Những con người sống cùng chúa sơn lâm

Những con người sống cùng chúa sơn lâm

Tôn Đức Vỹ

Tôn Đức Vỹ

Thứ 3, 16/10/2018 07:15

Đằng sau tiếng gầm oai hùng của chúa sơn lâm là những con người không màng nguy hiểm, từng ngày chăm lo cho sức khỏe của những mãnh thú của vườn thú Hà Nội.

Anh là Nguyễn Quang Phúc - Đội trưởng đội Chăm sóc thú dữ trong Vườn thú Hà Nội, là người hùng thầm lặng phía sau những chuồng sắt nhốt chúa sơn lâm với hơn 20 năm kinh nghiệm chăm sóc thú dữ.

Dân sinh - Những con người sống cùng chúa sơn lâm

Anh Nguyễn Quang Phúc bên một chú sư tử (ảnh: báo Lao động).

Vào mỗi sáng sớm, anh Phúc lại có mặt tại khu cách ly của công viên Thủ Lệ để lựa chọn thịt bò tươi và xương trong những chiếc rổ rồi tỉ mẩn cân theo khẩu phần. Đây là một trong những công việc thường nhật của anh tại vườn thú Hà Nội.

Chuẩn bị đồ ăn xong, anh cùng đồng nghiệp bắt đầu đánh thức những con thú đang còn ngái ngủ. Sau khi những con thú đã thức giấc và di chuyển ra khu trưng bày, những nhân viên sở thú tiến vào chuồng sắt bên trong để tiến hành quét dọn chuồng.

Dân sinh - Những con người sống cùng chúa sơn lâm (Hình 2).

Sau khi những con thú đã di chuyển ra khu trưng bày, các nhân viên tiến hành dọn dẹp chuồng (ảnh: báo Lao động).

Chia sẻ với báo Lao Động, anh Phúc cho biết, bên trong lồng có mùi mồ hôi đặc trưng ở các loài thú dữ, mùi này rất nặng, những người mới chưa quen mùi sẽ không thể chịu nổi, thậm chí nôn thốc nôn tháo.

Sau khi công tác dọn dẹp hoàn thành, các nhân viên sẽ kiểm tra một lượt rồi khóa cửa chuồng kỹ càng trước khi những con thú quay trở lại. Sau tiếng chuông báo hiệu, như đã được huấn luyện từ trước, các con thú rời khỏi khu trưng bày và trở vào chuồng đã được dọn sạch sẽ. Đây là lúc các nhân viên chuẩn bị bữa trưa cho các con thú.

Dân sinh - Những con người sống cùng chúa sơn lâm (Hình 3).

Các nhân viên vườn thú bố trí thức ăn ở khu trưng bày (ảnh: báo Lao động).

Để giữ gìn tập tính hoang dã (săn bắt mồi, leo trèo...) của loài thú, các nhà huấn luyện giấu hoặc treo thức ăn lên vị trí cao để bắt chúng phải đi tìm. Nhờ vậy, những con thú ở đây không hình thành thói quen ỷ lại mà còn ngày càng khỏe mạnh thêm.

Đây là một công việc vô cùng vất vả và nguy hiểm, những người làm việc ở đây được tuyển chọn kỹ càng. Các nhân viên phải đáp ứng 2 tiêu chí, thứ nhất là phải khỏe mạnh – vì công việc này rất nặng nhọc, thứ hai là nhanh nhẹn – để linh hoạt ứng xử đối với những tình huống không may xảy ra khi tiếp xúc với thú dữ.

Mỗi một loài thú, một con thú đều có tập tính khác nhau, có con nhút nhát, có con ham ăn. Những con vật nuôi dù ít nhiều đã được thuần hóa nhưng vẫn chưa thể quên bản năng hoang dã của chúng. Dẫu có chăm sóc nó nhiều năm nhưng nếu không may sơ sảy thì những nhân viên sẽ phải trả giá bằng cánh tay hoặc thậm chí là cả tính mạng. Do đó, các nhân viên ở đây chỉ tiếp xúc với thú gián tiếp qua chuồng chứ không được tiếp xúc trực tiếp. Trong trường hợp thú bị ốm, các nhân viên sẽ phối hợp với các bác sĩ thú y đưa thú vào cũi để tiến hành thăm khám. Cho đến nay chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra ở Vườn thú Hà Nội, tuy nhiên cũng không ít nhân viên từng rơi vào cảnh nguy hiểm do bất cẩn để rồi phải mang theo những vết sẹo do chính những con thú mình từng ngày chăm sóc gây ra.

Dân sinh - Những con người sống cùng chúa sơn lâm (Hình 4).

Những con thú tuy được thuần hóa nhưng ít nhiều vẫn mang bản năng hoang dã (ảnh: báo An ninh thủ đô).

Chỉ có lòng yêu nghề, coi đàn thú dữ ở đây như gia đình mình thì các nhân viên mới có thể gắn bó lâu năm như thế với một công việc luôn ẩn chứa nguy hiểm, thậm chí ngay cả tính mạng cũng bị đe dọa.

Tôn Vỹ (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.