Là loài dễ nuôi, lại cho lợi nhuận cao nên ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, tại khu vực ĐBSCL đã phát triển nghề nuôi trăn đất. Đến năm 2008, khi được ngành kiểm lâm cấp phép, việc vận chuyển, mua bán dễ dàng hơn thì nuôi trăn càng phát triển đặc biệt, khi da trăn đất xâm nhập được vào thị trường một số nước châu Âu, châu Á... nên giá trăn luôn giữ ở mức 380.000 – 400.000 đồng/kg.
Chỉ trong thời gian ngắn, số hộ nuôi trăn ở các tỉnh thành như: TP.Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp... tăng đáng kể. Theo nhiều hộ nuôi trăn trên địa bàn xã Hiệp Lợi (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), một trong những địa phương đi đầu về mô hình nuôi trăn đất ở ĐBSCL cho biết, trăn nuôi từ 5 – 7 ngày mới cho ăn một lần. Đây cũng là loài vật nuôi ít hao hụt, giá bán tương đối ổn định, đầu ra dễ dàng nên lợi nhuận khá cao so với các vật nuôi thông thường.
Nhờ đó, nghề nuôi trăn đất được xem là mô hình phù hợp với các hộ nghèo vì chi phí đầu tư không nhiều. “Gia đình tôi đã nuôi trăn gần 20 năm nay, mỗi năm thả nuôi từ 700 –1.000 con. Trung bình sau 8 – 10 tháng, trăn đạt trọng lượng khoảng 6 kg/con, hộ nuôi sẽ có lợi nhuận trên 1 triệu đồng/con. Sau 24 tháng nuôi đạt trọng lượng 45kg/con, hộ nuôi thu lãi từ 3 – 4 triệu đồng/con”, ông Nguyễn Văn Hòa, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang nhớ lại thời hoàng kim.
Cũng theo lời ông Hòa, thời điểm đó, ngoài việc nuôi trăn đất thịt, nhiều hộ trong vùng còn chủ động nuôi tạo nguồn con giống cung ứng ra thị trường. “Ngày ấy, nhà nhà, người người nuôi trăn đất, nhờ thế, việc bán con giống rất phát đạt. Nhiều người trở thành đại gia cũng nhờ nuôi con vật dễ thương này”, đưa tay vuốt ve con trăn, ông Hòa bùi ngùi nói.
Được biết, sở dĩ giá trăn thời gian gần đây giảm là do số gia đình nuôi tự phát tràn lan, không theo quy hoạch. Nhiều địa phương có tới 200 hộ trong một ấp cùng nuôi trăn, điển hình là ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy.
“Người nuôi nhiều, sản lượng tăng trong khi không ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, phần lớn việc mua bán trăn tại địa phương đều diễn ra theo phương cách truyền thống. Tức là, mọi người chỉ bán qua trung gian hoặc thương lái nên khi trăn được giá thì không sao, nhưng khi rớt giá, người nuôi dễ bị giới trung gian ép giá”, một người dân địa phương chia sẻ.
Được biết, 2 năm gần đây, một số nước châu Âu tạm thời ngưng nhập hàng khiến giá da trăn xuất khẩu giảm mạnh. Giá trăn hơi từ mức 400.000 đồng/kg giảm xuống còn 90.000 đồng/kg khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng trên, nhiều địa phương đồng loạt giảm đàn. Tại xã Hiệp Lợi, hiện chỉ còn 147 hộ nuôi với hơn 11.000 con.
Ông Huỳnh Đức Hải, một hộ nuôi trăn tại xã Hiệp Lợi cho biết, gia đình ông đã nuôi trăn được hơn 10 năm nay. Có thời điểm nuôi hơn 1.000 con. Năm nay giá trăn giảm mạnh, gia đình ông phải cắt giảm đàn nuôi, hiện chỉ còn hơn 100 con.
Trao đổi với PV, ông Đào Tự Chịa, cán bộ nông nghiệp xã Hiệp Lợi cho biết, hiện đầu ra của nghề nuôi trăn đang gặp nhiều khó khăn. Thông tin để bán sản phẩm, mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp hầu như chỉ là con số không. Bởi trước nay, việc mua bán chỉ thông qua thương lái.
“Trước tình hình khó khăn của bà con, UBND xã cũng đã có kiến nghị gửi các cơ quan đoàn thể cấp trên về việc cần tạo mối liên kết giữa công ty ngành da và người nuôi trăn. Nếu hai phía có thể ký kết hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm thì sẽ giúp người dân duy trì đàn nuôi lâu dài, ổn định hơn rất nhiều”, ông Chịa cho hay.
Chia sẻ với PV, Thạc sỹ Bùi Văn Hòa (chuyên gia nông nghiệp trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, trong thời kinh tế thị trường, ngành nghề nào cũng phải tự đổi mới, tính toán, dự báo thì mới phát triển bền vững được. Người dân nên chủ động hơn trong việc liên hệ, ký kết hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, thay vì ngồi chờ. Nếu thực hiện tốt khâu này, không những sẽ giảm được rủi ro trong chăn nuôi, mà còn giúp người dân chủ động hơn trong việc tăng giảm đàn, tránh vỡ quy hoạch đàn nuôi.