Moscow là nơi diễn ra các hoạt động tình báo nghẹt thở khi quy tụ các điệp viên ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ở đây, các trò chơi gián điệp mưu mô đầy táo bạo vẫn diễn ra cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Nổi bật nhất trong đó là các cuộc đối đầu giữa cơ quan mật vụ nổi tiếng của Nga - KGB với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ - CIA.
Khách sạn Pekin
Hoạt động chống phản gián của KGB trước những mối đe dọa đến từ Mỹ đã trở thành một phần lịch sử trong những năm tháng Chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc đứng đầu thế giới. Nhằm chống lại sự phá hoại từ bên trong, các mật vụ KGB trong thời gian này được huy động tối đa về nhân lực, đảm bảo kiểm soát tại các vị trí trọng yếu nhất.
Một trong những địa điểm ghi dấu ấn của KGB là khách sạn Pekin được xây dựng dưới thời Stalin. Khi nhìn từ bên ngoài, người ta sẽ thấy Pekin chỉ là một khách sạn hào nhoáng, tấp nập với công việc kinh doanh của mình. Nhưng thực tế ở bên trong, khách sạn này được đặt dưới sự giám sát hoàn toàn của tình báo Liên Xô.
Hầu hết các nhân viên phục vụ và cả quản lý khách sạn đều là mật vụ nằm vùng và tất cả các phòng cũng như nhà hàng đều có thiết bị theo dõi. KGB cũng sử dụng Pekin như một căn cứ riêng, nơi mà các điệp viên từ khắp mọi nơi trên đất nước tụ họp lại đây khi trở về Moscow.
Năm 1961-1962, tại khách sạn Pekin, điệp viên người Anh Greville Maynard Wynne tiến hành các cuộc gặp mặt với Đại tá Oleg Penkovsky, người thuộc Tổng cục Tình báo – bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô (GRU) và cũng là một điệp viên của CIA. Tại chính khách sạn này, Penkovsky đã gây ra vụ bê bối chấn động nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi đã chuyển cho phía Wynne 5.000 bức ảnh chụp lại các tài liệu bí mật liên quan đến hệ thống vũ khí của đất nước. Đổi lại, “kẻ hai mang” nhận được những đãi ngộ hậu hĩnh về tiền bạc, vật chất.
Penkovsky sống trong một căn hộ tại số 36 Kosmodamianskaya và bị KGB theo sát từ lâu. KGB đã cho giấu một máy ảnh nhỏ bên trong lọ hoa đặt ở ban công căn hộ của Penkovsky. Mọi bằng chứng về việc Penkovsky sao chép tài liệu bí mật trên cửa sổ đã được ghi lại. Cho đến nay, lý do vì sao Penkovsky bị “lộ đuôi” vẫn còn trong vòng bí mật.
Từ Đại sứ quán Anh ở Moscow, mọi bằng chứng thu thập sau đó đều có liên quan đến Penkovsky. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, tên này đã bị điệp viên khác cùng bộ phận làm việc tố cáo.
Năm 1963, Penkovsky bị bắt giữ và bị buộc tội phản bội quốc gia. Đại tá quân đội Liên Xô bị tuyên án tử hình bằng hình thức xử bắn và bị tước toàn bộ quân hàm huy chương, tài sản. Penkovsky được mệnh danh là “Đại tá tình báo” ở cả Liên Xô, Mỹ và Anh. Bị coi là kẻ phản bội tại quê nhà, nhưng với việc cung cấp nhiều thông tin quý giá, Penkovsky lại được chính quyền Mỹ và Anh ca ngợi và phong hàm tại chính các quốc gia này.
Cầu Krasnoluzhsky
Một địa điểm nổi tiếng khác bên cạnh khách sạn Pekin là cây cầu Krasnoluzhsky ở Tây Nam Moscow. Đây là nơi gặp gỡ bí mật giữa các điệp viên CIA và nhân viên làm việc cho bộ Ngoại giao Liên Xô Alexander Ogorodnik. Điệp viên này được tình báo Mỹ tuyển dụng trong thời gian làm việc ở Columbia vào năm 1974. Thông tin bí mật giữa Ogorodnik và CIA được giấu kín trong các vật ngụy trang như hòn đá hoặc mảnh gỗ được đặt trong các khe hở dưới chân cầu.
Ogorodnik bị bắt vào ngày 22/6/1977 và sau đó đã tự tử. KGB đã phải bưng bít mọi thông tin về cái chết của gián điệp này với CIA để nhiệm vụ không bị lộ. Vào ngày 15/7/1977, điệp viên CIA dưới vỏ bọc nhân viên Đại sứ quán Mỹ tên là Martha Peterson tiếp tục gửi thông tin cho Ogorodnik tại cầu Krasnoluzhsky. KGB đã tóm gọn Peterson và trục xuất khỏi Liên Xô vào ngày hôm sau.
Tuyến đường sắt Severyanin
Năm 1985, KGB tiến hành theo dõi hành động của điệp viên CIA Paul Zalaki ở tuyến đường sắt lộ trình Moscow-Yaroslavl. Zalaki được cho là đã giấu thông tin mật và ngụy trang lại như một hòn đá vô tri đặt ở gần đó. Vài tuần sau, tình báo Liên Xô bắt giữ Leonid Poleshuk, một nhân viên KGB, đồng thời là gián điệp “hai mang” của CIA đã đến tìm kiếm viên đá này. Poleshuk bị buộc tội cung cấp các thông tin cho Mỹ về hoạt động tình báo của Liên Xô ở Nepal và Nigeria.
Khi KGB kiểm tra, hòn đá ngụy trang không phải thông tin mật mà cuộn trong đó là số tiền giá trị lên tới 25.000 rúp (đủ để mua bốn chiếc xe hơi vào thời điểm đó). Đây là khoản thanh toán hậu hĩnh của CIA khi Poleshuk được cho là đã làm rất được việc.
Nhà thờ Thánh Basil
Tọa lạc ở Quảng trường Đỏ, trung tâm của Thủ đô Moscow đông đúc, không mấy ai nghĩ rằng Nhà thờ Thánh Basil có thể là địa điểm hoàn hảo cho các điệp viên CIA hoạt động. Tuy nhiên, thực tế nó đã được sử dụng một cách rất hiệu quả. Chiếc cầu thang xoắn nối lên tầng thứ hai của nhà thờ được cho là nơi lý tưởng để giấu các thông tin mật một cách kín đáo. Năm 1985, Đại tá KGB và đồng thời là một điệp viên của Cơ quan Tình báo Bí mật Anh (MI6) là Oleg Gordievsky bắt đầu lên kế hoạch chạy trốn khỏi Liên Xô sau khi hành tung của bản thân bị bại lộ.
Gordievsky đã tìm đến nhà thờ này để nhận được hướng dẫn đào tẩu từ tình báo nước ngoài nhưng không may Nhà thờ Thánh Basil lại đóng cửa. Dẫu vậy, Gordievsky vẫn tìm cách cắt dấu được các điệp viên Liên Xô đang truy đuổi và trốn sang Anh. Ông bị kết án tử hình vắng mặt vì tội phản quốc. Cho đến ngày nay, Gordievsky vẫn là một trong số ít điệp viên “hai mang” chạy thoát.