Những con số giật mình về bệnh dại mùa hè

Những con số giật mình về bệnh dại mùa hè

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Việt Nam đứng đầu thế giới về số người bị chó dại cắn hàng năm.

Dại là một bệnh do siêu vi gây ra, gây viêm não và dẫn đến tử vong cho người và nhiều động vật có vú khác. Đa số trường hợp dại lây truyền từ các chất tiết nhiễm trùng, thường là nước bọt qua vết cắn.

Từ đầu năm đến nay, ở các tỉnh Tây Bắc đã có 6 người tử vong vì bệnh dại. Tại Sơn La, ca tử vong đầu tiên do bị bệnh dại trong năm nay là chị Lò Thị Chuyến, 27 tuổi, trú tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có 4 ca tử vong ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Sơn Tây và Hoài Đức.

Xã hội - Những con số giật mình về bệnh dại mùa hè

Hàng năm, các tuyến bệnh viện TW và địa phương tiếp nhận rất nhiều trường hợp nghi mắc bệnh dại

Vất vả phòng chống

Những năm gần đây, hiểm họa bị chó dại tấn công luôn là nỗi lo của nhiều người. Mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nhưng thời gian qua, vẫn xảy ra nhiều cái chết thương tâm do chó dại cắn. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều người thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại, dẫn đến chủ quan không đi tiêm phòng. Có người bị chó, mèo dại cắn còn đến các thầy lang để điều trị bằng thuốc nam.

Nguy hiểm hơn, có bệnh nhân sau khi tiêm vắc xin phòng dại về còn uống các loại thuốc không theo quy định của bác sĩ như corticoid ACTH; nhóm kháng Histamen, gồm Dexamethazon, Fresnisolon dẫn đến vắc xin mất tác dụng. Mặt khác, một bộ phận người dân còn khó khăn về kinh tế, nên không có đủ điều kiện đi tiêm chủng.

Phú Thọ là tỉnh có tỷ lệ người tử vong về bệnh dại cao. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ cho biết: Ba tháng đầu năm 2012 địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp ở các huyện Tam Nông, Yên Lập và Phù Ninh tử vong do bệnh dại. Cả 4 trường hợp này đều không tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại, trong khi đó họ có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với chó bị ốm.

Riêng tại xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh, từ đầu tháng 3 đến nay đã có 8 người bị chó nghi dại cắn, hơn chục con chó đã bị diệt. Nguyên nhân chính là do những ổ dịch dại đã tồn tại nhiều năm nay chưa giải quyết được triệt để; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên địa bàn tỉnh thấp, chỉ khoảng 30%; công tác tuyên truyền mặc dù đã được đẩy mạnh, nhưng chưa làm thay đổi được nhận thức của người dân vì vậy vẫn còn tồn tại tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc tiêm phòng dại khi đã bị chó, mèo cắn.

Theo các chuyên gia y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ TW, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virút dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Động vật bị bệnh dại truyền virus dại sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, vì thế, có hạn chế được tỷ lệ mắc và tử vong hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như kiến thức phòng bệnh của người dân.

Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95-97%), tiếp đến là mèo. Thời gian qua, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công văn chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm những nội dung trong Chỉ thị 92/TTg về tăng cường phòng, chống bệnh dại, song đến nay, nước ta vẫn chưa triệt tiêu được nguồn truyền bệnh dại. Đàn chó nuôi vẫn tăng nhanh, trên 10 triệu con.

Điều đáng nói là ngay cơ quan thú y, hiện cũng không thống kê được số ổ dịch chó dại và số chó chết vì bệnh dại. Do chó nuôi số lượng lớn, nuôi thả rông, không có xích, rọ mồm, không được tiêm phòng nên mỗi năm vẫn có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải tiêm phòng dại (tỷ lệ cao nhất thế giới), gây áp lực rất lớn cho ngành y tế.

Nếu phát bệnh dại, 100% sẽ tử vong

Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Đinh Kim Xuyến, phó chủ nhiệm thường trực dự án Phòng chống bệnh dại - Bộ Y tế cho biết: “Cho đến nay, kể cả Y học hiện đại và Y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với vi rút dại là phải tiêm vac-xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam để tránh cái chết oan uổng”.

Các chuyên gia y tế của Phòng chống bệnh dại khuyến cáo, khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn. Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virút dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắcxin. Nếu đúng bị chó dại cắn, người bệnh không được tiêm vắc xin dại sẽ bị bệnh dại và có diễn biến bệnh theo 2 thời kỳ là ủ bệnh, phát bệnh. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 - 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2 - 4 ngày.

Trước đó, bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn... Tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều bị tử vong. Vì thế, ý thức phòng tránh bệnh của mọi người dân là rất quan trọng.

Đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị nên khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong là điều không thể tránh khỏi. Nếu vết thương nhẹ và xa thần kinh trung ương thì chỉ tiêm vắc xin phòng dại Verorab và thôi tiêm nếu ngày thứ 15 súc vật cắn vẫn sống bình thường. Mục đích của việc tiêm huyết thanh kháng dại là làm tăng hiệu quả tiêm vắc xin phòng dại.

Trong trường hợp bị súc vật cắn nặng, vết cắn gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh ngắn, huyết thanh kháng dại có tác dụng kéo dài thời gian ủ bệnh để có đủ thời gian sản sinh ra kháng thể chủ động do tiêm vắc xin. Dùng huyết thanh càng sớm càng có hiệu quả cao, tốt nhất là trước 24 giờ. Sau 7 ngày mới tiêm thì huyết thanh không còn có tác dụng.

Bệnh dại trước đây thường xuất hiện ở các tỉnh đồng bằng, nhưng gần đây, căn bệnh này đã lan tới các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai... Theo PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại, nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh dại gia tăng là do nhận thức của cộng đồng và trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng với việc chống bệnh dại chưa cao. Đáng lưu ý là ở các vùng nông thôn nước ta, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo rất ít được quan tâm.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ở một số địa phương, nhất là các huyện miền núi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, vẫn còn tình trạng nhiều người dân khi bị chó, mèo cắn không biết nên làm gì và đến những đâu, để được tư vấn tiêm phòng. Nhiều Trung tâm y tế dự phòng chưa làm tốt công tác hướng dẫn cho bệnh nhân cách sơ cứu ban đầu, nhằm giúp người dân hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm dại. Các cấp chính quyền và ngành y tế dự phòng tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những hiểm nguy khi bị chó, mèo cắn và có cơ chế hỗ trợ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, người dân nghèo được tiếp cận với dịch vụ tiêm phòng dại, nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Khi bị chó cắn, cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%. Sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm vắc-xin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích thì phải đến cơ sở Y tế để tiêm vắc-xin dại, tránh để lâu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cao Tuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.