Những ngôi làng cổ, những con đường đồng quê uốn lượn quanh pháo đài và nhà thờ gần ngàn năm tuổi nơi đây chính là nét văn hóa truyền thống của người Saxon - một bộ tộc gốc Đức di cư và phát triển phồn thịnh ở đất Rumani vào thời Trung cổ.
Brasov, trái tim của Transylvania
Từ xa xưa, Transylvania luôn gây trở ngại cho nhiều thế lực quân sự muốn xâm chiếm. Thời La Mã, quân đội của đế chế gặp rất nhiều khó khăn trong việc quy phục những bộ tộc sống rải rác trong vùng vì cỗ máy chiến đấu La Mã không thể chống chọi được với chiến thuật đánh du kích dựa vào lợi thế rừng núi sông ngòi hiểm trở.
Rồi ngay đến cả quân Ottoman hùng mạnh cũng phải dừng bước trước ngưỡng cửa Transylvania. Tại đây, người dân địa phương thường nói đến bộ ba thành phố: Brasov, Sibiu và Sighisoara như là những chốt chặn phân rõ ranh giới giữa vùng Transylvania với thế giới bên ngoài. Ngay từ thời Trung cổ, giữa ba thành phố này đã có sự giao thương rất nhộn nhịp.
Trung tâm Brasov, thành phố bên sườn núi Carpate thật đẹp trong nắng thu vàng nhẹ. Giữa thành phố là quảng trường lớn có nhà thờ mái vòm đen nổi tiếng. Thành phố vẫn giữ được nét riêng và có tiếng là thơ mộng, cổ kính.
Nhà thờ mái vòm đen ở trung tâm Brasov
Brasov hấp dẫn nhiều du khách đến thăm nhất vào mùa đông với các khu trượt tuyết lý tưởng. Ngoài nhà thờ mái vòm đen lộng lẫy, kiến trúc Brasov còn nổi tiếng bởi nhà thờ thánh Bartolomeu khá đồ sộ và có tuổi đời hàng trăm năm.
Luôn là thành phố thịnh vượng hàng đầu của Rumani, khi vùng Transylvania rơi vào tay người Ottoman, Brasov vẫn phát triển kinh tế mạnh mẽ. Nằm ở nút giao giữa đế chế Ottoman và Tây Âu, các thương gia của Brasov được đặc ân miễn thuế và nhờ đó nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế rất lớn trong khu vực. Quá khứ hào hùng này được thể hiện rõ qua huy hiệu của thành phố với biểu tượng vương miện và rễ cây sồi.
Cách Brasov không xa là thị trấn sơn cước Sinaia, nơi có lâu đài Peles tráng lệ nằm trên lưng chừng núi Carpate được coi là biểu tượng của cả vùng.
Lâu đài Peles
Kiến trúc của lâu đài hòa hợp và nổi bật trong khung cảnh của núi rừng, đặc biệt là mùa đông, khi công trình khoác bộ áo tuyết trắng muốt thì trông lại càng nên thơ. Được xây dựng làm nhà nghỉ mát cho hoàng gia, lâu đài Peles mang phong cách kiến trúc Neo-Renaissance (tân phục hưng) Đức với những tháp cao nhọn, màu sắc tươi sáng.
Công trình có 160 phòng được trang hoàng rất tinh tế lộng lẫy. Nào là các phòng tiếp tân, phòng âm nhạc, phòng lát kính sáng ngời, phòng quân phục với nhiều áo giáp sắt thời Trung cổ và tượng đồng chiến sĩ… Nhiều sảnh tiếp khách rộng được trang hoàng theo lối thẩm mỹ của một số nước Âu châu, các loại đá và gỗ quý được chạm khắc thật công phu tinh xảo.
Tu viện theo kiến trúc Rumani
Đặc biệt, Peles có bộ sưu tập hơn 2.000 bức tranh quý hiếm của nhiều trường phái. Gần đó, dòng tu viện Sinaia, xây dựng từ thế kỷ XVII cũng rất thu hút du khách bởi kiến trúc đặc trưng Rumani trông vừa mạnh mẽ vừa duyên dáng.
Hùng vĩ núi Carpate
Sau Brasov, chúng tôi đến thăm Transfagarasan, con đường núi cao nhất Rumani. Công trình cầu đường Transfagarasan là niềm tự hào lớn của người Rumani. Đối với họ, xây thành công con đường này là một kỳ tích phi thường.
Xưa kia, vùng Transylvania bị cách ly với thủ đô Bucarest bởi dãy Carpate. Giao thông đi lại giữa hai vùng vô cùng khó khăn do núi non hiểm trở.
Vào thập niên 1970, cựu tổng thống Nicolae Ceausescu nổi tiếng với sự tàn bạo quyết định tiến hành xây con đường Transfagarasan khai thông dãy Carpate. Công trình này đã cướp đi mạng sống của nhiều công nhân.
Đường vào núi Carpate
Do tuyết rơi nhiều trong mùa đông kéo dài, đường chỉ được sử dụng vào mùa hè từ tháng 7 đến tháng 10. Transfagarasan có chiều dài tổng cộng là 100km nhưng chúng tôi chỉ thăm một khúc ngắn đáng xem nhất với những khúc uốn đến chóng mặt.
Điểm cao nhất mà con đường Transfagarasan đạt tới là hồ Balea ở độ cao tầm 2.000m, đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng của mọi người trước khi quay trở lại xuống chân núi. Chỉ đi quá thêm một chút thì con đường này sẽ dẫn đến bên kia sườn dãy núi Carpate và đưa đến thủ đô Bucarest.
Nhìn từ trên cao xuống, hồ Balea nằm gần trên đỉnh núi trông rất đẹp, mặt hồ trong vắt như một tấm gương lớn phản chiếu mây trời xanh biếc.
Cung đường Transfagarasan khai thông dãy Carpate
Hôm sau, chúng tôi đi bộ lên dãy Carpate. Dãy Carpate là quần thể những cụm núi với nhiều độ cao khác nhau, một trong số đó là cụm núi Bucegi nằm trong rừng quốc gia cùng tên. Với sự phát triển du lịch trượt tuyết mùa đông, đã có rất nhiều trung tâm du lịch mọc lên ở sườn dãy núi này.
Sau sáu, bảy giờ đồng hồ hì hục leo trèo, mọi người lên được độ cao 2.000m và bắt đầu thấy dấu hiệu để lên được đỉnh. Dãy núi Bucegi có nhiều đỉnh khác nhau, mỗi đỉnh cách nhau vài cây số.
Không ai có thể thăm tất cả các đỉnh này trong một ngày vì giữa chúng là cả một hệ thống chướng ngại vật, không suối sâu thì cũng là vực thẳm hoặc rừng thông rậm rạp.
Hồ trên núi
Vì thế, các đường đi bộ được quy hoạch thành từng chặng. Mỗi đỉnh núi được coi như là phần cuối của một chặng và muốn đi hết chặng đó thì cũng phải hết cả ngày.
Chặng đầu tiên của chúng tôi đi từ thị trấn Busteni dưới chân núi lên một điểm tên gọi Babele. Nơi đây có địa danh du lịch nổi tiếng của vùng, đó là nơi có hai khối đá mang tên là Babele và Sphinx.
Hình dáng các khối đá khổng lồ trông giống các bà cụ còng lưng hoặc hình nhân sư Ai Cập. Đây là kết quả sau hàng trăm thế kỷ điêu khắc của gió và mưa.
Khám phá dãy núi Bucegi đòi hỏi phải ngủ lại ít nhất một đêm. Ngày hôm sau, mọi người theo con đường dẫn từ trên đỉnh xuống sườn núi ở độ cao 1.000m. Chặng đường này đi qua nhiều xóm làng cũng như trang trại rải rác trên sườn núi.
Làng trên núi
Các ngôi làng ở đây khá cách biệt với văn minh bên ngoài. Điện và sóng truyền hình thường xuyên mất do gió tuyết. Mỗi ngôi làng vài trăm hộ dân như là một ốc đảo với những phong tục riêng.
Người dân ở đây chỉ quan tâm đến cuộc sống đơn giản hằng ngày của họ dựa vào đàn cừu hay vườn rau và hầu như không có bất cứ giao lưu thương mại gì với bên ngoài.
Nhà ở miền núi Rumani
Chặng cuối cùng trong khu rừng quốc gia Bucegi bắt đầu từ sườn núi ở độ cao hơn 1.000m lên đỉnh núi Piatra Craiului rồi lại xuống núi và quay trở lại Brasov. Trong chặng đường này, khung cảnh của dãy núi Bucegi có sự thay đổi rất lớn bởi màu xanh của cây cối bắt đầu nhường chỗ cho những mỏm núi đá granit cằn cỗi.
Từ Piatra Craiului trong tiếng Rumani có nghĩa là “mỏm đá của vua” với độ cao khoảng hơn 2.000m. Các con đường đi ở đây do chủ yếu là đá nên đi lại khó khăn hơn các chặng đường khác.
Đến đây du khách mới biết Carpate không chỉ đẹp mà còn hiểm trở vô cùng, điều đó đã làm nên một phần lịch sử đất nước Rumani.
Linh Chi (Theo DNSGO)