Nhận ra chính mình sau những tầng mây
Khám phá một vùng đất không chỉ cho chúng ta những khoảnh khắc mới lạ rồi hí hửng khoe những bức hình đẹp nhất với bạn bè trên facebook. Mỗi hành trình như một bài học, dẫu vỡ lòng cũng là một dấu mốc của sự trưởng thành.
Một lần chạm chân lên đỉnh Phan xi păng (Fansipan, hay Phan Si Phăng)- “nóc nhà” Đông Dương huyền thoại với độ cao kỷ lục 3.143m giống như có người đã nói là cuộc hành trình đi đến tận cùng của tự do – là một trong những trải nghiệm đáng để xách ba lô lên và đi.
Dãy Hoàng Liên Sơn điệp điệp trùng trùng như dải lụa đào vắt ngang qua hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu rồi dừng lại ở phía Tây của tỉnh Yên Bái. Nhưng chinh phục được dãy núi này thì chẳng dễ dàng như muốn lấy tay quấn dải lụa mềm mại uốn lượn.
Bởi dãy Hoàng Liên Sơn là sự xếp lớp đầy nghệ thuật của tạo hóa bằng những đỉnh núi cao “chọc trời”, bằng rừng già âm u với vách đã cheo leo dựng đứng vấn vít vào nhau. Ngọn cao nhất chính là đỉnh Phan xi păng huyền thoại.
Dưới đỉnh cao nhất này còn có nhiều đỉnh cao khác cũng vô cùng bí ẩn, dù khó khăn và hiểm trở nhưng lại khiến nhiều người mong muốn chinh phục. Ấy là lý do khiến dãy Hoàng Liên Sơn trở thành một thế giới kỳ bí đầy cuốn hút và mãi mãi không bao giờ cạn hấp dẫn bao người, không chỉ với dân “phượt” Việt Nam mà còn cả với du khách nước ngoài ham mê xê dịch.
Trước đây để lên được với đỉnh cao huyền thoại này, người ta phải nhờ dân thổ địa quen đường rừng dẫn đường, đi qua những lối mòn, khe suối, vừa leo núi vừa nghỉ ngơi mất 2 ngày, 1 đêm mới thỏa nguyện khám phá. Đường núi hiểm trở nhiều thử thách không dành cho người sức khỏe yếu. Bởi vậy, để leo đỉnh Phan xi păng, có khi phải chuẩn bị rèn luyện sức khỏe từ cả tháng trước để có sự dẻo dai, sức bền, tránh cảm sốc trước những thay đổi bất thường của thời tiết.
Phạm Quyết Thắng (Hải Phòng) là một bạn trẻ từng leo Phan xi păng như thế chia sẻ: “Tôi tự thưởng cho mình một chuyến đi bụi bặm đúng nghĩa sau khi gặp một số sự cố trong công việc. Nhưng cũng phải mất ba tháng chuẩn bị tinh thần và sức khỏe để leo Phan (một cách gọi đỉnh Phan xi păng gần gũi – PV).
Trong ba tháng ấy, ngày nào tôi cũng tập thể dục đều đặn, đặc biệt là môn đi bộ, ăn uống đầy đủ. Trong khi đi bộ thường đeo thêm một chiếc ba lô chứa đồ khá nặng cho quen vì khi leo Phan, mỗi người phải tự mang những đồ dùng cá nhân, thức ăn, nước uống đủ dùng trong hai ngày”.
Sở dĩ phải chuẩn bị kỹ như vậy là vì trước đó, Thắng đã hai lần leo Phan “hụt” do chưa tiên lượng trước được sức khỏe. Công việc thường xuyên ngồi trong “phòng lạnh”, do vậy, Thắng phải thử sức ở việc leo bộ lên Yên Tử (Quảng Ninh) và một số ngọn núi khác để “quen” với đường rừng, dốc núi.
“Cái cảm giác đứng trên những tầng mây, ngửa mặt lên là tầng không xanh thẳm, nhìn xung quanh là mây núi ôm ấp nhau lớp lớp tầng tầng… tôi không bao giờ quên được. Sau chuyến đi ấy, tôi thấy mình đã khác rất nhiều, dạn dĩ và bản lĩnh hơn, sức chịu đựng với mọi việc cũng khác.
Tôi đã vượt qua được chính những nỗi sợ hãi của mình và đó là động lực để mọi khó khăn từ ngày đó cho đến nay đều trở nên nhẹ nhàng. Có những đoạn đường, sự khó khăn thực sự không nằm trong tưởng tượng. Kết quả của chuyến đi nằm ngoài sự mong đợi của cá nhân tôi”, Thắng nhớ lại những cảm xúc đặc biệt trên đỉnh Phan.
Còn với Nguyễn Đăng Thịnh (Bắc Ninh), những điều thú vị nằm ngay ở trong hành trình leo Phan. “Con đường xuyên núi rừng lên đến đỉnh Phan xi păng có lẽ là những điều thú vị nhất với tôi. Tôi có dẫn theo một người bạn Nhật Bản cùng đi, người bạn ấy cũng mê Phan không kém một người Việt Nam mê Phan nào.
Chúng tôi đi đúng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nên những đồi hoa đỗ quyên nở đỏ rực rỡ là một trong những hình ảnh đẹp đến ám ảnh. Chúng tôi đã cố gắng leo thật nhanh để xem mặt trời mọc trên đỉnh cao huyền thoại ấy. Và đúng như người ta nói, mọi mệt mỏi tan biến hết, chỉ có mình đối diện với chính mình giữa đất trời thênh thang. Đó là một cảm xúc vừa đã, vừa lạ không dễ lặp lại”, Thịnh chia sẻ.
Khi leo đỉnh bằng… cabin
Từ ngày có tuyến cáp treo Phan xi păng, ước mơ chạm chân tới “nóc nhà” Đông Dương huyền thoại bỗng trở thành hiện thực với nhiều người hơn chỉ với khoảng hơn 20 phút ngồi cáp treo và nửa tiếng leo bộ.
Nhưng không phải vì thế mà “sừng trời” – theo tiếng dân tộc Thái gọi đỉnh Phan xi păng là Khau Phạ) này trở nên mất phần hấp dẫn. Ngược lại, sự toại nguyện những khát khao cháy bỏng dễ khiến cho mỗi người vỡ òa cảm xúc khi tận mắt nhìn thấy đỉnh chóp bằng nhôm có ghi con số 3.143m. Không phải ai cũng đủ sức khỏe và điều kiện để đứng trên đỉnh chóp cao nhất Đông Dương ấy. Thế nên, dù là chinh phục đỉnh Phan theo cách “hiện đại hóa” thì vẻ đẹp của “nóc nhà” Đông Dương cũng không hề bị mai một.
Chúng tôi không bốc tour đi Sa Pa như nhiều lần trước đó và điểm đến lần này là đỉnh Phan xi păng huyền thoại. Nếu đi vào mùa đông, có thể bạn sẽ phải ngồi cả ngày trong phòng vì không chịu được cái lạnh ở độ cao gần 1.500m tại thị trấn của những đêm chợ tình.
Tuyến cáp treo hiện ra giữa bềnh bồng mây phủ. Trên chiếc cabin có sức chứa lên tới 35 người, chúng tôi thấy mình xuyên qua những tầng mây và cảm giác ù tai bắt đầu xuất hiện. Nhìn qua lớp kính trong suốt của cabin, rừng già Hoàng Liên Sơn chưa bao giờ hùng vĩ đến thế.
Từng dòng suối uốn lượn vệt dài rẽ từ phía thượng nguồn xa xa rồi chập nối vào nhau thành dòng thác bạc trắng xóa phía cổng trời. Cái cảm giác đứng trên tiên cảnh xuất hiện tự lúc nào không ai hay. Chỉ biết rằng, “nóc nhà” Đông Dương hiện ra trước mắt không phải mơ, không phải ảo ảnh mà là cầm được, nắm được, nhìn thấy, sờ thấy.
Ở trên đỉnh núi cao chót vót ấy, gió thổi ầm ầm cuốn mây xuống dưới tầm mắt mình và cuộn tròn lô trong từng thung lũng nhấp nhô phía dưới. Những lúc ấy, chỉ chóp núi cao mới đủ sức chọc thủng thảm mây vươn lên đón ánh mặt trời. Sâu trong những khu rừng già phía chân núi, người bản vẫn bám trụ và sinh sống. Họ đi hái thuốc, lấy củi mỗi ngày, bất chấp khó khăn của thiên nhiên, đất trời. Họ giữ đất, giữ rừng bằng tình yêu và tập quán tự ngàn đời.
Nhiều người nói rằng, tuyến cáp trep Phan xi păng đã khiến sự hùng vĩ, huyền thoại “biến mất”, nhưng cá nhân người viết không nghĩ thế.
Vẻ đẹp huyền ảo của đỉnh Phan xi păng dẫu ngàn đời qua đi vẫn nguyên vẹn một đỉnh đó, chỉ là mỗi người cảm nhận nó theo cách riêng và trân trọng những cảm xúc hiện hữu.
Xúc cảm về một cõi thần tiên trên đỉnh Phan xi păng huyền thoại vẫn cứ tràn đầy trong trái tim lúc trở về và thật khó để co cụm tất cả lại trong một vài con chữ mang tính miêu tả. Chỉ có thể đi và cảm nhận bằng trái tim mình, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và đúng là cái cảm xúc đi đến tận cùng của tự do nó có giá trị hơn mọi lời có cánh. Hãy đi và tìm thấy chính mình sau những tầng mây!
Ghi chép của Dương Thu