chiếu ngày chào sàn.

Cổ phiếu TTP của Bao bì Nhựa Tân Tiến quay trở lại giao dịch trên UpCOM từ 15/3/2018 sau hơn 1 năm hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc lại công ty. TTP chào sàn với giá 47.000 đồng/cổ phiếu và nhanh chóng tăng trần 2 phiên ngay sau đó, lên mức 86.900 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên sau đó là chuỗi những phiên giảm điểm và bắt đáy ở mức giá 30.600 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên cũng giảm mạnh, thậm chí có chuỗi dài những phiên giao dịch không có cổ phiếu khớp lệnh. Hiện TTP giao dịch ở mức giá 36.500 đồng/cổ phiếu và đã "đứng" ở giá này 14 phiên liên tiếp.

Kết quả kinh doanh, dù doanh thu quý 4/2017 tăng gần 18% so với cùng kỳ, song do chi phí giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế đạt chưa đến 20 tỷ đồng, giảm 34% so với quý 4/2016 và nâng tổng lợi nhuận sau thuế cả năm lên gần 72 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước đó. Không chỉ quý 4, mà lợi nhuận cả quý 3/2017 cũng giảm mạnh so với cùng kỳ.

Một trong những mã cổ phiếu khiến các nhà đầu tư "đau đầu" trong năm 2017 là CTF của CTCP City Auto. 16 phiên tăng trần liên tiếp sau khi lên sàn đã "đẩy" giá cổ phiếu CTF từ 14.400 đồng/cổ phiếu lên mức 42.100 đồng/cổ phiếu.

Tài chính - Ngân hàng - Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận 'lên voi xuống chó' (Hình 2).

Sức nóng của những doanh nghiệp ngành xe có thể là yếu tố giúp CTF tăng mạnh. Lượng cổ phiếu khớp lệnh trong mỗi phiên đều rất ít, hầu hết chỉ tính hàng trăm hoặc mấy chục ngàn cổ phiếu. Trước chuỗi tăng trần nhưng thanh khoản thấp của CTF, nhà đầu tư "hoang mang" không biết nên nhảy vào từ đâu. Sau 16 phiên tăng trần, CTF đã bất ngờ giảm sàn 6 phiên liên tiếp và sau đó là chuỗi biến động mạnh, hiện giảm sâu về mức giá 18.500 đồng/cổ phiếu.

Cùng với đà giảm của giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh năm 2017 của City Auto cũng giảm mạnh so với cùng kỳ do tâm lý chờ đợi chính sách thuế mới của người tiêu dùng. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 giảm 22% so với năm trước đó.

Bên cạnh đó, những ngày đầu năm 2018 dương lịch vừa qua Tập đoàn Thành Đô – cổ đông lớn của City Auto – cũng vừa thông báo bán hơn 35% vốn tại CTF. Dù lượng bán ra lần 1 không đạt như mong đợi nhưng Thành Đô cũng giữ quyết tâm thoái vốn, đăng ký bán tiếp hơn 4,6 triệu cổ phiếu còn lại trong đợt tiếp theo.

Từng gây nhiều sự chú ý cho nhà đầu tư, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời đã tăng từ mức giá 55.000 đồng/cổ phiếu ngày chào sàn lên 64.500 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 4 phiên đầu lên sàn. Tuy thế, ngay sau đó là chuỗi những phiên giảm điểm của cổ phiếu LTG. Hiện LTG đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm con gà 2017 ở mức giá 39.300 đồng/cổ phiếu.

Tài chính - Ngân hàng - Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận 'lên voi xuống chó' (Hình 3).

Diễn biến giá cổ phiếu LTG từ khi lên sàn.

Trái ngược với đà giảm của giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh của Lộc Trời có sự tăng trưởng đáng kể cả về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu năm 2017 đạt 8.689 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2016, trong đó riêng doanh thu từ thuốc BVTV chiếm trên 59% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt 423 tỷ đồng, tăng trưởng 21,4% nhưng cũng mới chỉ hoàn thành 92% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Một trong những mã cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm trong năm 2017 vừa qua là CGV của CTCP Sành sứ Thủy tinh Việt Nam. Chào sàn ở mức giá 8.200 đồng/cổ phiếu, CGV đã tăng vọt lên mức 14.700 đồng/cổ phiếu.

Sau chuỗi phiên tăng điểm sau khi lên sàn, cổ phiếu CGV đánh dấu thời điểm lao dộc bằng 6 phiên giảm sàn liên tiếp, và hiện đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm âm lịch 2017 (13/2/2018) ở mức giá 2.000 đồng/cổ phiếu, chưa bằng 1/4 giá chào sàn hơn nửa năm trước đó.

Tài chính - Ngân hàng - Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận 'lên voi xuống chó' (Hình 4).

CGV tiến hành cổ phần hóa từ cuối tháng 12/2006. Danh sách 7 cổ đông lớn ngay trước ngày lên sàn của CGV có Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco – BHN) và Chứng khoán Rồng Việt.

Đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM từ 19/6/2017, cổ phiếu RGC của PV – Inconess có 16 phiên liên tiếp không tăng không giảm và cũng không có cổ phiếu khớp lệnh. PV Inconess là doanh nghiệp sân golf đầu tiên lên sàn trong đó VietinBank Capital nắm giữ đến 93,6% vốn cổ phần.

PV Inconess đã lỗ triền miên 5 năm liên tiếp và dự kiến lỗ tiếp cả năm 2017 và 2018. Điểm hấp dẫn của PV Inconess là những lô đất lớn công ty đang sở hữu với hơn 2 triệu m2 đất tại Ninh Bình.

Tài chính - Ngân hàng - Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận 'lên voi xuống chó' (Hình 5).

Sau khi tăng giá mạnh lên đỉnh 18.700 đồng/cổ phiếu gần 1 tháng sau khi lên sàn, RGC đã giảm mạnh, và đặc biệt là chuỗi giảm sàn 9 phiên liên tiếp những ngày cuối tháng 8/2017 đã đẩy giá cổ phiếu xuông sâu. Hiện RGC đang giao dịch ở vùng giá 5.500 đồng/cổ phiếu.

Saigon Co.op (SID) cũng có chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp ngày lên sàn, sau đó là 5 phiên giảm sàn liên tiếp. Và hiện giao dịch ở mức giá 20.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá chào sàn UpCOM 1 năm trước đó (20.900 đồng/cổ phiếu).

Tài chính - Ngân hàng - Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận 'lên voi xuống chó' (Hình 6).

 

Hẳn nhà đầu tư cũng chưa quên cổ phiếu TTJ của Kem Thủy Tạ. Sức nóng của Kem Thủy Tạ lại đến từ những bất động sản mà doanh nghiệp này nắm giữ trước ngày lên sàn. Chào sàn UpCOM với giá 31.000 đồng/cổ phiếu TTJ từng đạt đỉnh ở giá 79.000 đồng/cổ phiếu sau đó là chuỗi giảm mạnh những tháng cuối năm 2017, hiện giao dịch ở giá 35.000 đồng/cổ phiếu.

CTCP Dịch vụ sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) lên niêm yết trên HNX trong bối cảnh cổ phiếu ngành hàng không đang "hút hàng". CIA đã tăng trần 2 phiên liên tiếp, tạo đỉnh ở mức giá 71.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó đã giảm mạnh và hiện giao dịch ở mức giá 54.400 đồng/cổ phiếu.

Tài chính - Ngân hàng - Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận 'lên voi xuống chó' (Hình 7).

Dù giá cổ phiếu giảm, nhưng kết quả kinh doanh của CIAS lại tăng trưởng đột biến so với năm trước đó. Sau khi điều chỉnh số liệu, quý 4/2017 doanh thu CIAS tăng 54% so với cùng kỳ, đạt 111 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế cũng gấp 3,35 lần, đạt 6,4 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 đạt 48,6 tỷ đồng, gấp 2,15 lần so với năm 2016. EPS đạt 7.062 đồng/cổ phiếu.

Xích líp Đông Anh (DFC) lên sàn từ những ngày đầu năm 2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu, đến nay kết thúc năm âm lịch 2017 DFC đóng cửa ở mức giá 36.600 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần giá chào sàn hơn 1 năm trước.

Tuy vậy DFC cũng bị đưa vào danh sách những cổ phiếu "lên voi xuống chó" năm vừa qua, bởi nếu so với đỉnh lập được trong năm DFC đã mất đi gần 40% giá trị.

Đáng chú ý, lượng khớp lệnh cổ phiếu DFC mỗi phiên không nhiều, thậm chí có những thời điểm mấy tháng liền không một cổ phiếu nào khớp lệnh. Những ngày cuối tháng 10/2017 Xích líp Đông Anh cũng vừa đón nhận thêm một loạt cổ đông lớnmới sau khi UBND Thành phố Hà Nội thoái hết toàn bộ 60% vốn cổ phần sở hữu tại công ty.

Cũng như Xích líp Đông Anh, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cũng gần như không có cổ phiếu khớp lệnh trong mỗi phiên. Chào sàn UpCOM ở mức giá 14.200 đồng/cổ phiếu, CC1 bất ngờ tăng trần 4 phiên liên tiếp trong 6 phiên đầu tiên chào sàn, lên mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó đột ngột giảm sâu và hiện giao dịch ở mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu, mất đi 15% giá trị so với "thời kỳ đỉnh cao".

Tài chính - Ngân hàng - Những cổ phiếu lên sàn năm 2017 gặp vận 'lên voi xuống chó' (Hình 8).

Thủy điện Hủa Na (HNA), Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DNH), Tấm thép lá Thống Nhất (TNS), KGU của CTCP Phát triển đô thị Kiên Giang, PSN của Dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa cũng đã trải qua giai đoạn tăng điểm mạnh trong năm rồi bất ngờ giảm sâu.

Năm 2017 nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn khi hàng loạt doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn. Bên cạnh đó "sức nóng" của sàn UpCOM cũng là một kênh lựa chọn mới của nhà đầu tư khi không còn xem đây là thị trường thứ cấp như trước đây. Lượng cổ phiếu khổng lồ lên sàn trong năm đã một phần giúp thị trường chứng khoán bứt phá mạnh, hút lượng vốn lớn.

Năm 2018 lượng cung cổ phiếu vào thị trường sẽ còn dồi dào hơn rất nhiều khi những cổ phiếu phát hành thêm giai đoạn cuối năm 2018 đến ngày giao dịch bổ sung. Ngoài ra lượng lớn những doanh nghiệp hứa hẹn lên sàn trong thời gian tới cũng giúp nhà đầu tư thêm nhiều lựa chọn.

Theo Trí Thức Trẻ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.